Ngày 24/10, Diễn đàn quốc tế về giáo dục nghề nghiệp với chủ đề “ Phát triển kỹ năng nhân lực ngành Logistics và thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên số” đã được tổ chức tại Hà Nội.
Diễn đàn do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức, trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong ngành Logistic tại Việt Nam”.
Logistics hỗ trợ nền kinh té tăng trưởng nhanh
Phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Tại Việt Nam, Logistics được xác định là ngành dịch vụ quan trọng của nền kinh tế quốc dân, hỗ trợ phát triển kết nối và phát triển kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 14-16% và quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Logistics hiện đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam, được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường Logistics mới nổi toàn cầu.

Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ Logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ Logistics đạt 15%- 20%; chi phí Logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi lĩnh vực Logistics Việt Nam cần tiếp tục phát huy mọi khía cạnh, trong đó phát triển nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng hàng đầu.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: Diễn đàn là dịp để các cơ quan, tổ chức, Australia, các nước trong khu vực ASEAN, đối tác quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, nhằm mang đến những giải pháp nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trong ngành Logistics nói riêng, lực lượng lao động Việt Nam nói chung. Điều này sẽ góp phần giúp Việt Nam phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Chia sẻ tầm nhìn về phát triển lực lượng lao động logistics, ông Andrew Goledzinoski, Đại sứ Ốt-xtrây-li-a tại Việt Nam cho biết: “Chính phủ Ốt-xtrây-li-a và Việt Nam cùng nhau hợp tác đảm bảo cho Việt Nam có một hệ thống GDNN hiệu quả, bền vững để đào tạo đội ngũ lao động được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho tương lai. Ốt-xtrây-li-a có một hệ thống GDNN rất phát triển và việc phát triển kỹ năng lao động ngành logistics rất cần thiết cho những quốc gia có hệ thống cung ứng lớn như Việt Nam.

Việt Nam hiện đang ưu tiên đẩy mạnh lĩnh vực GDNN nhằm đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên GDNN vẫn còn một chặng đường để cung cấp một đội ngũ lao động chất lượng cao đủ cho việc phát triển kinh tế của Việt Nam, tiến tới trở thành quốc gia có thu nhập cao.
Ông Vũ Ninh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề ngành Logistics (LIRC): chia sẻ,“Thông qua chương trình Aus4Skills, Ốt-xtrây-li-a đã hỗ trợ lĩnh vực GDNN ở Việt Nam thành lập Hội đồng LIRC, là một mô hình chưa từng có ở Việt Nam do doanh nghiệp dẫn dắt, giúp đưa ra những dự báo về kỹ năng nghề, cung cấp các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề và đóng góp vào việc xây dựng các khoá đào tạo mới cho giảng viên và học viên các trường nghề”.
Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Logistics là một ngành công nghiệp toàn cầu với những thay đổi nhanh chóng về yêu cầu đối với đội ngũ lao động. “Sự kết nối và nắm bắt thông tin kịp thời của thị trường thông qua Hội đồng LIRC giúp cho các cơ sở GDNN thiết kế chương trình đào tạo cập nhật. Điều này giúp thu hút sinh viên tham gia các khoá học logistics nhiều hơn, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”
Chuyên gia thương mại điện tử Tiki chia sẻ cơ hội, tiềm năng để phát triển nguồn nhân lực Logistics tại Việt Nam cũng khẳng định: Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế, có vị trí chiến lược kết nối ASEAN và thế giới, là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh và sẽ đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.

Việt Nam có nhiều hiệp định thương mại quốc tế, hoàn toàn phát triển được chuỗi cung ứng và thị trường Logistics, có sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp FDI đầu tư… Bởi vậy, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần có những kế hoạch cụ thể đầu tư vào hạ tầng, nhằm thu hút hiệu quả nguồn lực phát triển kinh tế, cũng như tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực trẻ, đạt chất lượng cao trong lĩnh vực Logistics.
Sự tham gia của doanh nghiệp giúp nâng cao kỹ năng ngành Logistics tại Việt Nam là một thuận lợi
Chia sẻ kinh nghiệm từ chuyên gia Australia, ông Craig Robertson, Giám đốc điều hành Cơ quan Kỹ năng Bang Victoria nhấn mạnh vai trò của kỹ năng trong kỷ nguyên số. Theo đó, ở Australia đã xây dựng mô hình kinh tế đảm bảo 100% người lao động có việc làm và GDNN có vai trò quan trọng tham gia vào quá trình đào tạo, nâng cao năng lực số cho người lao động. Cùng đó, xây dựng hội đồng kỹ năng với nhiệm vụ dự báo nguồn nhân lực, cũng như xây dựng kế hoạch, khung năng lực số từ kỹ năg cơ bản cho đến kỹ năng chuyên sâu, định hướng chi tiết để phát triển các kỹ năng mới gắn với chuyển đổi số cho người lao động, giúp người lao động có được vị trí việc làm phù hợp trong môi trường số.
Ông Lưu Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Cao đẳng hàng hải I cho biết mô hình xây dựng kỹ năng do doanh nghiệp dẫn dắt đã đạt được những thành công trong việc trang bị cho sinh viên những năng lực mà thị trường yêu cầu: “Kể từ khi tham gia vào chương trình Aus4Skills vào năm 2020, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn trong việc đào tạo giảng viên và thí điểm hai mô-đun giảng dạy mới. Hầu hết các sinh viên tham gia khoá đào tạo thí điểm này đều được doanh nghiệp tiếp nhận ngay từ khi chưa tốt nghiệp. 100% sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp với thu nhập cao. Việc áp dụng phương pháp đào tạo dựa trên năng lực thực hiện và đánh giá (CBTA) của dự án giúp tăng số lượng sinh viên đăng ký học một cách rất ấn tượng”.
Thông qua chương trình Aus4Skills, Ốt-xtrây-li-a đã chia sẻ các phương pháp và bài học về GDNN nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng một mô hình đào tạo do doanh nghiệp dẫn dắt, được thiết kế phù hợp với bối cảnh của Việt Nam. Mô hình này đã được ứng dụng cho các lĩnh vực khác nhằm tăng cường năng lực nguồn nhân lực cho Việt Nam.

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng vụ GDTX ( Tổng cục GDNN) khẳng định: Kỷ nguyên số đang tạo ra rất nhiều cơ hội, vị trí việc làm mới cho người lao động, tiềm năng với Việt Nam là nước đang sở hữu dân số vàng, lực lượng lao động trẻ dồi dào với trên 52 triệu người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, so với thế giới, cơ cấu nhân lực đang bị mất cân đối, chênh lệch về trình độ đào tạo, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động còn thấp. Sự chênh lệch này đi ngược với mô hình đào tạo của thế giới.
Đối với lĩnh vực Logistics, hiện chỉ có một số cơ sở GDNN đào tạo với số lượng còn khiêm tốn so với nhu cầu lớn của thị trường lao động. Đây chính là thách thức đối với Việt Nam, đòi hỏi có nhiều giải pháp đồng bộ ( tuyên truyền nhận thức của xã hội, văn bản quy phạm pháp luật, gắn kết sự tham gia của doanh nghiệp…) nhằm thúc đẩy, thu hút và phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực này được phát triển nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Bình Minh