02/05/2021 11:52:45

Từ tháng 5/2021: Nhiều chính sách mới thiết thực có hiệu lực thi hành

Từ tháng 5/2021, nhiều chính sách mới thiết thực sẽ có hiệu lực thi hành. Trong đó, nổi bật là tăng mức hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp thêm 500 nghìn đồng/ tháng.

Tăng mức hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp

Đây là chính sách mới đáng chú ý dành cho lao động thất nghiệp được quy định trong Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2021. Người lao động thất nghiệp tham gia đào tạo nghề sẽ được nhận mức hỗ trợ học phí 1,5 triệu đồng/ tháng, tối đa không quá 4,5 triệu/ khóa đào tạo 3 tháng. So với mức hỗ trợ hiện hành của Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg tối đa 1 triệu đồng/ tháng thì mức hỗ trợ mới tăng thêm 500 nghìn đồng/ tháng.

Theo Quyết định 17/2021/QĐ-TTg, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng.

Quyết định 17/2021/QĐ-TTg áp dụng với người lao động được hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp cho người lao động. Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ học nghề do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Việc nâng mức hỗ trợ sẽ tạo điều kiện hơn cho lao động thất nghiệp học nghề để sớm quay trở lại thị trường lao động. Ảnh minh họa.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, thời gian qua, số lao động thất nghiệp có nguyện vọng và được hỗ trợ học nghề còn thấp. Một trong những nguyên nhân là do mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn thấp. Người lao động thất nghiệp tham gia học nghề chỉ được hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/tháng và thời gian hỗ trợ ngắn nên chưa đáp ứng được một số nghề đòi hỏi trình độ trung cấp trở lên của người tham gia.

Việc nâng mức hỗ trợ theo đó sẽ tạo điều kiện hơn cho lao động thất nghiệp học nghề để sớm quay trở lại thị trường lao động. Đồng thời góp phần thu hút lao động thất nghiệp tham gia học nghề.

Cùng với quy định tăng mức hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp, nhiều chính sách khác cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 5/2021 như:

Lần đầu tiên có hướng dẫn về dạy học trực tuyến

Từ ngày 16/5/2021, Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên chính thức có hiệu lực thi hành.

Điểm mới của Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT là học sinh được kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến nếu không thể đến trường vì lý do bất khả kháng. Thông tư cũng hướng dẫn hoạt động dạy học trực tuyến được thực hiện theo bài học hoặc chủ đề trong chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học.

Trước đó, năm 2020, với  sự bùng phát và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Giáo dục cả nước đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Toàn bộ học sinh, sinh viên đều phải nghỉ học tập trung ở trường trong thời gian khá dài. Trong tâm thế của không ít giáo viên và cả phụ huynh, học sinh, việc dạy, học trực tuyến khi ấy được xác định là giải pháp tình thế. Việc tổ chức dạy học trực tuyến ở mỗi địa phương, mỗi nhà trường cũng không giống nhau, mà mạnh ai nấy làm, căn cứ vào điều kiện sẵn có.

Sự ra đời của Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên đã giải quyết căn bản những bất cập nêu trên. Lần đầu tiên, việc dạy học trực tuyến được cụ thể hóa với những quy định cụ thể về điều kiện, trách nhiệm của các bên liên quan. Kết quả kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến cũng chính thức được công nhận. Không chỉ tạo hành lang pháp lý cho các nhà trường chủ động, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, quy định này còn khuyến khích, tăng cơ hội cho học sinh học tập ở mọi nơi, mọi lúc.

Ngành Thanh tra: Không sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc

Theo Thông tư số 01/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ, từ ngày 1/5, cán bộ, công chức, viên chức trong ngành thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân không sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việ.

Khi giao tiếp qua điện thoại và các phương thức giao tiếp trực tuyến khác, cán bộ, công chức, viên chức phải xưng tên, chức danh, chức vụ, cơ quan, đơn vị nơi công tác; trao đổi ngắn gọn, cụ thể với âm lượng vừa đủ nghe, thái độ hòa nhã.

Cán bộ, công chức, viên chức phải báo cáo với người ra quyết định thanh tra hoặc trưởng đoàn thanh tra khi cán bộ, công chức, viên chức thanh tra có mối quan hệ với đối tượng thanh tra có thể ảnh hưởng không đúng đắn đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Báo cáo kịp thời với trưởng đoàn thanh tra khi phát hiện xung đột lợi ích trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Tránh các quan hệ xã hội có thể dẫn đến việc phải nhân nhượng trong hoạt động thanh tra.

Công dân có thể nhắn tin để tra cứu thông tin về cư trú

Theo Nghị định số 37/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 14/5/2021, công dân có thể khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Công an cấp xã có trách nhiệm thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về công dân cư trú trên địa bàn quản lý vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ việc giải quyết thủ tục đăng ký, thay đổi, điều chỉnh thông tin cư trú của công dân; cơ sở dữ liệu hộ tịch hoặc giấy tờ hộ tịch, sổ sách quản lý về cư trú.

Trường hợp các thông tin, giấy tờ, tài liệu nêu trên về công dân mà chưa có hoặc chưa đầy đủ thì được thu thập, cập nhật từ công dân qua Phiếu thu thập thông tin dân cư, Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư.

Nghị định số 37/2021/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân đối với công dân đã đăng ký khai sinh. Cụ thể, công dân đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân thì cơ quan quản lý CSDLQGVDC xác lập số định danh cá nhân cho công dân theo thông tin hiện có trên CSDLQGVDC.

Ngay sau khi xác lập được số định danh cá nhân cho công dân, cơ quan quản lý CSDLQGVDC có văn bản thông báo cho công dân về số định danh cá nhân đã được xác lập và các thông tin của công dân hiện có trong CSDLQGVDC. Trường hợp thông tin của công dân trong CSDLQGVDC chưa đầy đủ thì trong văn bản thông báo cần yêu cầu công dân bổ sung thông tin cho Công an xã, phường, thị trấn nơi mình đang cư trú để thực hiện cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong CSDLQGVDC.

Trường hợp công dân đã có số định danh cá nhân mà được xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh thì cơ quan quản lý CSDLQGVDC xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân sau khi công dân đó đã thực hiện việc đăng ký hộ tịch liên quan đến thông tin về giới tính, năm sinh theo quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch. Cơ quan quản lý CSDLQGVDC có văn bản thông báo cho công dân về số định danh cá nhân đã được xác lập lại.

Cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân sử dụng số định danh cá nhân đã được cơ quan quản lý CSDLQGVDC xác lập cho công dân để cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định.

Hải Yến