Mục tiêu của chiến lược là nâng cao chất lượng giáo dục, đưa hệ thống giáo dục Việt Nam phát triển hiện đại, hòa nhập với xu thế quốc tế và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Ngày 1/1/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1705/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo chiến lược, đến năm 2045, giáo dục Việt Nam sẽ đạt trình độ tiên tiến của thế giới, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu các thành tựu văn minh nhân loại. Mục tiêu trọng tâm là phát triển con người toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và phổ thông
Với giáo dục mầm non, Chiến lược đặt mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phấn đấu 100% trẻ em mầm non được học 2 buổi/ngày, với 99,5% trẻ em đến trường học theo chương trình chuẩn. Đồng thời, tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục cũng sẽ đạt 100%.
Đối với giáo dục phổ thông, chiến lược hướng đến việc duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, với 75% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và 60% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2. Tỷ lệ hoàn thành các cấp học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đều đạt trên 95%, với tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 100%.
Định hướng phát triển giáo dục đại học và giáo dục thường xuyên
Với giáo dục đại học, Chiến lược đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, phấn đấu số sinh viên đại học/vạn dân đạt ít nhất 260, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40%. Việt Nam cũng hướng đến việc có ít nhất 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong nhóm 500 trường đại học tốt nhất thế giới và đứng trong nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á.
Đối với giáo dục thường xuyên, Chiến lược phấn đấu đạt tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi từ 15 – 60 đạt 99,15%, với 90% các tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Bên cạnh đó, mô hình thành phố học tập sẽ được triển khai mạnh mẽ trên toàn quốc, với mục tiêu có ít nhất 10 đơn vị hành chính tham gia vào Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vào năm 2030.
10 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Chiến lược
Chiến lược phát triển giáo dục đặt ra 10 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: hoàn thiện thể chế, đổi mới quản lý giáo dục, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập, đổi mới phương pháp dạy học, phát triển đội ngũ nhà giáo, bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong giáo dục, tăng cường hội nhập quốc tế, cùng với chính sách hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn và phát triển các mô hình giáo dục linh hoạt, đa dạng.
Chiến lược này không chỉ tạo tiền đề cho một hệ thống giáo dục hiện đại, tiên tiến, mà còn góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển đất nước, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Phan Long