07/12/2024 4:34:01

Sóc Trăng: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, và Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp. Các chính sách này được triển khai đúng với chủ trương, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Kết quả đạt được

Chính quyền địa phương tỉnh Sóc Trăng đã tập trung xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Hiện nay, toàn tỉnh có 23 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp với cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, giáo trình đào tạo, đội ngũ quản lý, giảng viên, giáo viên… đủ điều kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp từ trình độ dưới 3 tháng đến trình độ cao đẳng, với quy mô tuyển sinh đào tạo trên 23.000 người/năm.

Chính quyền địa phương và các trường trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng đến công tác hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh.

Theo đó, công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm giai đoạn 2021 – 2024 đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể: Ước thực hiện đến hết năm 2024, toàn tỉnh tuyển sinh đạt 69.000 người (tỷ lệ 113,11% so với kế hoạch), gồm: trình độ cao đẳng là 3.640 người, trung cấp là 3.560 người, sơ cấp là 28.500 người, dưới 3 tháng là 23.350 người, đào tạo thường xuyên là 9.950 người. Số học nghề tốt nghiệp được 62.425 người (đạt 90,47% so với tổng số tuyển sinh), gồm: trình độ cao đẳng là 2.500 người, trung cấp là 2.250 người, sơ cấp 27.126 người, dưới 3 tháng 20.599 người, đào tạo thường xuyên là 9.950 người. Giải quyết việc làm cho khoảng 103.608 lao động (trong đó, có 1.336 người lao động đi làm việc, học tập ở nước ngoài). Ước đến cuối năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào đạt 64,05%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp đạt 59,01%; tỷ lệ có văn bằng chứng chỉ là 32,00%; tỷ lệ phân luồng học sinh năm 2023 – 2024 chỉ đạt 10,46% (tương đương 2.848 học sinh) so với tổng số học sinh lớp 9 (năm học 2022 – 2023) chưa đạt chỉ tiêu theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2025, phân luồng đạt 30% (tương đương khoảng 4.500 học sinh sau tốt nghiệp THCS). Lao động sau đào tạo có việc làm đạt trên 85% (tăng 15% so với năm 2020), với thu nhập bình quân từ 5 – 8 triệu đồng/tháng.

Nhìn chung, chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo được nâng lên đáng kể nhờ sự phối hợp, liên kết chặt chẽ, đa dạng về hình thức giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Từ đó, góp phần thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về phát triển giáo dục nghề nghiệp hằng năm.

Tại tỉnh Sóc Trăng, ước đến cuối năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào đạt 64,05%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp đạt 59,01%; tỷ lệ có văn bằng chứng chỉ là 32%.

Bên cạnh đó, đề án phát triển Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng chất lượng cao đến năm 2025 (Đề án số 01/ĐA-UBND ngày 07/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng) cũng được triển khai thực hiện tốt. Đến nay, trường đã thực hiện đạt được 17/25 tiêu chuẩn trong 05 tiêu chí trường cao đẳng chất lượng cao theo quy định (đạt tỷ lệ 68%). Công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, đặc biệt là đưa người lao động đi làm việc, học tập ở nước ngoài theo hợp đồng luôn được sự quan tâm sâu sát của các cấp ủy, chính quyền. Sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện đã giúp các mục tiêu, chỉ tiêu hằng năm cơ bản đạt so với kế hoạch đề ra.

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đề ra

Với những kết quả đạt được nêu trên trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, cho thấy được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Nhằm thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động, giải quyết việc làm tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các mục tiêu đặt ra là tạo đột phá về đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ, kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh, của đất nước.

Nhiều giải pháp về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm được tỉnh Sóc Trăng đề ra để không ngừng để đạt được kết quả thiết thực.

Tuy nhiên, công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm ở một số địa phương chưa được chú trọng. Theo đó, chính quyền địa phương tỉnh Sóc Trăng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để giải quyết vấn đề này, cụ thể:

Thứ nhất, tổ chức tuyên truyền thông tin về chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ vay vốn tạo việc làm sau đào tạo, chính sách về việc làm, đưa người lao động đi làm việc, học tập ở nước ngoài theo hợp đồng. Đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở sang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai, tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí và đời sống của người dân nông thôn. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người dân về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới phát triển kinh tế nông nghiệp, cơ cấu ngành nghề và trình độ sản xuất tại khu vực nông thôn; quảng bá, nhân rộng những mô hình hay, điển hình tốt sau học nghề.

Thứ ba, chú trọng tuyên truyền, trang bị kiến thức cho người lao động về kỷ luật lao động công nghiệp, kỹ năng làm việc nhóm và ý thức, văn hóa trong doanh nghiệp nhằm góp phần nâng cao tính kỷ luật, thái độ của lao động và kỹ năng mềm.

Thứ tư, phát triển đội ngũ làm công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, việc làm tại tuyến cơ sở, gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực tuyên truyền phù hợp.

Thứ năm, xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp, trực quan, dễ xem, dễ nhớ, dễ hiểu; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng (báo, đài, mạng xã hội như Zalo, Facebook) tại các phiên giao dịch việc làm, hội nghị, hội thảo, cuộc thi tìm hiểu chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và việc làm./.

Thanh Quang