18/06/2021 10:29:52

Vi phạm TTXD Định Công: Xử lý trách nhiệm người đứng đầu như thế nào?

Theo dư luận phản ánh và tìm hiểu của Nghề nghiệp & Cuộc sống, tại địa bàn phường Định Công tồn tại rất nhiều công trình vi phạm TTXD. Tuy nhiên, những công trình này vẫn ngang nhiên xây dựng bất chấp các quy định về quản lý đất đai.

Như đã đưa tin, tại khu vực phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang là điểm nóng về vi phạm TTXD. Tuy nhiên, khi cơ quan báo chí làm việc với chính quyền UBND phường Định Công thì đại diện tổ TTXD của phường này đã phủ nhận mọi công trình đang vi phạm trên địa bàn, đồng thời từ chối cung cấp thêm thông tin.

Trong khi đó, theo thông tin người dân cung cấp, tại địa bàn phường có tình trạng “làm luật” để xây nhà trên đất nông nghiệp. Trong vai người đi mua đất xây nhà tại khu vực phường Định Công, PV đã được người dân địa phương hướng dẫn lên phòng TTXD của phường Định Công để đặt vấn đề xây nhà trên đất nông nghiệp. Người dân địa phương cũng cho biết thêm cứ “làm luật” là xây được, và khẳng định thêm “không mất tiền thì không làm được”.

Nếu thực sự tồn tại tình trạng “làm luật” như trên, những cá nhân tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

UBND phường Định Công

Việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại các địa phương được thực hiện theo quy định pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể như Luật xây dựng, Luật Nhà ở.

Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP cũng chỉ rõ:

  1. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:
  2. a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;
  3. b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;
  4. c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Điều 207, Luật đất đai 2013 quy định về Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai như sau:

  1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm sau đây:
  2. a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai;
  3. b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất;
  4. c) Vi phạm quy định về lấy ý kiến, công bố, công khai thông tin; vi phạm quy định trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý đất đai

Điều này được hướng dẫn bởi Chương 9 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Cụ thể:

Điều 96. Đối tượng bị xử lý vi phạm

  1. Người đứng đầu tổ chức, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định về quản lý đất đai mà có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
  2. Cán bộ, công chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp và cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn có hành vi vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý đất đai.
  3. Người đứng đầu tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên của tổ chức được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật Đất đai mà có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai đối với đất được giao để quản lý.

Theo đó, những hành vi vi phạm được quy định tại Điều 97 của Nghị định này bao gồm:

– Điểm b, khoản 3: Vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm các hành vi sau: Giao đất, giao lại đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

– Điểm a,b, khoản 6: Vi phạm quy định về quản lý đất do được Nhà nước giao để quản lý bao gồm các hành vi sau: Để xảy ra tình trạng người được pháp luật cho phép sử dụng đất tạm thời mà sử dụng đất sai mục đích; Sử dụng đất sai mục đích;

Công trình vì phạm xây dựng trên đất nông nghiệp

Như đã phản ánh trên địa bàn phường Định Công thời gian qua đã tồn tại rất nhiều công trình vi phạm TTXD, cụ thể: tại các địa chỉ ngách ngõ 60, ngõ 31, ngõ 66 phố Định Công Hạ, ngách 192/173, ngõ 192 đường Lê Trọng Tấn, ngõ 202, ngõ 232, ngõ 36 Trần Điền tồn tại rất nhiều công trình đã xây dựng, rào tôn kín mít… Đặc biệt, tại ngõ 31 Định Công Hạ hàng loạt công trình xây dựng với mật độ 100% trên quỹ đất nông nghiệp. Khu vực hồ Định Công một số công trình xây dựng, hoặc quây tôn phục vụ kinh doanh.

Có thể nhận thấy, vấn nạn xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp xảy ra tại phường Định Công là vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quy hoạch quận Hoàng Mai nói riêng và quy hoạch thủ đô nói chung. Và dù dư luận địa phương đang vô cùng búc xúc thì thực trạng này vẫn đang tồn tại và tiếp diễn không hề có dấu hiệu được xử lý.

Việc người dân xây dựng nhà trên đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích tưởng như là chuyện nhỏ nhưng thực tế là vi phạm quy định pháp luật về đất đai, phá vỡ quy hoạch, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, đồng thời có nguy cơ đe dọa an ninh lương thực. Vì vậy, rất mong UBND các cấp, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần quyết liệt xử lý hành vi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; Có biện pháp giáo dục, tuyên truyền và khuyến khích trường hợp vi phạm tự tháo dỡ.

Đối với các trường hợp xây dựng cũ, nếu cố tình tiếp tục thực hiện việc sử dụng trái phép mặc dù đã bị xử phạt hành chính thì có thể bị buộc phá dỡ công trình hoặc bị thu hồi đất.

Đồng thời, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về Quản lý đất, cần nâng cao năng lực làm việc và quán triệt về trách nhiệm, hậu quả pháp lý đối với cán bộ phụ trách chính trong lĩnh vực đất đai vẫn tiếp tục được thực hiện nghiêm túc.

Anh Bình