Không chỉ những người nổi tiếng, giàu có mà một chàng trai đang thất nghiệp như Diệp Tín hay một F0 cũng có những cách từ thiện theo cách của mình. Những câu chuyện của họ giản dị làm bất cứ ai biết cũng phải xúc động.
Thất nghiệp nhưng vẫn bỏ tiền túi ra giúp người khác
Sáng ngày 28/7, tại khu vực chốt kiểm soát xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), trong những tình nguyện viên “tiếp sức” cho những đoàn người về quê tránh dịch có một chàng thanh niên tên là Diệp Tín.
Diệp Tín sinh năm 1998, quê ở Thừa Thiên-Huế, đã làm nghề sửa xe máy ở Đà Nẵng hơn 2 năm nay. Mấy tháng nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tiệm sửa xe của Tín cũng ế ẩm. Tất nhiên, kéo theo đó là thu nhập của chàng trại gần như về số 0. Tuy nhiên, khi được biết Phòng CSGT – Công an TP Đà Nẵng kêu gọi, Diệp Tín đã đăng ký tham gia tình nguyện xuyên đêm cứu hộ xe miễn phí cho những người đang đang về quê tránh dịch kéo dài cả ngàn km.
Khi có một đoàn sắp đi qua, Diệp Tín cùng các tình nguyện viên khác trong trang phục bảo hộ, xách trên tay hộp đồ nghề sửa xe máy chờ đợi đoàn người từ 1h sáng ở điểm chốt để thay dầu, vá xe cho đoàn.
“Vì đoàn đông người, đi nhiều xe máy nên thời gian đoàn đến không thể chuẩn xác. Vậy nên chúng em chủ động đến sớm chứ không để đoàn phải chờ”, Tín giải thích.
Dù thu nhập bấp bênh nhưng chàng trai vẫn tự bỏ tiền túi ra sắm ruột xe, nhớt xe cùng các loại phụ tùng để thay thế cho mọi người. Ảnh: Tiền Phong
Nhóm thiện nguyện nhóm Đắk R’Lấp 24H gồm những người trẻ cũng đã giúp đỡ được nhiều người dân đang về quê, có hoàn cảnh khó khăn những ngày này.
Anh Nguyên, một công nhân ở TP. Hồ Chí Minh, đã phải đi bộ hơn một tuần ròng rã để về quê ở Đắk Lắk mà trong túi chỉ còn vài chục nghìn đồng. Ngày 1/8, khi đến Đắk Nông, anh bị kiệt sức và nhóm Đắk R’Lấp 24H đã cho anh chỗ ăn, chỗ ngủ qua đêm và hôm sau nhóm đã tặng anh chiếc xe máy cũ của mình cùng ít tiền lộ phí.
Y Wan và H’Bin được nhóm thiện nguyện Đắk R’Lấp 24H tặng xe máy mới để về quê.
Sáng 1/8, anh Nguyễn Hải Bắc – thành viên nhóm Đắk R’lấp 24H đã dùng ôtô cá nhân đưa Y Wan Tơ Bdap (21 tuổi) và H’Bin Ktul (18 tuổi) ra thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) mua xe máy cũ với giá 3,5 triệu đồng (đã được người chủ giảm một nửa) để tặng cho hai vợ chồng trẻ tiếp tục về quê.
Trước đó, đêm 31/7, đôi vợ chồng trên đi từ Tây Ninh về, đến địa phận Đắk Nông gặp mưa to, xe máy hỏng giữa đường. Người mẹ ở Đắk Lắk đã nhắn tin “cầu cứu” lên nhóm Đắk R’lấp 24H. Lập tức nhóm thiện nguyện đã xác minh vợ chồng trẻ gặp sự cố ở địa bàn xã Đắk Ru (huyện Đắk R’lấp) nên liên hệ người dân gần đó bố trí chỗ ngủ an toàn.
Được biết, Y Wan và H’Bin trú tại huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), làm công nhân ở Tây Ninh đang trên đường về quê tránh dịch COVID-19. Anh Bắc cũng nhờ bạn mang xe máy của đôi vợ chồng trẻ đi sửa, khi hết dịch sẽ tìm cách gửi về.
Trên hết là tình tương thân tương ái
Hà Ngọc Trường, chàng trai 28 tuổi trước đây là nhân viên bán mỹ phẩm ở quận 1, TPHCM. Đã hơn 50 ngày anh có mặt ở khoa nhiễm 1, bệnh viên dã chiến điều trị F0 ở Củ Chi. Anh là một bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, từng phải đối diện với “tử thần” nhưng may mắn đã vượt qua, không còn phải điều trị tích cực nữa dù vẫn chưa khỏi bệnh.
Ngày sau khi sức khoẻ tạm ổn, đi lại được bình thường, Trường đã xung phong đi giúp các bệnh nhân nặng khác. Mỗi buổi sáng, Trường sẽ đi một vòng khắp các phòng bệnh trong khoa để hỏi thăm từng bệnh nhân, kiểm tra việc sinh hoạt cá nhân, bình nước truyền, bình oxy của họ để xem ai cần gì thì giúp ngay.
Từ thay tã, lau người, gội đầu… mình nhận làm hết. Cả khoa có khá đông các cô chú bệnh nhân lớn tuổi, đa phần là không thể tự sinh hoạt cá nhân được, số lượng khá nhiều nên mỗi ngày anh chỉ có thể luân phiên gội đầu cho vài người. Thời gian còn lại anh giúp họ dọn dẹp, thay tã, hỗ trợ nhân viên y tế thay bình oxy…”, Trường nói.
Trong công việc hỗ trợ y bác sĩ tại bệnh viện, Trường đã tự cam kết sẽ tuân thủ nghiêm mọi quy định tại đây, tránh ảnh hưởng sức khỏe cho y bác sĩ, người bệnh và cả chính mình.
MC Quỳnh Hoa và Hoa hậu Mai Phương Thuý đi làm từ thiện trong các bệnh viện dã chiến tại TP. Hồ Chí Minh.
MC Quỳnh Hoa – phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM thì lại cùng những người bạn của mình thành lập đội hình văn nghệ sĩ cùng chống dịch, đem đến món quà tinh thần cho đội ngũ y tế và các bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến ở TP. Hồ Chí Minh.
Những đêm nhạc giữa không gian dã chiến, tiếng kèn và tiếng hát của ca sĩ giữa sân khấu không có ánh sáng, âm thanh chuyên nghiệp nhưng da diết, lấy đi bao giọt nước mứt của người xem.
“Từ những lần tặng quà, nhận được lời đề nghị hãy mang âm nhạc đến với bệnh nhân để họ bớt căng thẳng, áp lực khi phải điều trị trong điều kiện bức bí và hạn chế nhiều thứ. Vậy là tụi mình rủ nhau làm và làm được”, chị Quỳnh Hoa nói.
Giữa những tin về hậu quả nặng nề của dịch thì nhưng câu chuyện này là một mảng sáng, làm chúng ta thấy cuộc đời đáng yêu và đáng sống hơn.
PV