03/12/2024 6:03:20

Xây dựng khung pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam để thúc đẩy nền kinh tế

“Để tận dụng tối đa tiềm năng của tài sản số, yếu tố cốt lõi là sự minh bạch và rõ ràng trong khung pháp lý. Đây là yếu tố nền tảng giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp và cộng đồng có thể phát triển trong một môi trường an toàn và bền vững”.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch CTCP Chứng khoán SSI tại Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam (Vietnam Tech Impact Summit 2024 – VTIS2024) ngày 3/12.

Với 4 chủ đề chính gồm AI, Fintech, Blockchain và Game – qua hơn 20 phiên hội thảo, chuyên đề, cùng khoảng 50 hoạt động bên lề, VTIS 2024 tập hợp, chia sẻ về các xu hướng, sức mạnh và tiềm năng công nghệ tương lai thông qua những thảo luận và bài phát biểu từ hơn 100 diễn giả thuộc các tổ chức toàn cầu cùng các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Trong đó, các cuộc thảo luận dựa trên 4 nhóm chủ đề chính như “AI Sáng tạo – Tác động kinh doanh và tiềm năng tương lai”, “Ranh giới pháp lý của Tài sản số: Lợi ích, thách thức và kinh nghiệm toàn cầu”, “Blockchain và các ứng dụng”, “Tương lai của Fintech trong 5-10 năm tới”, “Quỹ đầu tư trong giai đoạn Web2 và Web3”…

Cùng với đó là những góc nhìn, khám phá về sức mạnh và tiềm năng của các lĩnh vực như quá trình chuyển đổi của AI trong lĩnh vực game, blockchain, những tiến bộ về Fintech đang được áp dụng, hay việc blockchain đang cách mạng hóa lĩnh vực tài chính…

Trong sự kiện khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Chứng khoán SSI và ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT đã có những chia sẻ về khát vọng làm thay đổi thế giới thông qua công nghệ và tài chính; cũng như một số góc nhìn góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ cũng như tài chính trong tương lai.

Sự cấp bách của hoàn thiện khung pháp lý với tài sản số

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, trong thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của công nghệ trên toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực tài sản số – bao gồm blockchain, tiền mã hóa, token hóa tài sản, và các ứng dụng phi tập trung (DeFi).

Hiện tài sản số không còn là khái niệm xa lạ mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống tài chính toàn cầu. Những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này không chỉ thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà còn xây dựng được vị thế chiến lược trong nền kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch SSI cho rằng, để tận dụng tối đa tiềm năng của tài sản số, một yếu tố cốt lõi là sự minh bạch và rõ ràng trong khung pháp lý. Bởi đây là yếu tố nền tảng giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp, và cộng đồng có thể phát triển trong một môi trường an toàn và bền vững.

Cũng theo ông Hưng, hiện do thiếu một khung pháp lý rõ ràng, lĩnh vực này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có 3 khó khăn và rủi ro nổi bật.

Thứ nhất, khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực blockchain và tài sản số tại Việt Nam vẫn phải hoạt động trong điều kiện thiếu định hướng, khiến họ mất lợi thế cạnh tranh so với các nước láng giềng như Singapore hay Thái Lan.

Thứ hai, rủi ro cho người tham gia. Việc thiếu quy định dẫn đến việc không thể bảo vệ người dùng trước những hoạt động lừa đảo hoặc thiếu minh bạch.

Thứ ba, cơ hội đang dần mất đi. Khi thiếu khung khổ pháp lý và minh bạch, những nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn công nghệ lớn có xu hướng chọn quốc gia khác có môi trường pháp lý thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch CTCP Chứng khoán SSI.

“Là những người đang tham gia sâu sát vào thị trường công nghệ và tài sản số, chúng tôi nhận thấy rằng việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam không chỉ là nhu cầu của các doanh nghiệp mà còn là điều kiện cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ nói riêng và nền kinh tế nói chung.”, ông Nguyễn Duy Hưng nói.

“Anh Trương Gia Bình cũng như tôi cũng rất muốn bỏ tiền, muốn hỗ trợ rất nhiều nhưng chúng tôi cũng không biết làm thế nào để có thể hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng doanh nhân phát triển”, Chủ tịch SSI chia sẻ tại VTIS 2024.

Ở góc độ của nhà đầu tư, cơ sở pháp lý cần để những người hiện đang đầu tư vào các tài sản ảo, tài sản công nghệ yên tâm rằng tất cả những tài sản đó được pháp luật thừa nhận và được công khai đóng thuế. Vì chỉ khi công khai đóng thuế thì những tiền và tài sản đó mới là tài sản hợp pháp ở bất cứ quốc gia nào.

“Chúng ta cần khung pháp lý minh bạch để những người phát triển và những nhà đầu tư được bảo vệ, được minh bạch, không ai có thể lừa được ai, không ai có thể trục lợi qua các chiêu trò trên thị trường”.

Đồng thời, Chủ tịch chứng khoán SSI cũng đưa ra 4 kiến nghị với các cơ quan quản lý để phát triển các sản phẩm tài chính số cũng như đưa Việt Nam trở thành trung tâm tài sản số của khu vực.

Thứ nhất, sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng, minh bạch để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản số, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và các bên tham gia thị trường.

Thứ hai, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực blockchain và công nghệ số thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư, tài trợ nghiên cứu và hợp tác quốc tế.

Thứ ba, xây dựng các cơ chế quản lý linh hoạt để vừa bảo vệ người dùng, vừa không làm mất đi tính sáng tạo – điều cốt lõi của tài sản số.

Thứ tư, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài sản số, tận dụng kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển để xây dựng một khung pháp lý hiệu quả, phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

Dữ liệu là nguồn tài nguyên quý giá của Việt Nam

Chia sẻ tại VTIS 2024, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết:  Dữ liệu là nguồn tài nguyên quý giá của Việt Nam và toàn thế giới bởi mọi công nghệ đều phát triển quanh dữ liệu. Tuy nhiên, dữ liệu chỉ phát huy giá trị khi được quản lý đúng cách và có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Tất cả dữ liệu các bạn có được, đều có thể biến thành tiền. Dữ liệu là dầu mỏ của tương lai. Ai biết khai thác, chế biến, sử dụng, người đó có thể chiếm lĩnh đỉnh cao mới”, theo ông Trương Gia Bình.

Tuấn Việt