Ngày 25 tháng 9, Trường Đại học Korea Polytechnics (KOPO) đã tổ chức Hội nghị quốc tế về “Sáng kiến Giáo dục & Đào tạo nghề toàn cầu – GVETI” tại Seoul, Hàn Quốc với chủ đề “Hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp vì sự thịnh vượng chung”.
Hội nghị có sự tham gia của Ngài Charles Lee – Chủ tịch, kiêm TGĐ điều hành của Hệ thống trường Korea Polytechnics, cùng đông đảo cán bộ lãnh đạo cấp cao của Trường Đại học Korea Polytechnics; các giáo sư, tiến sĩ đến từ các trường đại học danh tiếng cùng đại sứ các nước tại Hàn Quốc (Campuchia, Uzbekistan, Mông Cổ, Ấn Độ).
Tại đây, các đại biểu đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm, phương thức tổ chức đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, cùng hỗ trợ, nhằm mang đến những giải pháp tối ưu trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được các yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.
Trường Cao đẳng Công nghệ – Việt Hàn Bắc Giang (VKTech), với tư cách là đại diện của Việt Nam vinh dự được phía trường Đại học KOPO mời tham dự. Ông Nguyễn Công Thông – Hiệu trưởng VKTech có bài thuyết trình với chủ đề “Kế hoạch hợp tác của VKTech vì sự phát triển nhân lực toàn cầu và nền công nghiệp Việt Nam (VKTech cooperation plan for Global Human Development and Vietnam Industry)”.
Nội dung đề cập tổng quan về hệ thống giáo dục nghề nghiệp (TVET) tại Việt nam, cũng như mô hình hoạt động của trường VKTech trong xu hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp chung của thế giới, cũng như mang đến cho thị trường lao động trong và ngoài nước nguồn nhân lực chất lượng cao ở những ngành nghề trọng điểm, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn – một trong những lĩnh vực đang thu hút đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam nói chung, đặc biệt là tỉnh Bắc Giang với nhiều tiềm năng và lợi thế.
Đồng thời, trình bày mục tiêu VKTech đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; các kế hoạch hợp tác của VKTech vì sự phát triển toàn cầu và nền công nghiệp Việt Nam đến năm 2030.
Bài thuyết trình của ông Thông cũng đề cập đến những xu hướng và các vấn đề thách thức đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, mà cụ thể là các trường Cao đẳng nghề tại Việt Nam.
Đặc biệt, đề xuất mô hình ViKOPO trong khuôn khổ hợp tác giữa KOPO và VKTech về liên kết đào tạo liên quan tới công nghệ bán dẫn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này, nhằm đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, cũng như mang đến giải pháp bù đắp thiếu hụt lao động qua đào tạo có kỹ năng nghề đạt chuẩn chất lượng cao tại Hàn Quốc.
Theo đó, hai bên sẽ cùng thống nhất chương trình đào tạo ngắn hạn, chương trình đào tạo trình độ cao đẳng với thời gian 3 năm trong lĩnh vực ngành công nghiệp gốc và bán dẫn.
Đây được coi là nguồn nhân lực chủ lực, cung ứng cho Công ty TNHH Hana Micron Vina. Hai nhà trường sẽ cùng hợp tác tiến hành trao đổi giảng viên, sinh viên và thực hiện nghiên cứu thủ tục đặt văn phòng đại diện của Đại học KOPO tại VKTech.
Bài tham luận của Hiệu trưởng Nguyễn Công Thông tại hội nghị đã được phía đối tác KOPO đánh giá cao. Đây là cơ hội mới cho đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường tiếp cận và phát triển công nghệ mới. Được trao đổi nghiên cứu, học tập cùng với KOPO sẽ mang đến những trải nghiệm, cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho nền công nghiệp tỉnh Bắc Giang nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung.
Thu Hồng