09/12/2024 11:00:40

Nhiều thách thức cho nghề kế toán trong thời đại AI, IFRS

Nhiều ngành nghề, trong đó có tài chính, kế toán sẽ bị tác động lớn trong thời đại trí tuệ nhân tạo AI và Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).

Đây là nhận định chung của các chuyên gia tại Hội thảo “Ngành kế toán trong bối cảnh ứng dụng AI và IFRS – Thách thức và giải pháp”do Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam, phối hợp cùng Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc ( ACCA) tổ chức, vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những cơ hội việc làm mới với nhiều loại hình công việc sẽ phát triển trong vài năm tới thì nhiều công việc truyền thống sẽ mất đi, tác động tới hơn 80% các loại công việc hiện nay. Số việc làm có rủi ro cao có xác suất bị thay thế lên tới 70%, tạo nên những năng lực, kỹ năng mới theo yêu cầu mới trong đó năng lực số chiếm vị trí quan trọng.

Hội thảo do Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội phối hợp cùng Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc ( ACCA) tổ chức (ảnh Hải Tiến).

Đứng trước những thách thức của thời đại số, theo Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam, các cơ quan, tổ chức phải có những nghiên cứu và chương trình phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, đa dạng, mở, linh hoạt, liên thông; dễ tiếp cận về cơ cấu ngành/nghề, trình độ và phương thức đào tạo (đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao…), nhằm tạo ra nhiều cơ hội việc làm, phát triển năng lực cá nhân trong lao động.

Thách thức nhiều

Phát biểu tại hội thảo nói trên, bà Khuất Thị Liên Hương, Giám đốc Đào tạo ACCA khu vực Đông Nam Á lục địa cho rằng, dưới sự phát triển của khoa học công nghệ, yêu cầu đối với người lao động mỗi ngày một cao hơn, những kiến thức, kỹ năng cũng như việc sử dụng các công cụ AI là những yêu cầu cụ thể đối với người lao động hiện đại.

Theo nhiều chuyên gia ngành kế toán trong bối cảnh ứng dụng AI và IFRS sẽ đối diện với rất nhiều thách thức.

Theo bà Liên, điều này đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo cần phải cập nhật chương trình giảng dạy để tạo ra được thế hệ lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập toàn cầu làm cho sự thay đổi trong lĩnh vực kế toán, từ sử dụng chuẩn mực kế toán truyền thống sang chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).

Năm 2020 Bộ Tài chính cũng đã phê duyệt đề án triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam theo đó yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện tự nguyện từ năm 2022 đến năm 2025. Sau năm 2025 là bắt buộc các doanh nghiệp phải áp dụng IFRS.

PGS.TS. Mạc Văn Tiến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội chia sẻ thêm thông tin: Số lượng kiểm toán viên hành nghề tại Việt Nam chỉ chiếm 2% trong khối ASEAN. Như vậy nếu chúng ta không nâng cao năng lực thì sẽ bị thua ngay trên sân nhà, khi các kiểm toán viên của các nước bạn tràn sang làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh, dù AI cũng như robot phát triển sẽ làm thay đổi cơ cấu việc làm, nhưng ngành kế toán cũng như rất nhiều ngành dịch vụ khác, nếu người lao động có đầy đủ các kỹ năng mới thì sẽ không lo bị AI lấy mất công việc của mình.

Thiếu hụt lớn nguồn nhân lực chất lượng quốc tế

Bà Phùng Thị Kim Thoa, Vụ Đào tạo chính quy, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết, mỗi năm GDNN có khoảng 18000 sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán, nhưng để đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao, tiếp cận thị trường quốc tế thì rất thiếu hụt. Vì vậy Tổng Cục đã định hướng cho các đơn vị hợp tác, lồng ghép chương trình đào tạo cho phù hợp nhu cầu thực tiễn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay đã có 8 trường cao đẳng đã ký kết hợp tác với ACCA để nâng tầm chất lượng cho các sinh viên.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Trần Tấn Phát, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Crowe Việt Nam chia sẻ, sinh viên Việt Nam hiện nay khá giỏi, tuy nhiên vẫn thiếu những kỹ năng mềm trong việc ứng xử, giải quyết vấn đề hay tư duy phân tích và đổi mới. Theo ông Phát, để triển khai IFRS thành công, cần giải quyết được các mấu chốt.

“Thứ nhất, đối với hệ thống thông tin tài chính, việc áp dụng IFRS đòi hỏi hệ thống công nghệ thông tin hiện đại hỗ trợ quá trình thu thập, chuẩn hoá dữ liệu, cũng như kết nối mọi hoạt động từ tất cả các phòng ban bên trong doanh nghiệp hoặc với các bên liên quan từ bên ngoài doanh nghiệp. Do đó chương trình đào tạo cần phải tích hợp ứng dụng công nghệ số phù hợp cho sinh viên kế toán, kiểm toán.

Thứ hai là quy trình nội bộ, việc triển khai IFRS yêu cầu sự gắn kết chặt chẽ giữa các bộ phận của doanh nghiệp và bộ phận kế toán nên các quy trình nội bộ hiện tại có thể không còn phù hợp và cần được điều chỉnh.

Và, quan trọng nhất là con người. Vai trò của người làm công tác kế toán doanh nghiệp chuyển từ việc hạch toán Nợ/Có theo truyền thống sang việc lập và trình bày báo cáo tài chính trên cơ sở nắm bắt bản chất kinh tế của giao dịch, thực hiện các xét đoán có cơ sở dựa vào thông tin của quá khứ và dự báo cho tương lai”, ông Phát nói.

Đại diện đơn vị đào tạo, Tiến sỹ Lê Ngọc Trung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại (Cofer) cho rằng, sự thay đổi về công nghệ dẫn đến sự thay đổi về chất lượng đối với nghề kế toán. Tuy nhiên, khi Cofer đã cùng với ACCA đưa ra lộ trình để các sinh viên theo học đạt được các chứng chỉ nghiệp vụ quốc tế, đã gặp không ít khó khăn. Thời gian đào tạo hệ cao đẳng chỉ có 2 năm rưỡi cộng với rào cản về tiếng Anh, thì việc đưa chương trình đồ sộ của quốc tế vào giảng dạy và áp dụng, đòi hỏi cả sinh viên và giáo viên phải nỗ lực gấp nhiều lần.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thời đại số, PGS.TS. Mạc Văn Tiến khẳng định, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có mối quan hệ chặt chẽ với giáo dục đào tạo quốc gia, với thị trường lao động, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, gắn với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước… Vì vậy, cần tăng cường sự tham gia của các lực lượng xã hội liên quan trong hoạt động GDNN như Nhà nước, người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cộng đồng.. sẽ đảm bảo cho thành công và hiệu quả của GNNN hiện đại.

Đồng quan điểm trên, Nhà giáo ưu tú Lâm Văn Quản, Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề công tác xã hội Việt Nam cũng nêu quan điểm rằng,  để nhân lực ngành kế toán bắt kịp tình hình mới, cần rất nhiều sự nỗ lực, chung tay của tất cả các bên. Sự đồng hành của Hiệp hội, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp, ACCA cũng như các doanh nghiệp chuyên nghiệp quốc tế, sẽ tạo nên sự hợp tác đa phương, thúc đẩy sự phát triển của ngành kế toán trước thời đại AI, IFRS.

Hải Tiến – Thanh Quang