Cột mốc số 0 Mường Nhé nằm ở Ngã 3 biên giới Việt Nam – Lào -Trung Quốc thuộc xã Xín Thầu – Huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên.
Ba mặt của cột mốc là quốc huy của ba quốc gia, được dựng lên vào ngày 27/6/ 2005. Vị trí của cực Tây trên đỉnh núi Khoang La San với tọa độ 22°23’53″N 102°8’51″E, nằm tại bản Tá Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Đây cũng chính là một trong 2 nơi “một tiếng gà gáy ba nước nghe thấy”, cùng với cột mốc ngã ba biên giới 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia (Ngã ba Đông Dương) thuộc khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum được xây dựng vào năm 2007 nằm trên ngọn đồi cao 1086m tại xã Bờ Y cách ngã 3 Đông Dương khoảng 3Km, cách thị xã Plei Kần huyện Ngọc Hồi khoảng 14km, cách TP Kon Tum 74Km. Đây cũng là 2 điểm đến hấp dẫn cho những ai ưa thích du lịch gắn liền với lịch sử truyền thống của đất nước và cũng là nơi mà mỗi phượt thủ đều mong muốn đến thăm và trải nghiệm.
Chinh phục cột mốc ngã ba biên giới A Pa Chải
A Pa Chải được mệnh danh là “1 con gà gáy cả 3 nước đều nghe thấy” và là mục tiêu chinh phục của không ít các phượt thủ nơi có cột mốc số 0, điểm cực Tây trên đất liền của nước ta.
Trước đây, để leo lên đến cột mốc số 0 tại A Pa Chải phải mất từ 4- 5 giờ leo bộ để trải nghiệm được cảm giác mới lạ, khá mạo hiểm nhưng cũng không kém phần lí thú.
Ngã ba biên giới trên đất liền của Việt Nam, A Pa Chải tiếp giáp biên giới 2 nước láng giềng Trung Quốc và Lào. Cách Điện Biên Phủ khoảng 270 km, du khách phải vượt qua chặng đường núi gập ghềnh thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé.
Để đến được A Pa Chải, du khách phải tiếp tục xuôi theo con đường nhựa xuyên Mường Nhé, con đường dẫn đến cột mốc số 0 nếu du khách đi từ Hà Nội có thể chọn đi xe giường nằm vào tới Mường Nhé và để tiết kiệm thời gian, du khách có thể đặt vé máy bay của hãng hàng không quốc gia VietNamairline, sau đó đi xe chuyển tiếp vào tới trung tâm Mường Nhé.
Khoảng cách đi từ sân bay Điện Biên vào đến mường Nhé chừng 200km, thời gian đi hết khoảng 5-7h vì đường đi có nhiều đoạn cua gấp khúc hoặc xoay tròn hình vòng thúng khá hẹp.
Du khách đi vào khoảng tháng 11 đến tháng 1 năm sau sẽ bắt gặp những thung lũng mây trôi dọc theo con đường dẫn vào Mường Nhé và mất khoảng gần 1h30 phút đi ô tô du khách đến đồn Biên phòng Mường Nhé để thăm quan cột mốc.
Tại đây, các chiến sỹ biên phòng đón tiếp rất niềm nở và ân cần, du khách có thể thuê xe máy hoặc nhờ người của đồn Biên phòng đưa lên đến tận chân bậc thang.
Nếu bạn nào tay lái yếu không tự đi xe máy, vì đường đi có những đoạn rất khó đi, chỉ một người lái và không thể tránh nhau được hoặc có những khúc cua nơi phiến đá thò ra để lại góc cua rất hẹp.
Điểm dừng chân đầu tiên là một sảnh rộng, bắt đầu với 541 bậc đá granit và 29 chiếu nghỉ sẽ đưa du khách lên đến điểm cột mốc số 0.
A Pa Chải nằm ở độ cao 1864 m so với mực nước biển. Đây là nơi sinh sống của người dân tộc Hà Nhì và một số dân tộc thiểu số khác. Theo tiếng Hà Nhì A Pa Chải có nghĩa là “vùng đất bằng phẳng, rộng lớn”.
Nằm trên đỉnh núi Khoang La San với tọa độ 22°23’53″N 102°8’51″E, A Pa Chải còn là địa danh gắn liền với cột mốc số 0, ngã ba biên giới đặc biệt của 3 nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc.
Cột mốc cắm vào ngày 27/6/2005. Toàn bộ cột mốc được làm bằng đá granit, được cắm trên bệ cắm hình lục giác, ngoài cùng là khối vuông với diện tích 5×5 mét. Cột mốc cao 2 mét với 3 mặt quay về 3 hướng, bên trên mỗi mặt là tên nước bằng tiếng quốc ngữ và quốc huy riêng của mỗi quốc gia. Ngổi trên đây, ta có thể phóng tầm mắt ra xa phía bên kia biên giới các nước bạn, hoặc chỉ cần thả chân xuống là ta đã bước sang biên giới một quốc gia khác.
Đang ngồi đón ánh nắng dịu mát với cơn gió thổi nhè nhẹ, bất chợt, một đám mây xà xuống đem theo cái không khí xe lạnh của vùng cao, cảm giác đó làm cho ta quên hết những nhọc nhằn và ưu phiền đã trải qua.
Điểm đến hấp dẫn
Cùng với Cột mốc 3143 Fansipan, Cột cờ Lũng Cú, Cột mốc 428 Hà Giang, Mũi Đôi, cực Đông Tổ quốc, Mũi đất Cà Mau, cực Nam tổ quốc, A Pa Chải ngày nay không còn là một địa danh xa lạ với những ai yêu khám phá, mạo hiểm đi chinh phục những địa đầu của tổ quốc. Tất cả mọi du khách ở nước ngoài cũng như trong nước đều lên trải nghiệm, thăm quan và đi du lịch.
Cứ cuối tháng 10 âm lịch hàng năm, sau khi thu hoạch xong vụ lúa người dân Hà Nhì có nhiều thời gian rảnh. Các Già làng, Trưởng bản và cán bộ xã sẽ họp để thống nhất một ngày ăn Tết chung. Nếu du khách đi du lịch vào dịp này, du khách sẽ được trải nghiệm cái Tết khó quên cùng người dân bản.
Ngày tết của người Hà Nhì được chọn vào ngày Rồng. Bởi theo quan niệm thì ăn Tết vào ngày này dân bản sẽ được mạnh khỏe cả năm. Không khí chuẩn bị Tết vùng cao rất náo nhiệt, mỗi người xắn tay cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ tất niên, những món ăn đều được chế biến từ thịt lợn như: thịt luộc, xúc xích, thịt đông, …
Cùng với tour du lịch về miền lịch sử, thăm quan các di tích lịch sử như đồi A1, cầu Mường Thanh, cánh đồng Mường Phăng, bảo tàng chiến thắng,…tỉnh Điện Biên đang xây dựng các chương trình lễ hội đặc sắc như lễ hội Hoa anh đào vào khoảng tháng 12 và các điểm du lịch hấp dẫn khác để tạo cho du khách ngày càng nhiều không gian để trải nghiệm.
Bỏ lại sau lưng những cánh rừng nguyên sinh, hành trình về xuôi khá vất vả nhưng tâm trạng của hầu hết du khách đến đây đều rất hồ hởi, vui vẻ, bởi họ đã được khám phá, tìm hiểu, được sống và trải nghiệm và tận hưởng hết mình, du khách được khám phá các nét văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S, dặc biệt là nơi cực Tây của tổ quốc.
Nguyễn Văn Song
(Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội)