01/08/2021 8:40:49

Tự chủ trong GDNN và đại học còn nhiều bất cập cần điều chỉnh

Phát biểu trước phiên toàn thể Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, GS Lê Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng, chính sách học phí đại học cũng như qui định về tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học hiện nay còn nhiều bất cập cần điều chỉnh.Học phí thấp hệ lụy chất lượng đào tạo giảm, học sinh nghèo và các đối tượng chính sách khó tiếp cận học bổng và các điều kiện học tập nghiên cứu đại học chất lượng cao.

Đại biểu Lê Quân, Giám đốc ĐHQG Hà Nội phát biểu tại Quốc hộI

Theo ĐB Lê Quân, nhiệm kỳ vừa qua, lĩnh vực giáo dục nói chung, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp nói riêng đã được Chính phủ hết sức quan tâm ban hành nhiều cơ chế chính sách với tư duy mới, tạo điều kiện cho giáo dục và đào tạo đổi mới căn bản, toàn diện như Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”. Tuy nhiên quá trình thực hiện đang nảy sinh những vướng mắc cần được điều chỉnh.

Về chính sách học phí, theo ông Lê Quân, hiện nay, học phí là vấn đề bức xúc với các trường. Học phí của nước ta quá thấp, chậm thay đổi, với mức học phí hiện tại thì không thể bù đắp chi phí để các trường đào tạo có chất lượng. Chính sách học phí bất cập nên chưa tạo điều kiện để các trường đầu tư nâng cao chất lượng cũng như chưa tạo điều kiện để học sinh nghèo học giỏi, các đối tướng chính sách tiếp cận chương trình đào tạo đại học chất lượng cao.

 Do vậy theo ông Lê Quân, chúng ta cần có quan điểm tư duy là làm sao có chính sách thật tốt để con em nghèo học giỏi hoặc các em học giỏi có thể tiếp cận được học bổng và được đảm bảo quyền học đại học. Chúng ta cũng phải đảm bảo học phí cũng là một rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào học đại học và trở thành ‘học đại’. Chúng ta phải coi học phí đối với người học là một nguồn đầu tư.

Bởi theo ông Quân, thực hiện cơ chế tự chủ hiện nay, ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học rất hạn chế nên hầu hết các trường phải trông chờ vào học phí để bù đắp chi phí  hoạt động. Do trần học phí thấp, để tăng nguồn thu, các trường buộc phải tăng qui mô đào tạo, ( tăng số lượng tuyển sinh bằng cách hạ thấp điểm sàn để thu hút tuyển sinh – PV) nên hiện nay hầu như học sinh có nhu cầu là đỗ đại học.

Cũng do học phí thấp, tuyển sinh càng nhiều, chi phí càng lớn, không đủ để các trường trích lập qũi học bổng, quĩ hỗ trợ học sinh nghèo học giỏi. Hệ lụy là chất lượng đào tạo giảm sút. Học sinh nghèo học giỏi, sinh viên tài năng khó có cơ hội tiếp cận học bổng hoặc được học tập, nghiên cứu trong môi trường đại học chất lượng.

Các trường ĐH và nghề nghiệp muốn thu học phí cao thì phải tự chủ và không nhận ngân sách

Ngược lại, hiện nay các trường muốn thu học phí cao thì phải tự chủ và không nhận ngân sách từ Nhà nước nữa. Do đó nguồn thu chủ yếu của các trường sẽ là học phí. Đến nay hầu hết các trường đại học tốp 1 và 2 đã triển khai tự chủ với mức thu học phí vượt nhiều lần so với mức sàn qui định (vượt mức 20 triệu đồng/năm). Trong khi đó các qui định về miễn, giảm học phí, học bổng cho đối tượng chính sách, học sinh hộ nghèo và chính sách tín dụng vay học tập, qui định về trích học phí lập quĩ học bổng vẫn đang thiếu hành lang pháp lý. Vì vậy, học phí các trường tự chủ thì tăng nhanh nhưng cơ hội theo học các trường đại học chất lượng đối với sinh viên nghèo có học lực khá giỏi lại bị thu hẹp. Đây chính là bất cập cần được giải quyết.

Bên cạnh đó Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư cho những ngành đào tạo tài năng, đào tạo khoa học cơ bản khó thu hút học sinh.

Theo các chuyên gia giáo dục, “rào cản kỹ thuật” để tránh việc học đại học là “học đại” mà ông Lê Quân nói tới là hết sức cần thiết nhằm cơ cấu lại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Đó chính là Nhà nước cần có chính sách tài chính cho giáo dục đại học, trong đó có chính sách học phí phù hợp hơn, khoa học hơn, tạo “rào cản kỹ thuật” để đại học không vì gánh nặng tài chính mà hạ thấp chất lượng đầu vào nhằm tăng số lượng tuyển sinh, còn người học không vì tuyển sinh đại học dễ dãi, nên cứ vào đại học “học đại” để có tấm bằng. Hệ lụy là cơ cấu nguồn nhân lực bất hợp lý. Thừa thầy, thiếu thợ, nhưng kể cả Thầy thừa thì chất lượng Thầy cũng không đảm bảo..

Tự chủ và những nút thắt

Đề cập đến cơ chế tự chủ, ông Lê Quân cho biết, bước đầu thực hiện cơ chế tự chủ, các trường đã giảm thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt trong mọi hoạt động, từ đào tạo và nghiên cứu khoa học đến tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính. Tuy nhiên quá trình thực hện cho thấy một số khó khăn, trong đó, có sự chưa đồng bộ của hệ thống cơ chế chính sách.

Về tự chủ tài chính,  hiện nay đại học và giáo dục nghề nghiệp bước đầu đã có sự chủ động về tự chủ tài chính, nhưng mới chỉ được tự chủ ở mức độ rất hạn chế, nhất là về học phí. Thực hiện lộ trình tự chủ, hiện ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho các trường cả khối đại học và giáo dục nghề nghiệp đều bị cắt giảm hoặc chuyển sang cơ chế đặt hàng. Tuy nhiên theo ông Lê Quân, quá trình triển khai tự chủ còn rất lúng túng. Việc chuyển từ chi thường xuyên sang chi đặt hàng nhưng việc đặt hàng là vô cùng khó khăn và thiếu hành lang pháp lý.

Những lĩnh vực như an ninh, quốc phòng hoặc sư phạm có thể đặt hàng, đấy là những chỉ tiêu cho các khu vực công. Còn lại khu vực tư đa phần các doanh nghiệp không thể ký trực tiếp đặt hàng, trừ một số doanh nghiệp lớn cần nhân lực kỹ thuật sâu và chuyên môn kỹ năng cao. Do đó, rất nhiều cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp chuyển sang tự chủ nhưng không nhận được chi thường xuyên.

Ông Quân kiến nghị, ưu tiên cho phát triển giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, Nhà nước cần tăng ngân sách, chứ không nên cắt giảm. Cần chuyển chi thường xuyên của các cơ sở tự chủ thành chi đầu tư cho phát triển để nâng cao chất lượng đào tạo và thu hút được người học…

Hoàn thiện cơ chế chính sách tự chủ gắn với quản lý chất lượng đầu ra, đánh giá được bộ chỉ số để đánh giá được hiệu quả cũng như chất lượng của từng cơ sở, của từng ngành nghề, gắn với việc làm, chất lượng việc làm và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tự chủ là để từng cơ sở phải có trách nhiệm giải trình về việc mình đóng góp ra sao cho xã hội, còn tự chủ hiện nay vẫn hiểu theo nhiều tư duy đếm số m2, đếm số giáo viên để cho chỉ tiêu tuyển sinh, chúng ta vẫn can thiệp quá sâu vào vấn đề chức danh này phải kiêm chức danh kia hay rất nhiều yếu tố khác.

Những quan điểm phải dạy chính quy xong mới được dạy tại chức hay phải dạy đại học xong mới được dạy cao học. Ông Quân kiến nghị rất nhiều những quy định chính sách hiện nay cần thay đổi để đảm bảo các đơn vị cơ sở được tự chủ về học thuật cao hơn.

Q.Anh