Lựa chọn học nghề, nhiều học sinh, sinh viên đã xây dựng được thương hiệu cá nhân với việc ghi danh trên bảng vàng các cuộc thi kỳ năng nghề quốc gia, khu vực và thế giới. Các em cũng đã có được cơ hội nghề nghiệp tốt cũng như tiền đề để học lên cao hơn. Những kết quả tích cực từ học nghề là minh chứng giá trị cho việc có nhiều con đường đi đến thành công cũng như góp phần tôn vinh, lan tỏa giá trị của giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Những khởi đầu không mang tên “Đại học”
Tháng 4/2021 của GDNN mở đầu với tin vui “Việt Nam xuất sắc giành Huy chương Vàng cuộc thi nghề Cơ điện tử online Châu Á- Thái Bình Dương”. Đối đấu với những đối thủ mạnh nhất thế giới về nghề cơ điện tử như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, 2 sinh viên của đội tuyển Cơ điện tử Việt Nam đã thể hiện sự tự tin, kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh thi đấu của mình.
Quan sát đội tuyển qua hai ngày thi, ông Trương Ngọc Hoàng, Giám đốc giáo dục Công ty Festo, chuyên gia giám sát của Ban tổ chức cuộc thi đánh giá cao kiến thức, kỹ năng, tốc độ xử lý của các thí sinh Việt Nam. “Các em nhanh hơn rất nhiều so với các đối thủ hàng đầu thế giới. Chiến thắng của đội tuyển Việt Nam hoàn toàn xứng đáng và thuyết phục”, chuyên gia Trương Ngọc Hoàng cho biết.
Là 2 trong số hàng trăm học sinh học hệ 9+ tại Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội, em Nguyễn Đắc Huynh và Phạm Đình Mạnh Quân đã đạt được những kết quả đáng khích lệ ngay khi theo học năm đầu tiên tại trường.
Nguyễn Đắc Huỳnh xuất sắc giành giải Nhất Kỳ thi Kỹ năng nghề TP Hà Nội, Huy chương Đồng tại Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia năm 2020. Phạm Đình Mạnh Quân giành giải Ba tại Kỳ thi Kỹ năng nghề TP Hà Nội, Chứng chỉ nghề xuất sắc tại Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia năm 2020.
Chia sẻ với báo chí, Nguyễn Đắc Huynh cho biết: “Tốt nghiệp THCS, em không đăng kí dự thi vào THPT mà cùng với một số bạn cùng lớp đăng kí theo học hệ 9+ tại Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội. Tại đây việc vừa học văn hóa, vừa học nghề đã giúp em rút ngắn thời gian học tập cũng như tiết kiệm chi phí cho ba mẹ. Hơn hết, em được theo học một nghề phù hợp với khả năng, sở thích của mình để sớm lập thân, lập nghiệp”.
Với Phạm Đình Mạnh Quân, em xác định ngay từ đầu “tốt nghiệp chương trình học THCS, em sẽ học nghề”. Khi đăng ký theo học tại Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội, hệ 9+ đã giúp Quân được học song song cả văn hóa và nghề.
Tại lễ bế giảng của 511 học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp chương trình cao đẳng, trung cấp khóa học 2018 – 2021 của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ (Đông Anh, Hà Nội) mới đây, nhiều học sinh tốt nghiệp THCS đã có những chia sẻ cảm động, thiết thực về lựa chọn học nghề.
Em Nguyễn Phạm Minh Đức, lớp Trung cấp Điện 12 nhớ lại thời điểm vừa tốt nghiệp THCS, em đăng ký học song song 2 chương trình Trung cấp nghề và THPT nên gặp không ít khó khăn.
Những ngày đầu nhập trường bỡ ngỡ, Minh Đức cũng như nhiều học sinh khác cũng không tránh khỏi cảm giác e ngại vì thầy cô, bạn bè còn xa lạ. Tâm trạng vẫn ngổn ngang bao nỗi băn khoăn về ngành nghề mình đăng ký học.
Ở thời điểm đó, cũng như những năm tháng học tập ở trường sau này, nhờ sự động viên, chỉ bảo, giúp đỡ tận tình của các thầy cô đã giúp cho Đức vượt qua cảm giác bỡ ngỡ ban đầu. Sự động viên, chỉ bảo đó còn giúp gắn kết học sinh, sinh viên thành những tập thể lớp đoàn kết, biết giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, chia sẻ cho nhau những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.
“Các thầy, các cô không chỉ truyền thụ cho chúng em kiến thức, hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp, mà còn lan tỏa tình yêu nghề, sự say mê, cống hiến đối với nghề nghiệp cho chúng em. Thầy cô cũng dạy cho chúng em những bài học thiết thực về văn hóa nghề nghiệp, thái độ ứng xử trong lao động”, em Nguyễn Phạm Minh Đức chia sẻ.
Sau khi tham gia chương trình đào tạo Trung cấp điện tại trường, Đức đã có những kiến thức và kỹ năng lắp đặt được các thiết bị điện công nghiệp như tủ điện, thiết bị, máy công nghiệp,… Cùng với các bạn học sinh lớp Trung cấp điện 12, Đức được nhận tấm bằng Trung cấp nghề trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Theo Đức, với kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghề được đào tạo, các em đã có thể bước những bước đi đầu tiên đầy tự tin, hứng khởi trước cánh cửa cuộc đời. Những kết quả của ngày hôm nay đã giúp em cảm thấy sự lựa chọn của mình trước đây là đúng đắn. Bởi em vừa được học phổ thông như các bạn cùng trang lứa nhưng trước khi tốt nghiệp THPT em đã có tấm bằng nghề trên tay.
Đây cũng là cơ sở để Đức có thể lựa chọn đi làm luôn hoặc học liên thông lên hệ cao đẳng. Việc có thể rút ngắn thời gian học cũng giúp em tiết kiệm được một khoản kinh phí cho gia đình cũng như sớm có cơ hội tìm việc làm.
Với Trần Anh Tuấn (SV Cao đẳng Công nghệ ô tô khóa 12, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ, tốt nghiệp THPT, em cũng đã nghĩ sẽ lựa chọn con đường thi vào đại học. Tuy nhiên Tuấn cũng nhìn thấy thực tế từ nhiều anh chị đi trước, tốt nghiệp đại học xong vẫn chật vật tìm việc làm. Quá trình làm việc cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều kinh nghiệm, kỹ năng thực tiễn. Sau nhiều cân nhắc, Tuấn quyết định lựa chọn đi học nghề.
“Quá trình học tại trường, chúng em được học kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Kiến thức lý thuyết được áp dụng ngay vào thực hành không chỉ giúp em thêm hứng thú với việc học mà còn giúp chúng em củng cố, ghi nhớ kiến thức vừa có thêm kỹ năng thực tiễn”, Tuấn cho biết.
Tốt nghiệp Trường CĐ nghề Kỹ thuật Công nghệ với tấm bằng loại giỏi, Trần Anh Tuấn cùng với những sinh viên có kết quả học tập, rèn luyện, có chí hướng phấn đấu đã được nhà trường mời ở lại trường.
Nhà trường cho biết sẽ có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng các em trở thành giảng viên của trường. Trần Anh Tuấn chia sẻ, đây là niềm vinh dự, tự hào đối với bản thân Tuấn, cũng là điều kiện thuận lợi để em có cơ hội được đứng trên bục giảng, truyền đạt những kiến thức, kỹ năng nghề học được cho các thế hệ đi sau.
“Có nghề sẽ có tương lai”
Trên báo chí, những tấm gương thành công với học nghề ngày càng nhiều. Từ năm 2020, hàng năm Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức Lễ tuyên dương các tấm gương học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu trong các cơ sở GDNN để tôn vinh, lan tỏa giá trị của học nghề.
Những tấm gương thành công mà khởi nguồn không bắt đầu bằng con đường Đại học cũng là yếu tố then chốt để từng bước xây dựng niềm tin cho học sinh và phụ huynh về lựa chọn học nghề. Bản thân các em học sinh, sinh viên trải qua quá trình học nghề đã dần nhận ra giá trị của học nghề và vững tin hơn với lựa chọn của mình.
“Với em, thành công hiện tại không phải là thành tích ở các cuộc thi, không phải sự kiêng nể của bạn bè, không hẳn là sự tự hào của bản thân và gia đình, thầy cô… mà chính là bản thân đã chọn đi đúng hướng, thay đổi tư duy đúng thời điểm”, em Nguyễn Đắc Huynh (học sinh hệ 9+, giải Nhất Kỳ thi Kỹ năng nghề TP Hà Nội 2020, HCĐ Kỳ thi Kĩ năng nghề Quốc gia năm 2020 nghề Lắp cáp mạng thông tin) chia sẻ.
Với phương châm đào tạo coi trọng chất lượng, nhiều cơ sở đào tạo nghề cũng đã củng cố niềm tin và chứng minh cho các học sinh sinh viên thấy, các em sẽ thành công trong tương lai với tay nghề vững chắc, có kĩ năng nghề và các kĩ năng khác đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
“Em nhận thức rõ rằng Đại học không phải là cánh cửa duy nhất để vào đời. Thay vào đó từ rất sớm, sau THCS, em đã mạnh dạn chọn học một nghề mà mình yêu thích. Bởi em tin rằng, có nghề sẽ có tương lai”, em Phạm Đình Mạnh Quân khẳng định.
Theo nhiều chuyên gia tuyển dụng, nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN ngày càng cao, đặc biệt là lao động có tay nghề được đào tạo bài bản tại các cơ sở GDNN có chất lượng tốt. Hợp tác giữa nhà trường và DN nhiều năm qua cũng đã trở thành chiến lược quan trọng trong công tác đào tạo của nhiều cơ sở GDNN. Câu chuyện “Đi học có lương, ra trường có việc” không còn là chuyện hiếm trong lĩnh vực học nghề.
Tại Trường CĐ nghề Kỹ thuật Công nghệ, học sinh sinh viên không chỉ có cơ hội trải nghiệm làm việc trong môi trường hiện đại, chuyên nghiệp mà còn được nhận mức lương hỗ trợ trải nghiệm. Các em cũng sẽ được nhận các khoản phụ cấp công việc, xăng xe, chuyên cần…, đặc biệt hỗ trợ ký túc xá theo tiêu chuẩn 3 sao. Với phương châm “Đi học có lương, ra trường có việc”, nhà trường đã hợp tác cùng với các DN để có thêm nhiều cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên đang theo học tại trường.
Tại Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, kết quả khảo sát hàng năm cho thấy, sự hài lòng của DN với nguồn nhân lực nhà trường cung cấp ngày càng nâng lên. Nhiều DN thể hiện sự tin tưởng “Sinh viên của Trường CĐ Cơ điện Hà Nội thì yên tâm nhận”.
Theo TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, năm học 2021 là năm thứ 9 liên tục, CĐ Cơ điện Hà Nội thực hiện việc ký kết cam kết việc làm với với học sinh sinh viên. Điểm mấu chốt trong cam kết là sinh viên nếu không có việc làm tính từ khi tốt nghiệp đến tối đa 6 tháng thì Hiệu trưởng phải trả học phí toàn bộ.
Trường cũng cam kết với sinh viên, mức lương khởi điểm với chương trình đào tạo chung đại trà của sinh viên sau khi ra trường là từ 6-7 triệu đồng, với chương trình đào tạo chất lượng cao thì mức lương khởi điểm tối thiểu 10 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế khảo sát tại các phiên ngày hội việc làm cho thấy, mức lương DN đưa ra cho sinh viên của Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cao hơn mức cam kết của nhà trường.
“Mức thấp nhất DN đưa ra là 8 triệu đồng/ tháng, còn trung bình khoảng 10 triệu. Đặc biệt, mức lương cao nhất sinh viên nhà trường được DN cam kết trả là 18 triệu. Ngoài mức lương này, DN còn có chính sách hỗ trợ ô tô nếu sinh viên của trường được tuyển dụng chính thức sau thời gian thử việc”, TS Đồng Văn Ngọc thông tin
Những kết quả tích cực ban đầu của học sinh, sinh viên trường nghề trên con đường lập thân, lập nghiệp là minh chứng tích cực cho việc “có nghề sẽ có tương lai”, cũng như góp phần tôn vinh, lan tỏa giá trị của GDNN.
Hà Hảo