05/11/2022 11:45:11

“Tương lai thế giới việc làm” hậu COVID-19 qua góc nhìn của Tập đoàn tuyển dụng đa quốc gia

Báo cáo “Tương lai Thế giới Việc làm: Lực lượng lao động và Thế giới việc làm trong giai đoạn mới” của ManpowerGroup được nghiên cứu, phát triển dựa trên những số liệu khảo sát tiến hành từ hơn 200 nhà quản trị nhân sự cấp cao từ nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ, lĩnh vực và quy mô doanh nghiệp khác nhau. 

Sau hai năm – cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 đã gây nên và tạo ra những tiền lệ chưa từng có, tác động sâu sắc tới thị trường việc làm và các doanh nghiệp trên toàn cầu. Trong bối cảnh các tổ chức tăng cường tìm kiếm giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trước nhiều yếu tố bất ổn, các nhà quản trị nhân sự chính là những đầu tàu trong hành trình này.

Liên quan đến việc giải các “bài toán” về lao động hậu COVID-19, trong báo cáo mang tên: “Lực lượng lao động và Thế giới việc làm trong giai đoạn mới” công bố cách đây ít ngày, ManpowerGroup đã đưa ra một số phân tích và tư vấn thiết thực nhằm hỗ trợ các nhà quản trị nhân sự và tổ chức vượt qua những thách thức, khó khăn…

Nghiên cứu trên được phát triển dựa trên những số liệu khảo sát tiến hành bởi hơn 200 nhà quản trị nhân sự cấp cao từ nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ, lĩnh vực và quy mô doanh nghiệp khác nhau. Mỗi phần của nghiên cứu giải quyết một vấn đề trọng tâm về việc làm, đó là: Địa điểm làm việc, Người lao động, và Cách thức làm việc trong tương lai.

Theo ManpowerGroup, từ trước năm 2020, thị trường việc làm trên thế giới vốn đã chịu ảnh hưởng của các tiến bộ như vũ bão về công nghệ, những thay đổi về nhân khẩu học của người lao động, và những mong đợi ngày càng cao của khách hàng.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của COVID-19 đã thúc đẩy những xu hướng này diễn ra nhanh hơn, đồng thời tạo ra những thay đổi sâu sắc.

Đó là sự xuất hiện và phổ biến của mô hình làm việc từ xa; tình trạng thiếu hụt nhân tài trên toàn cầu năm 2022 đạt mức cao kỷ lục trong vòng 16 năm qua; tầm quan trọng và sự tăng cường tính đa dạng, công bằng, hòa nhập lao động (DE&I) ở các tổ chức; hay sự tìm kiếm những giải pháp mới giúp giải quyết bài toán thiếu hụt nhân tài…

Cùng với đó là xu hướng các doanh nghiệp đang ngày càng tăng cường áp dụng kỹ thuật số vào phương thức làm việc, và giải quyết những thách thức ngày càng lớn về nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “Xây dựng lực lượng lao động bền vững cho tương lai”, báo cáo đã đưa ra 6 nguyên tắc “trụ cột” để hiện thực hóa mục tiêu này. Cụ thể là: Đào tạo lại & nâng cao kỹ năng; Hướng tới quy mô toàn cầu; Có khả năng làm việc từ xa; Tăng cường ứng dụng công nghệ số; Đảm bảo tính linh hoạt và Đảm bảo tính đa dạng của lực lượng lao động.

Cũng tại báo cáo này, Manpower Group cho rằng trong khi hầu hết các tổ chức đều nhận thấy lợi ích của mô hình làm việc kết hợp thì việc lên kế hoạch và triển khai trong thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó các khó khăn chính có thể kể tới như: Duy trì gắn kết với người lao động; Duy trì văn hóa doanh nghiệp; Bảo mật thông tin & quy trình làm việc…

Đồng thời, tại báo cáo, nhóm nghiên cứu cũng đã gợi ý các doanh nghiệp một số bước tiếp cận bài bản và hiệu quả hơn khi áp dụng mô hình làm việc linh hoạt.

“Các nhà quản lý cũng như nhân viên của họ đang nhận ra ngày nay chúng ta có thể hoàn thành tốt công việc dù ở bất kỳ nơi đâu. Những nhà lãnh đạo thức thời là người biết tạo nên những thay đổi cần thiết để giúp đội ngũ nhân viên của mình luôn cảm thấy hạnh phúc và làm việc hiệu quả, không quan trọng việc họ làm việc ở đâu…”, ông Andree Mangels – Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam chia sẻ trong báo cáo.

Ông Andree Mangels cũng nhấn mạnh, mô hình làm việc kết hợp chỉ là một phần bức tranh việc làm trong tình hình mới. Trong đó, những yếu tố khác liên quan đến người lao động, địa điểm làm việc và cách thức thực hiện công việc sẽ là những mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo nhằm xây dựng thành công chiến lược nhân tài trong bối cảnh thế giới việc làm không ngừng thay đổi.
lực lượng lao động


Khảo sát cho thấy, trong bối cảnh thiếu hụt nhân tài sâu sắc, các mô hình kinh doanh liên tục thay đổi cùng nhiều yếu tố bất ổn về kinh tế đang diễn ra, lao động thời vụ/ngắn hạn đang đóng vai trò ngày càng quan trọng.

Cụ thể, có tới 73% các tổ chức mong muốn tăng cường sử dụng lao động thời vụ/ngắn hạn trong 12-18 tháng tới. Để tối đa hóa những lợi ích mà chiến lược nhân sự mang lại cho doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu cho rằng đã đến lúc các nhà lãnh đạo tối ưu việc sử dụng lao động thời vụ/ngắn hạn – thông qua 4 bước hành động được đề xuất trong nghiên cứu này.

Theo Manpower Group, đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân tài trên toàn cầu cùng yêu cầu ngày cang cao về chất lượng nhân sự tuyển dụng. bản thân mỗi tổ chức, doanh nghiệp cũng cần nhận thấy sự cần thiết và tự tao ra động lực trong việc nâng cao kỹ năng cho người lao động. Theo đó, khi làm được điều này sẽ có nhiều ích lợi lớn, có thể kể đến như: Đảm bảo cho sự cải thiện không ngừng trong tổ chức; Đáp ứng được nhu cầu khi môi trường kinh doanh thay đổi liên tục; Tối ưu được chi phí tuyển dụng…

Về “cách thức làm việc trong tương lai”, ManpowerGroup nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một lực lượng lao động giàu kỹ năng và ứng dụng kỹ thuật số. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý các tổ chức cần phân biệt rõ ràng giữa tăng cường ứng dụng kỹ thuật số ở lực lượng lao động với nguy cơ công nghệ thay thế con người.

Bởi theo báo cáo, với sự gia tăng và phát triển của công nghệ, vai trò của con người tại nơi làm việc sẽ không suy giảm, mà trái lại được “tiến hóa” theo thời gian. Vì vậy vậy, cả doanh nghiệp và người lao động cần hiểu rằng: mục đích cuối cùng của tăng cường số hóa là để hỗ trợ và gia tăng sự đóng góp của người lao động cho tổ chức.

Tuấn Việt