Đồng hành cùng Việt Nam trong thực hiện “Cam kết quốc gia giảm phát thải khí mê tan toàn cầu” đến năm 2030 được chính phủ cụ thể hóa tại Quyết định 942/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê – tan đến năm 2030, Mạng lưới Liên minh học tập Nông nghiệp sinh thái Đông Nam Á (ALiSEA) đã và đang nỗ lực hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp sinh thái (NNST) trong trồng trọt và chăn nuôi tại một số địa phương của 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên.
13 nguyên tắc của nông nghiệp sinh thái
“Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” là chủ trương lớn của Đảng nhà nước ta. Đây là cơ hội để nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam tiếp cận, đổi mới phương thức sản xuất, chăn nuôi hướng đến nền nông nghiệp sinh thái xanh, bền vững, thông qua đó đóng góp vào mục tiêu Net Zero của Việt Nam.
Nhằm giúp các nhà báo có thêm hiểu biết về các nguyên tắc và phương pháp tiếp cận nông nghiệp sinh thái, vừa qua Mạng lưới Liên minh học tập Nông nghiệp sinh thái Đông Nam Á (ALiSEA) đã phối hợp với dự án ASSET tổ chức chuyến đi thực tế cho các nhà báo tại 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên.
Bà Nguyễn Thị Trang, Thư ký quốc gia ALiSEA, cán bộ phụ trách đoàn cho biết, ALiSEA là một mạng lưới để quy tụ, thúc đẩy và phát triển các tri thức địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học với tất cả các bên liên quan trong xã hội/nền kinh tế như nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà nông, nhà kinh doanh, người tiêu dùng,.. để hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp sinh thái ở khu vực Đông Nam Á. Trong khuôn khổ dự án ASSET, ALiSEA tổ chức chương trình trao đổi kinh nghiệm dành cho nhà báo tại tại 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên – điạ bàn hoạt động của Dự án này tại Việt Nam.
Chia sẻ về NNST,Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Phương, giảng viên Trường ĐH Nông Lâm Tây Bắc cho biết, theo định nghĩa Fao (Tổ chức lương thực và nông nghiệp LHQ), “NNST là một phương pháp tiếp cận tổng thể và tích hợp áp dụng đồng thời các khái niệm, nguyên tắc sinh thái và xã hội để thiết kế và quản lý các hệ thống nông nghiệp và thực phẩm một cách bền vững. NNST tìm cách tối ưu hóa các tương tác giữa cây trồng – vật nuôi – con người và mội trường đồng thời giải quyết nhu cầu về hệ thống thực phẩm công bằng về xã hội”.
Đối với Việt Nam, theo Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Phương, NNST có 13 nguyên tắc, gồm: Sử dụng tài nguyên hiệu quả. Cụ thể là tận dụng các nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; cải thiện khả năng tự cung cấp của hệ thống nông nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm tác hại môi trường và giảm các tác hại tiêu cực tới xã hội. NNST còn giúp phục hồi khả năng của hệ thống nông nghiệp, trong đó giúp phục hồi dinh dưỡng trong đất ; đối xử công bằng với vật nuôi; duy trì và phục hồi đa dạng sinh học; cộng sinh, hội sinh và hợp sinh; đa dạng hóa nguồn thu nhập từ hệ thống. Sáng tạo kiến thức mới dựa trên kinh nghiệm và thực tế sản xuất của nông dân… Nói ngắn gọn NNST là nông nghiệp giữ sức khỏe cho đất đai, môi trường và con người.
Phát triển kinh tế tuần hoàn từ kết hợp trồng trọt với chăn nuôi gắn với các nguyên tắc của NNST
Theo chân cán bộ dự án vượt chặng đường đèo dốc đá cheo leo đầy hiểm nguy, chúng tôi có mặt tại Bản Nam, xã Chiềng Chung huyện Mai Sơn, nơi dự án ASSET hỗ trợ bà con thực hiện NNST trong trồng cây cà phê và ủ thức ăn chăn nuôi
Anh Hà Văn Thảo, phó Bản Nam cho biết, Bản Nam nằm trong vùng khí hậu mát mẻ, đất đai phì nhiêu rất thích hợp đối với cây cà phê. Tuy nhiên do địa hình chủ yếu là đồi núi cao (1500 mét so với mặt nước biển) và dốc vì vậy khó khăn của bà con trong trồng và chăm sóc cây cà phê là mùa mưa nước làm trôi đất màu; mùa khô thì thiếu nước.
Toàn bản có 150 ha cà phê, mặc dù được quy hoạch là vùng trồng cà phê sạch nhưng trước kia bà con chủ yếu canh tác theo kinh nghiệm truyền thống. Đến mùa làm cỏ thì rãy sạch cỏ và đem đốt. Chăm bón thì mua phân ngoài thị trường. Mùa khô thì thiếu nước tưới. Năm 2021 dự án ASSET về NNST bắt đầu triển khai tại Bản Nam, các cán bộ xuống tận nơi hỗ trợ máy móc, dụng cụ, đồng thời hướng dẫn bà con chăm sóc cây cà phê theo mô hình NN sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn. Thay vì đến mùa nhổ hết cỏ thì dự án hướng dẫn bà con chỉ cắt 5 – 7 cm cỏ còn lại để giữ ẩm cho đất.
Để chống sạt trôi đất màu, dự án hướng dẫn bà con trồng các máng cỏ xen lẫn các hàng cây cà phê nhằm vừa trống trôi đất vừa có cỏ làm thức ăn cho bò vào mùa đông. Cỏ sau khi thu hoạch được đưa về cho vào máy cắt (máy do dự án trang bị) và được cán bộ dự án hướng dẫn quy trình ủ chua làm thức ăn cho bò vào mùa đông. Đối với chăm nuôi, trước kia mùa đông cũng như hè, bà con thường chăn thả trâu bò tự nhiên ngoài đồi núi. Nay dự án hướng dẫn chăn nuôi có chuồng trại và hệ thống thu gom phân để ủ làm phân bón cho cây cà phê.
Đặc biệt để tăng độ che phủ, tạo bóng mát cho cây cà phê, đồng thời đa dạng nguồn thu nhập trên diện tích trồng cà phê, dự án còn kết hợp với bà con nghiên cứu trồng xen canh cây bóng mát thích hợp có giá trị thu nhập cao như trồng cây trám đen.
Tại đồi cà phê của gia đình anh Lò Văn Bun, nhiều máng cỏ trồng xen cà phê đang lên xanh mướt. Anh Lò Văn Bun cho biết, trước kia cũng có nhiều dự án về tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nhưng bà con vẫn còn lưỡng lự.
Từ khi tham gia dự án ASSET về NNST, bà con thay đổi suy nghĩ, nắm được các bước kỹ thuật. Biết cách trồng cỏ, ủ cỏ để chủ động làm thức ăn mùa đông cho bò, đồng thời trong chăn nuôi biết cách thu gom phân bò phân lợn và ủ phân làm phân bón cho cà phê do đó tiết kiệm được nhiều chi phí, hiệu quả kinh tế cao hơn nên bà con tin tưởng làm theo. Trước kia mỗi năm gia đình anh chi phí 10 triệu đồng để mua phân vô cơ, từ khi tham gia dự án, mỗi năm gia đình anh thu 10 tấn phân chuồng, tiết kiệm trên 8 triệu đồng/năm vừa đảm bảo an toàn cho cây cà phê, vừa giúp cho đất phục hồi sinh thái.
Từ khi tham gia dự án ASSET về NNST, bà con thay đổi suy nghĩ, nắm được các bước kỹ thuật. Biết cách trồng cỏ, ủ cỏ để chủ động làm thức ăn mùa đông cho bò, đồng thời trong chăn nuôi biết cách thu gom phân bò phân lợn và ủ phân làm phân bón cho cà phê do đó tiết kiệm được nhiều chi phí, hiệu quả kinh tế cao hơn nên bà con tin tưởng làm theo. Trước kia mỗi năm gia đình anh chi phí 10 triệu đồng để mua phân vô cơ, từ khi tham gia dự án, mỗi năm gia đình anh thu 10 tấn phân chuồng, tiết kiệm trên 8 triệu đồng/năm vừa đảm bảo an toàn cho cây cà phê, vừa giúp cho đất phục hồi sinh thái.
Anh Bun cho biết thêm, mới qua 2 vụ cà phê, tuy sản lượng không cao nhưng giá thành lại cao hơn trước và cao hơn giá cà phê các vùng lân cận canh tác theo mô hình sử dụng phân vô cơ, khai thác cạn kiệt dinh dưỡng đất. Thương lái thu mua đánh giá cà phê Bản Nam là thương hiệu cà phê sinh thái, chất lượng sạch.
Anh Hà Văn Thảo, Phó Bản Nam cho biết thêm, từ chỗ chỉ có 4 hộ tham gia trồng cà phê theo quy trình NNST của dự án, nay hầu hết các hộ đều làm theo quy trình NNST. Toàn bản có 130 hộ, đến nay chỉ còn 3 – 4 hộ diện nghèo, chủ yếu là những gia đình mới tách hộ.
Giảm phát thải từ mô hình sản xuất thức ăn thô xanh, thức ăn ủ chua và phân bón hữu cơ
Tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên địa phương được coi là thủ phủ cây Maca, ông Quàng Văn Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quài Nưa cho biết, toàn huyện Tuần giáo có 6.000 ha maca, riêng xã Quài Nưa có 500 ha trồng cây maca và có 1.600 hộ dân trồng maca. Đối với các hộ trồng maca có chăn nuôi, dự án hỗ trợ giống cỏ, máy băm thức ăn gia súc, túi ủ chua, men ủ chua; vải bạt đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ và kỹ thuật ủ chua thức ăn cho trâu bò vào mùa đông, ủ phân bón cho cây maca.
Gia đình chị Lò Thị Thủy, bản Cọ xã Quài Nưa có 16 ha với 4000 gốc maca, chị Thủy cho biết, từ khi tham gia dự án, việc chăm sóc cây maca của gia đình tuân thủ theo các nguyên tắc của NNST. Do diện tích trồng maca lớn nên gia đình chị kết hợp nuôi nhốt 7 con bò để lấy phân bón.
Từ nguồn phân này, dự án hỗ trợ men ủ phân và kỹ thuật ủ phân đã giúp gia đình chị vừa tiết kiệm được một khoản tiền lớn mua phân bón, vừa giảm được chi phí thuê lao động chăn bò. Bên cạnh đó kỹ thuật ép phân cũng giúp các gia đình nhẹ nhàng hơn trong việc vận chuyển phân lên đồi bón cho cây.
Anh Lò Văn Yên, bản Bó Giáng cho biết, lúc đầu dân trong bản không muốn làm nhưng sau thấy thu nhập cao hơn nên làm theo. Anh Yên cho biết thêm, chăn nuôi kết hợp trồng cây theo mô hình NNST thu nhập của gia đình anh tăng 70%.. Riêng khoản phân bón, gia đình anh nuôi 2 con trâu, mỗi năm cho 5 tấn phân chuồng, nếu bán sẽ được 6 – 8 triệu đồng. Việc ép và ủ chua cỏ còn giúp gia đình anh tiết kiệm tiền mua cám nuôi gà.
TS Lê Thúy Hằng, cán bộ Viện NIAS, giảng viên của dự án cho biết, kết hợp chăn nuôi với trồng trọt, dự án thực hiện các mô hình cải tiến tại nông hộ như đa dạng hóa và tăng sản lượng thức ăn thô xanh; thiết kế hệ thống trồng xen canh với thức ăn thô xanh; bảo quản thức ăn thô xanh bằng kỹ thuật ủ chua; nâng cao chất lương phân chuồng bằng cách ủ Compost phân hữu cơ và hỗ trợ việc áp dụng vào thực tế của bà con.
TS Lê Thúy Hằng vui mừng cho biết, khởi đầu dự án chỉ có 4 thôn bản thí điểm, 4 thôn bản mở rộng, đến nay (năm 2024) đã có 42 thôn bản với 400 hộ nông dân tham gia mô hình cải tiến thức ăn chăn nuôi, thức ăn ủ chua và phân hữu cơ, thông qua đó đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy phát triển “NNST, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Minh Hà