“Nhiều công nhân lao động còn phải cắm sổ BHXH, CMND để đi vay chỉ 500.000 đến 1 triệu đồng chỉ để trả tiền thuê nhà, mua gạo…”, TS. Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nêu lên thực trạng tại Tọa đàm “Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều” diễn ra ngày 16/6.
Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập và chi tiêu và đời sống của công nhân lao động Việt Nam năm 2022 cho thấy, có một bộ phận không nhỏ người lao động phải đi vay tiền để ổn định cuộc sống. Cụ thể là có 12% người lao động phải thường xuyên đi vay tiền để chi tiêu; 35,5% người lao động thỉnh thoảng (3 -4 tháng/1 lần) phải đi vay tiền. Đồng thời, có tới 34,8% người lao động cho biết phải đi vay tiền 1 năm từ 1- 2 lần để có tiền sinh hoạt.
Tại cuộc tọa đàm, TS. Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn khẳng định tiền lương là mối quan tâm của mọi người lao động.
Về cách tính tiền lương tối thiểu ở Việt Nam hiện nay cũng như cơ sở pháp lý, theo TS. Tiến, Bộ luật Lao động điều 91 quy định rõ mức lương tối thiểu trả thấp nhất cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội. Đây là cơ sở thấp nhất để các bên đàm phán, thương lượng mức lương thực tế.
Tuy nhiên theo ông Tiến, hiện nay, khả năng đàm phán của người công nhân rất thấp, hầu như không có, trong khi người sử dụng lao động lại đưa ra lý do mức lương căn cứ lương tối thiểu vùng cộng thêm 5,7% để trả cho người lao động. Đây thường là căn cứ đóng bảo hiểm cho người lao động phổ thông, còn lãnh đạo, quản lý có thể có mức lương khác.
Theo đó, với phần lớn công nhân, điều tra cho thấy có khoảng 30% công nhân vì thu nhập quá thấp luôn trong tình trạng khó khăn, túng thiếu. Đối với họ, đa phần đều không có tiền tích luỹ, nhà ở, cùng với đó là ốm đau bệnh tật, đóng học cho con phải đi vay tiền.
“Nhiều công nhân lao động còn phải cắm sổ BHXH, CMND để đi vay tiền chỉ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng để trả tiền thuê nhà, mua gạo…”, ông Tiến cho biết.
Còn theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nhận định, tiền lương tối thiểu là mức thấp nhất được luật hóa để cho người lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật làm việc giản đơn trong điều kiện làm việc bình thường, là sàn thấp nhất, lưới bao phủ thấp nhất, doanh nghiệp không có quyền trả thấp hơn mức lương tối thiểu.
Như vậy, tiền lương đủ sống là khả năng tiền lương bù đắp các bao phủ tất cả những chi phí cần thiết trong ngân sách cần thiết của người lao động và gia đình họ là ăn, mặc, ở, đi lại, giao tiếp xã hội, an sinh xã hội, phát triển nhân lực và hòa nhập xã hội. Mức sống đó phải được điều chỉnh theo sự phát triển kinh tế.
Mức lương đủ sống phụ thuộc vào quy mô của hộ gia đình, bao gồm số trẻ em trong hộ gia đình và độ tuổi, chi phí của bố mẹ và con cái, thuộc khu vực sinh sống, nhóm ngành nghề làm việc. Điều này tức là mức lương đủ sống cho biết khả năng bảo đảm các chi phí cần thiết của người lao động và gia đình họ.
“Trong thực tiễn, chưa nhiều Chính phủ chuyển từ kiểm soát lương tối thiểu sang lương đủ sống. Để lương tối thiểu đảm bảo đủ sống thì phải nhanh chóng thực hiện lương tối thiểu giờ. Hiện nay trong thị trường lao động, một người lao động có thể đóng các vai khác nhau, chúng ta cứ căn cứ vào việc người lao động phải có hợp đồng lao động thì đẩy người yếu thế ra khỏi lưới an sinh. Do vậy, rất cần nhanh chóng ban hành luật Lương tối thiểu”, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương nêu lên vấn đề.
MỘT BỘ PHẬN NGƯỜI LAO ĐỘNG THƯỜNG XUYÊN PHẢI TĂNG CA NHƯNG VẪN KHÔNG ĐỦ SỐNG
Còn ở góc độ doanh nghiệp, bà Hà Thị Phương Anh – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty may liên doanh Plummy cho biết, mức thu nhập tối thiểu tại doanh nghiệp này ở thời điểm hiện tại khoảng 5,32 triệu đồng/tháng. So mức lương tối thiểu vùng 2 năm trước người lao động có thể tiết kiệm chi tiêu, và có thể dự phòng.
Tuy nhiên, người lao động làm việc tại các doanh thường xuyên phải tăng ca đến 6 – 7 giờ tối. Công nhân tại các doanh nghiệp bắt buộc phải gửi con tại các trường tư thục. Do vậy, chi phí cũng sẽ tăng lên. Chưa tính đến kinh phí đi lại, ăn uống.
Theo đó, tính toán với một gia đình cơ bản (2 vợ chồng, 2 con) thì mức chi phí sẽ vào khoảng 12 triệu đồng/tháng – tương ứng với thu nhập của 2 vợ chồng. Điều này còn chưa kể đến việc người lao động phải chi trả tiền thuê nhà, khoản chi phát sinh trong cuộc sống.
Cũng theo bà Hà Thị Phương Anh, thực tế là mong muốn của người lao động rất nhiều. Ở góc nhìn của mình, bà Phương Anh mong rằng, sau khi có Nghị định 38 về tăng lương tối thiểu vùng và đối thoại giữa Thủ tướng và công nhân lao động ngày 12/6, Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ có giải pháp để tiếp tục tháo gỡ, có chính sách tốt nhất cho người lao động. Để qua đó, người lao động có động lực tiếp tục cùng với lãnh đạo doanh nghiệp, toàn hệ thống chính trị – xã hội góp phần để phát triển nhà máy nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.
Ở góc nhìn khác, TS. Vũ Minh Tiến cho rằng để người lao động có mức lương đảm bảo, không bị thiệt thòi, thứ nhất, cần tham khảo người làm trước, các công việc tương tự để tự tin, mạnh dạn đưa ra yêu cầu mức lương tương xứng, bằng hoặc cao hơn công việc tương tự, có thể nhờ người môi giới, hỗ trợ đưa ra yêu cầu.
Thêm vào đó, theo ông Tiến, người lao động cần tìm hiểu các quy định để yêu cầu về bảo đảm điều kiện lao động, hỗ trợ, trợ cấp, phúc lợi khác… ví dụ Trung tâm giới thiệu giúp việc; câu lạc bộ giúp việc gia đình; Nghiệp đoàn bốc xếp…
Ngoài ra, người lao động cũng cần dựa vào hội nhóm, câu lạc bộ, Trung tâm giới thiệu việc làm… và tốt nhất là có tổ chức đại diện khi tham gia đàm phán, xác định tiền lương để tăng hiệu quả.
Theo kết quả khảo sát tại báo cáo vừa công bố của GIMO (một startup Việt trong mảng Fintech với nền tảng ứng lương linh hoạt) – đa số người lao động phổ thông dễ bị tổn thương trước những bất ổn tài chính. Báo cáo của GIMO cho thấy, có tới 76% người lao động mong muốn được nhận lương sớm/trước từ 1-2 lần mỗi tháng. Trong đó 51% lý do được người lao động đưa ra là để chi trả phí sinh hoạt hàng thàng; và 20% là để ứng trả các chi phí phát sinh. Một ví dụ cụ thể, mức lương trung bình của lao động nữ trong ngành may mặc là 6,8 triệu VNĐ/tháng. Nhưng 20% trong số đó kiếm được ít hơn 5 triệu VNĐ. Điều này dẫn tới, có khoảng 42% người lao động gặp khó khăn trong việc trang trải cuộc sống và không có đủ tiền tiết kiệm |
Tuấn Việt