19/03/2021 9:18:49

Hà Nội: Nạn nhân các vụ tai nạn lao động hầu hết là lao động phổ thông

Thành phố Hà Nội vừa có báo cáo tổng kết an toàn, vệ sinh lao động. Theo báo cáo, năm 2020, tình hình TNLĐ trên địa bàn TP Hà Nội tăng so với năm 2019. Trong đó, số vụ TNLĐ nghiêm trọng (có người chết) tăng 13 vụ, số người chết tăng 13 người, số người bị thương nặng tăng 7 người so với năm 2019.

Đáng chú ý, nạn nhân của các vụ TNLĐ hầu hết là lao động phổ thông, ký hợp đồng lao động thời vụ dưới 3 tháng, không tham gia BHXH bắt buộc.

Lý giải nguyên nhân tình hình TNLĐ tăng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh, các hoạt động sản xuất kinh doanh được trở lại. Đã có một số vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra do các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ sản xuất, thi công trong khi lại thiếu quan tâm đến công tác ATVSLĐ.

Theo số liệu báo cáo của các đìa phương, cơ sở, DN và qua quá trình điều tra tai nạn lao động, năm 2020, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra 388 vụ tai nạn lao động làm 402 người lao động bị nạn. Trong đó, số vụ TNLĐ theo hợp đồng lao động là 176 vụ làm 183 người bị nạn (với 43 người chết, 46 người bị thương nặng).

Số vụ TNLĐ không theo hợp đồng lao động là 212 vụ TNLĐ làm 219 người bị nạn, trong đó có 23 người chết và 41 người bị thương nặng.

Hiện trường vụ tai nạn ở số 16 Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) xảy ra vào thàng 7/2020 khiến 3 người thiệt mạng tại chỗ, 1 người bị thương. Ảnh Tư liệu

Các vụ TNLĐ chủ yếu vẫn là tai nạn ngã cao, vật rơi từ trên cao trong ngành xây dựng (46 vụ, chiếm 45,6%), sản xuất lắp ráp cơ khí (22 vụ, chiếm 21,0%); lắp ráp linh kiện (15 vụ, chiếm 15,0%), môi trường đô thị (10 vụ, chiếm 16,0%)…. Các vụ TNLĐ tập trung trong các ngành có tai nạn cào như: Xây dựng chiếm 45,6%, lắp ráp cơ khí, môi trường 16,0%… Nạn nhân của các vụ TNLĐ hầu hết là lao động phổ thông, ký hợp đồng lao động thời vụ dưới 3 tháng, không tham gia BHXH bắt buộc.

Nhằm chấn chỉnh việc thực hiện công tác ATVSLĐ, phòng ngừa TNLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã giao Sở LĐ-TB&XH thành lập 2 đoàn kiểm tra, kiểm tra việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại 25 công trình xây dựng có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động.

Thanh tra Sở LĐ-TB&XH đã kiểm tra 42 DN và 4 công trình xây dựng. Qua công tác kiểm tra đã có 296 kiến nghị khắc phục thiếu sót tại các dự án công trình xây dựng về ATVSLĐ- phòng cháy chữa cháy và đã lập biên bản đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 16 nhà thầu, tư vấn giám sát và DN với số tiền là 242 triệu đồng.

Năm 2021, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về công tác ATVSLĐ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về ATVSLĐ. Thành phố cũng sẽ quan tâm thực hiện tốt công tác tổ chức Hội nghị đối thoại giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các cơ quan Nhà nước để thúc đẩy việc cải thiện điều kiện làm việc công bằng, an toàn cho người lao động. Trên cơ sở đó, nâng cao hiệu quả xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật về ATVSLĐ trên địa bàn TP.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, sau khi có TNLĐ xảy ra, đoàn điều tra TNLĐ của thành phố đã điều tra, kết luận 31/39 vụ. Các vụ tai nạn đã kết luận được giải quyết đầy đủ chế độ đảm bảo quyền lợi của người bị nạn ít nhất bằng quy định của pháp luật hoặc cao hơn quy định.

Hiện Hà Nội còn 8 vụ tai nạn do cơ quan công an chưa có kết luận là TNLĐ và chưa chuyển hồ sơ đến Đoàn điều tra TNLĐ thành phố để điều tra theo quy định.

Năm 2020, cơ quan cảnh sát điều ra TP Hà Nội đã khởi tố 1 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm 4 người chết tại công trình 16 Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Hải An