05/04/2021 8:53:22

Người đứng đầu cơ sở GDNN được quyền cấp GCN đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc tổ chức dạy kiến thức văn hóa tại các cở sở GDNN, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: “Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tổ chức dạy học khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông (THPT) được quyền cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT và giấy chứng nhận này được sử dụng để học trình độ cao hơn của GDNN

Ông Vũ Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT

VẪN PHẢI CHỜ BỘ GIÁO DỤC SOẠN THẢO THÔNG TƯ QUI ĐỊNH KHỐI LƯỢNG KIẾN THỨC VĂN HÓA THPT TRONG CÁC CƠ SỞ GDNN

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Bộ GD&ĐT đang soạn thảo Thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN thay thế cho Thông tư 10 đang được các cơ sở GDNN áp dụng.

Cứ đến kỳ thi vào lớp 10, vấn đề phân luồng học sinh (HS) sau THCS lại nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Về phía Bộ GD&ĐT thời gian qua đã có những biện pháp gì để đảm bảo phân luồng, hướng nghiệp cho HS, thưa ông?

Mục tiêu của công tác phân luồng giáo dục hướng nghiệp (GDHN) HS trong trường phổ thông là để đảm bảo việc hướng nghiệp cho HS, cung cấp cho các em các kiến thức căn bản về nghề nghiệp, chủ động trong việc học tập trau dồi kiến thức, chủ động trong việc định hướng cho tương lai, cho việc tiếp tục học lên sau này.

Ảnh minh hoạ

Vì vậy trong năm học 2021-2022, song song với việc thực hiện các giải pháp đổi mới chương trình GDHN trong chương trình giáo dục hiện hành, cần tiếp tục phát triển đội ngũ nhân viên làm tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường theo hình thức kiêm nhiệm. Hiện nay đã bắt đầu đổi mới hình thức tổ chức dạy học GDHN để đảm bảo hiệu quả và triển khai thực hiện ở các nhà trường.

Đồng thời, trong năm 2022 này cũng sẽ ban hành chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, trong đó nội dung giáo dục của các môn học theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực của HS gắn với kiến thức thực tiễn. Đồng thời, trong nội dung giáo dục cũng rất chú trọng đến giáo dục gắn bó với địa phương.

Đây là lần đầu tiên trong chương trình GDPT có nội dung giáo dục địa phương. Ở tiểu học thì tích hợp trong các môn còn cấp THCS và THPT thì thiết kế thành nội dung giáo dục riêng song song cùng với các nội dung được tích hợp trong các môn học để đảm bảo nội dung giáo dục là gắn kiến thức với thực tiễn. Đấy chính là nhiệm vụ GDHN 1 cách bền vững. Cụ thể, ở tiểu học là môn học Hoạt động trải nghiệm và ở THCS và THPT là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Nâng cao chất lượng GDHN trong nhà trường chính là góp phần định hướng phân luồng HS, trong đó rất chú trọng việc phân luồng từ cấp 2 lên cấp 3 và được thể hiện ngay trong chương trình 2018 được thiết kế để đảm bảo nhu cầu phân luồng của HS theo định hướng nghề nghiệp.

Cụ thể trong cơ cấu các môn học, ngoài các môn học bắt buộc thì có 3 nhóm môn học để lựa chọn. Đó là nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lí, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Lúc này nhà trường sẽ xây dựng các tổ hợp để HS có thể lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp.

Đề án GDHN và định hướng phân luồng HS trong GDPT giai đoạn 2018-2025 có định hướng nữa về phân luồng thể hiện ở các mục tiêu đặt ra, trong đó có mục tiêu là tỷ lệ HS vào trường THPT, HS đi học các cơ sở GDNN. Song hành cùng khung cơ cấu quốc dân tại quyết định 1981.

Tại điều 5 Chỉ thỉ số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ qui định rõ nhiệm vụ của Bộ GDĐT là “Ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN trong quý III năm 2020. Vậy khi nào Bộ có thông tư hướng dẫn qui định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN, thưa ông?

Đối với lực lượng HS không có định hướng chọn THPT mà đi theo hướng GDNN sau THCS thì học ở các cơ sở GDNN, các trường trung cấp nghề. Những năm vừa qua, nội dung giáo dục phổ thông vẫn đang thực hiện trong chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp với các modul về khối lượng kiến thức văn hóa cho HS theo Thông tư 10. Theo đó, khối lượng kiến thức môn học gắn sát với nghề HS đã chọn. Hiện chúng tôi đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn về khối lượng kiến thức THPT cho đối tượng HS có bằng tốt nghiệp THCS học theo chương trình trung cấp trong cơ sở GDNN.

Ảnh minh hoạ

Nội dung dự thảo thông tư này có gì mới so với thông tư 10 mà các cơ sở GDNN đang thực hiện, thưa ông?

Trong 1 số năm tới, Thông tư này vẫn áp dụng cho đối tượng HS học chương trình THPT hiện hành, tức là những nội dung kiến thức văn hóa theo chương trình GDPT hiện hành. Vì vậy, khi soạn thảo Thông tư này vẫn đảm bảo sự kế thừa Thông tư 10 để đảm bảo sự ổn định.

Hiện nay lực lượng HS đang học trong trường nghề đang học theo khối lượng kiến thức văn hóa đó thì Thông tư mới cũng sẽ kế thừa và có những phần để hoàn thiện hơn để thuận lợi hơn cho định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của HS.

Khi chương trình GDPT mới bắt đầu triển khai ở cấp THPT, Thông tư sẽ có thay đổi các modul đi theo, cụ thể sẽ được thay thế dần dần nội dung kiến thức theo lộ trình áp dụng chương trình mới. Làm sao để khối lượng kiến thức phù hợp với các cháu HS.

Đặc biệt, khi HS đã được học khối lượng kiến thức văn hóa quy định trong trường nghề sau này muốn hoàn thiện để đủ điều kiện học và thi theo chương trình GDTX thì các em không phải học lại tất cả mà chỉ cần học thêm, bổ sung những phần các em còn thiếu để hoàn thành chương trình. Nhưng cần học trong thời gian bao nhiêu, ở đâu lại là câu chuyện cần bàn cho thấu đáo để đảm bảo quyền lợi cho HS, tạo điều kiện cho các em ở mức cao nhất và vẫn đảm bảo yêu cầu của Luật.

NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ SỞ GDNN TỔ CHỨC DẠY HỌC KHỐI LƯỢNG KIẾN THỨC VĂN HÓA THPT ĐƯỢC QUYỀN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ YÊU CẦU KHỐI LƯỢNG KIẾN THỨC VĂN HÓA  THPT.

Theo Qui chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020 ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì người đã có Bằng tốt nghiệp trung cấp cũng là một trong những đối tượng được dự thi THPT nhưng lại đòi hỏi phải bảo đảm điều kiện là đã học và thi đạt yêu cầu đủ số lượng các môn văn hóa THPT theo quy định của Luật GD và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ GD&ĐT. Qui định “khó” như vậy liệu có khuyến khích được HS đi học nghề?

Tôi cho rằng đó không phải là “quy định khó” mà là do cách chúng ta làm. Nếu cùng một thời gian như nhau, cụ thể là 3 năm, vừa muốn các em hoàn thành việc học văn hóa với khối lượng kiến thức như giảng dạy trong trường THPT, vừa hoàn thành chương trình học nghề thì có quá sức? Quan điểm của tôi là không nên “nén lại” thời gian mà nên giãn ra để phù hợp với mức độ nhận thức, tiếp nhận kiến thức của phần lớn HS. Dục tốc bất đạt. Việc học nếu nhồi nhét thì dù là học văn hóa hay học nghề đều khó đảm bảo hiệu quả.

Điều 34 Luật GD 2019, khoản 4 quy định: HS có bằng tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp trong cơ sở GDNN, sau khi đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT thì được người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT được sử dụng để theo học trình độ cao hơn của GDNN và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.

Như vậy, người đứng đầu cơ sở GDNN tổ chức dạy học khối lượng kiến thức văn hóa THPT được quyền cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT và giấy chứng nhận này được sử dụng để học trình độ cao hơn của GDNN.

HỌC SINH HỌC NGHỀ VẪN ĐƯỢC HỌC VĂN HÓA TẠI CHÍNH TRƯỜNG NGHỀ DO CHÍNH GIÁO VIÊN CỦA TRƯỜNG NGHỀ DẠY

Ở đây, có một nội dung nhiều người đang hiểu chưa đúng là HS học trung cấp của GDNN, muốn học văn hóa phải sang trường khác dạy. HS học nghề vẫn đang được dạy văn hóa tại chính trường nghề, do chính giáo viên của trường nghề dạy – điều này đã được quy định từ năm 2010 rồi. Khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho các em cũng đã được quy định như tôi đã nói ở trên và sau khi hoàn thành, các em được cấp một là bằng trung cấp nghề, hai là giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT do chính hiệu trưởng trường nghề cấp.

Việc học văn hóa trong cơ sở GDNN là phục vụ cho việc học nghề hiện tại và lớn hơn nữa vẫn tiếp tục học nghề. Nếu để lấy bằng tốt nghiệp THPT thì phải đảm bảo khối lượng kiến thức THPT như tất cả HS học trong các trường phổ thông, Trung tâm GDTX khác, tức là phải học thêm một số modul nữa chứ không thể dừng ở đây và được công nhận như các bạn đã hoàn thành 3 năm học THPT. Tương tự, để lấy bằng tốt nghiệp THPT thì phải đảm bảo khối lượng kiến thức THPT như tất cả HS học trong các trường THPT, Trung tâm GDTX khác và vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT theo quy định của Luật GD 2019.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Thị Thu Hương (thực hiện)