23/10/2020 1:34:59

Quảng Ngãi: Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX đã đặt ra nhiệm vụ đột phá là: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung đào tạo nghề và giải quyết việc làm”. Vì vậy, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là yêu cầu cấp thiết, có tính chiến lược trước mắt và lâu dài của tỉnh.

Dân số trung bình của tỉnh Quảng Ngãi khoảng 1.231,9 nghìn người. Lực lượng lao động tham gia hoạt động kinh tế gần 741,2 nghìn người (chiếm 60,16% dân số), trong đó nữ chiếm khoảng 60%; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo là 58,42% (năm 2015 là 47,45%), trong đó có bằng, chứng chỉ là 22,18% (năm 2015 là 17,45%).

Ông Lương Kim Sơn -Tỉnh ủy viên, Giám đốc sở LĐ-TB&XH Quảng Ngãi phát biểu tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XX tỉnh Quảng Ngãi, nhiệm kỳ 2020-2025

Bình quân số lao động có việc làm tăng thêm là 7.896 người/năm. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 3,5%. Tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp là 45,58%. Hàng năm, khoảng 60-70 nghìn lao động từ 15 tuổi trở lên chuyển đi các tỉnh, thành để làm việc và học tập (chiếm khoảng 75,8% số người chuyển đi), nhất là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trong nhiệm kỳ qua, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế, nhất là cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Khu Kinh tế Dung Quất, Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi, các Khu Công nghiệp của tỉnh. Điển hình là dự án thép Hòa Phát – Dung Quất trong 3 năm (từ 2017 đến tháng 10/2020) đã tuyển dụng 9.941 người, trong đó lao động Quảng Ngãi 7.798 người, chiếm 78,5%.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã tuyển sinh được 51.986 học sinh-sinh viên (HSSV), trong đó trình độ: Cao đẳng, trung cấp là 14.392 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 37.594 người. Số HSSV tốt nghiệp là 47.280 người, trong đó trình độ: Cao đẳng, trung cấp là 10.805 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 36.475 người. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp khoảng 85%.

Gắn kết với doanh nghiệp được xác định là khâu đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN. Nhiều hoạt động gắn kết với doanh nghiệp đã được triển khai. Cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp đang bắt đầu hình thành và vận hành tốt trong thực tiễn. Nhiều doanh nghiệp chủ động cho sinh viên thực tập trực tiếp trên dây chuyền sản xuất; quá trình thực tập, các doanh nghiệp hỗ trợ tiền ăn, kinh phí vật tư cho sinh viên.

Để thu hút, tuyển dụng lao động, một số doanh nghiệp đã chủ động đặt hàng, phối hợp với các cơ sở GDNN để tuyển sinh, hỗ trợ đào tạo và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với người học. Việc hợp tác với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nghề được thực hiện hầu hết tại các cơ sở GDNN. Theo thống kê, số HSSV tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay với mức lương khởi điểm bình quân từ 5,5-6,0 triệu đồng/tháng. Một số ngành, nghề có mức lương khá cao như: Điện, hàn, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí… với mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng. Việc gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp đã góp phần lớn giải quyết việc làm và cung ứng lao động cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Khu Kinh tế Dung Quất, Khu Công nghiệp VSIP, các Khu Công nghiệp của tỉnh… góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn mới.

 

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020-2025.

Xác định phát triển nguồn nhân lực, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm của Quảng Ngãi trong giai đoạn tiếp theo. Đây được xem là một trong những nhân tố quan trọng, là lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Nhiệm kỳ 2020-2025, mục tiêu là tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch và xây dựng nông thôn mới. Với lợi thế là địa phương có cơ cấu lao động trẻ và khá dồi dào, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên so với dân số khoảng 60%, trong xu thế đón sự dịch chuyển mạnh về đầu tư của các nước phát triển trên thế giới và sự cạnh tranh mạnh mẽ về thu hút đầu tư của các tỉnh, thành trong khu vực. Dự báo nhu cầu nhân lực cần phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của Quảng Ngãi trung bình khoảng 6-7 nghìn lao động/năm, tập trung chủ yếu vào lao động có trình độ đào tạo sơ cấp và trung cấp. Nhiều dự án lớn, với nhu cầu nhân lực tăng đột biến trong thời gian nhất định, do đó đòi hỏi cần có một chiến lược thích hợp để kịp thời đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội.

Vì vậy, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cần tập trung mạnh vào các ngành nghề đào tạo phục vụ phát triển công nghiệp, cơ khí, điện năng, luyện kim, xây dựng, công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, dệt may, điện tử, du lịch, quản trị, logistics, nông nghiệp chất lượng cao… nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các dự án lớn, tạo đột phát phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, trong đó cho Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp của tỉnh, Khu Công nghiệp VSIP là trụ cột trung tâm, mặt khác quan tâm đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ.

Trong đó, tập trung thay đổi cách thức đào tạo theo hướng chủ động mở ra các kênh tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp để phân loại và xây dựng hệ thống thông tin về nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực theo từng nhóm các nhà đầu tư và liên tục cập nhật, thay đổi theo xu thế đầu tư và phát triển theo công nghệ của thế giới.

9 giải pháp trong thời gian tới

  1. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, hội đoàn thể và hệ thống chính trị đối với công tác đào tạo nghề theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
  2. Về cơ chế chính sách, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/2018/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 của HĐND tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong giai đoạn tiếp theo; điều chỉnh chi phí hỗ trợ đào tạo lao động quy định tại Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 29/7/2016 của UBND tỉnh cho phù hợp với giai đoạn hiện nay. Rà soát, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.
  3. Đẩy mạnh công tác thông tin và tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, sự đồng thuận và tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN; nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT và trong các cơ sở GDNN.
  4. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với doanh nghiệp, theo địa chỉ đặt hàng và thị trường lao động. Đào tạo thông qua đặt hàng của doanh nghiệp nơi người lao động được tiếp nhận vào làm việc. Xây dựng khung chương trình để người học và người sử dụng lao động tham gia chủ động vào đánh giá chất lượng đào tạo. Đẩy mạnh hình thức vừa làm, vừa học của người lao động trong các doanh nghiệp. Xây dựng và ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật cho một số ngành, nghề trong đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và ban hành giá dịch vụ GDNN để đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo.
  5. Nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ đào tạo. Nhất là dự báo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế của tỉnh.
  6. Tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học.
  7. Tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở GDNN theo hướng giảm số lượng, tăng quy mô cơ sở GDNN; bảo đảm cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng. Phát triển các trường cao đẳng, trung cấp có năng lực đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật cao, phù hợp với chiến lược phát triển của ngành, địa phương. Phát triển các cơ sở GDNN tư thục, cơ sở GDNN của các tổ chức xã hội. Tập trung nguồn lực đầu tư một số cơ sở GDNN có ngành, nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo các cấp độ (quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia) và các cơ sở GDNN chuyên ngành, các nhóm đối tượng đặc thù, đào tạo cho lao động khi nhà nước thu hồi đất, lao động yếu thế. Đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở GDNN.
  8. Quy hoạch và xây dựng hệ thống đơn vị dịch vụ việc làm có hiệu quả, đáp ứng công tác thu thập, xử lý thông tin, kết nối cung – cầu lao động, tư vấn và dự báo thông tin thị trường lao động. Phát triển thị trường lao động, thu hút nguồn lao động, đẩy mạnh liên kết vùng để nắm chắc nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo, cung ứng lao động từ nguồn lao động của các tỉnh, thành lân cận và nguồn nhân lực là người dân Quảng Ngãi đang làm việc ở các tỉnh, thành khác. Quan tâm đến các điều kiện để thu hút và đảm bảo đời sống của người lao động như các quyền lợi về lao động, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhà ở công nhân, các thiết chế văn hóa, các tiện ích xã hội phục vụ đời sống người lao động, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thu hút lao động.
  9. Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDNN để chuẩn hóa chương trình, giáo trình đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý về GDNN, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo chuẩn khu vực ASEANvà quốc tế.

4 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025

  1. Hoàn thiện Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN; thúc đẩy xã hội hóa GDNN.
  2. Tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo nghề gắn liền với doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động, khuyến khích doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động tham gia hoạt động GDNN; tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững.
  3. Nâng cao chất lượng đào tạo cả về quy mô và cơ cấu. Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hệ thống GDNN; đổi mới chương trình đào tạo theo định hướng năng lực thực hiện.
  4. Chuẩn bị và thu hút nguồn nhân lực đảm bảo cả về chất lượng, số lượng và cơ cấu hợp lý để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, hội nhập quốc tế của tỉnh.

 Lương Kim Sơn

Tỉnh ủy viên, Giám đốc sở LĐ-TB&XH Quảng Ngãi