Là một trong những thành phố lớn, cũng là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TP.HCM có vai trò đặc biệt quan trọng trong công đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng thị trường lao động ở nhiều ngành, nghề cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp của thành phố và miền Đông Nam Bộ. Năm 2020, vượt qua những khó khăn do tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, GDNN TP.HCM vẫn đạt được những thành tựu ngoài mong đợi trên nhiều lĩnh vực như: Công tác tuyển sinh, đào tạo ở các cấp trường, các hệ đào tạo; đội ngũ giáo viên tại các cơ sở GDNN được nâng cao; đào tạo tốt nguồn nhân lực lao động vùng nông thôn…
Đẩy mạnh tuyên truyền “ Chọn nghề trước khi chọn trường”
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 391 cơ sở GDNN (57 Cao đẳng; 64 Trường Trung cấp; 24 Trung tâm GDNN-GDTX; 248 Trung tâm GDNN và cơ sở hoạt động GDNN). Đứng trước xu hướng phát triển của nền kinh tế và cuộc CMCN 4.0, nhu cầu thị trường lao động ngày càng đòi hỏi người lao động có kỹ năng nghề đào tạo chuyên nghiệp.
Trên thực tế, nguồn nhân lực qua đào tạo ở các cơ sở GDNN dù ở trình độ nào, khi học sinh, sinh viên ra trường đều có việc làm và tự tạo việc làm ổn định. Trong khi, các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận luôn khan hiếm nguồn nhân lực qua đào tạo ở nhiều vị trí việc làm. Các doanh nghiệp lớn sẵn sàng “trải thảm”, ký kết cùng tham gia đào tạo theo “đơn đặt hàng” với các cơ sở GDNN theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp.
Ông Đặng Minh Sự – Trưởng Phòng GDNN, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM chia sẻ: “Công tác tuyển sinh trong lĩnh vực GDNN vẫn là một khó khăn, thử thách. Vì thế những năm qua, Sở đã chỉ đạo các cơ sở GDNN trên địa bàn ưu tiên đẩy mạnh công tác truyền thông. Cùng đó, là sự chỉ đạo của UBND các cấp, từ thành phố, tới cấp quận, huyện đã chú trọng tới công tác truyên truyền về những lợi ích khi chọn hướng nghiệp với GDNN”.
Bằng những phương thức tuyên truyền trực quan, sinh động thông qua xây dựng và phát sóng chương trình phóng sự định hướng nghề nghiệp; giới thiệu ngành, nghề; tuyên truyền công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên sóng truyền thanh, truyền hình vào các khung giờ thuận lợi để người dân có thể theo dõi và nắm bắt thông tin về các chương trình đào tạo trong hệ thống GDNN.
Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN cũng tích cực đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh trực tiếp, định hướng phân luồng cho học sinh trong các trường học cấp THCS và THPT. Từ những lợi thế “đầu ra” sinh viên có việc làm ngay, công tác truyền thông đã mang lại những hiệu quả, tác động lớn tới sự thay đổi tư duy và nhận thức của các bậc phụ huynh, các em học sinh và xu hướng chọn nghề cũng trở nên thiết thực là “chọn nghề trước khi chọn trường”.
Những con số trong công tác tuyển sinh các hệ đào tạo của các cơ sở GDNN trong năm 2020 cho thấy xu hướng học nghề ở TP.HCM có nhiều chuyển biến tích cực: Tổng thể đạt 74,48% so với chỉ tiêu đề ra, trong đó có 38.577 sinh viên học sinh nữ, 2.983 là người dân tộc thiểu số và 123 người khuyết tật.
Trong năm 2020, có 9 nhóm ngành nghề dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong tổng số người học tuyển mới (chiếm 73,14), còn lại lần lượt là 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 20,41% và 8 nghề tự do chuyển dịch lao động trong khối ASEAN là 6,46%.
Cung ứng nguồn nhân lực dồi dào cho thị trường lao động
Những nỗ lực trong công tác tuyên truyền định hướng GDNN và những con số học sinh, sinh viên chọn GDNN, các cơ sở GDNN đã trở thành nơi cung ứng nguồn nhân lực dồi dào và khớp với nhu cầu của thị trường lao động.
Trong năm 2020, các cơ sở GDNN của TP.HCM đã đào tạo và cung cấp cho thị trường lao động trên 141 nghìn người học sau tốt nghiệp các trình độ. Trong đó, có 50.699 là sinh viên học sinh nữ và 1.198 là người dân tộc thiểu số.
Tỷ trọng nguồn nhân lực sau đào tạo GDNN ở các nhóm ngành nghề trọng yếu lần lượt là: 14,83% ở 04 ngành công nghiệp trọng yếu; 82,49% ở 09 ngành dịch vụ và 2,67% ở 08 nghề tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN. Số lao động đang làm việc qua đào tạo thực hiện trong năm 2020 chiếm tỷ lệ 85,69%( ước tính trên 4 triệu người lao động).
Điều đáng nói là: Chất lượng đào tạo, nhất là hệ đào tạo chính quy trình độ Cao đẳng, Trung cấp đã được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đón nhận và đánh giá tốt. Các ngành nghề trình độ sơ cấp, đào tạo kỹ năng nghề dưới 03 tháng tại các cơ sở GDNN đã đáp ứng được nhu cầu của người học và doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho thị trường lao động của thành phố.
Tỉ lệ có việc làm sau tốt nghiệp của người học trình độ khối Cao đẳng chiếm khoảng 83,05%; trung cấp chiếm 81,16% sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo.
Năm 2020, với mục tiêu đào tạo nghề cho ít nhất 6.415 lao động nông thôn, trong đó ở những nghề phi nông nghiệp tập trung đào tạo những nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế- xã hội của TP, đào tạo những nghề nông nghiệp ở những nghề kỹ thuật cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người học sau đào tạo, góp phần tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống cho người lao động vùng nông thôn và góp phần đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp liên ngành cùng Sở NN&PTNT, Sở Tài chính hướng dẫn triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Theo đó, các quận, huyện đều tổ chức khảo sát, rà soát, xác định nhu cầu học nghề của lao động nông thôn theo từng nghề, cấp trình độ đào tạo. Qua đó, cùng phối hợp với các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu người lao động và yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Tính đến hết năm 2020, TP đã đào tạo được 7.166 người/chỉ tiêu 6.415 lao động nông thôn (đạt 110, 25% chỉ tiêu đề ra). Trong đó, có 2.776 người học nghề nông nghiệp, 4.390 người học nghề phi nông nghiệp và có 3.315 là lao động nữ trong tổng số người được đào tạo, chiếm tỷ lệ 46,26%.
Giải quyết tốt nhu cầu việc làm cho người lao động
Tính trong năm 2020, các thành phần kinh tế hoạt động trên địa bàn TP đã thu hút được 306.922 lượt người vào làm việc, đạt 102,33% kế hoạch năm, trong đó các vị trí việc làm mới được tạo ra cho 136.792 người, đạt 101,28% kế hoạch năm. Nhu cầu về nguồn nhân lực tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề: Kinh doanh- Thương mại, Tài chính- Kế toán, dịch vụ tư vấn chăm sóc khách hàng, dịch vụ phục vụ, chế biến lương thực- thực phẩm, công nghệ thông tin, kinh doanh tài sản- bất động sản…
Kết quả giải quyết việc làm trên đia bàn thành phố có sự tham gia của các tổ chức dịch vụ việc làm công lập (2 đơn vị) và doanh nghiệp dịch vụ việc làm (122 doanh nghiệp). Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tăng cường thực hiện các phiên giao dịch việc làm, sàn giao dịch việc làm.
Trong năm 2020, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 97 phiên giao dịch việc làm cho thanh niên, công nhân, bộ đội xuất ngũ, sinh viên, người lao động thất nghiệp đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số người được tư vấn việc làm là 575 nghìn lượt người, số người được giới thiệu việc làm là 169 nghìn lượt người, số người nhận được việc làm 83 nghìn người.
Cùng đó, Sở LĐ-TB&XH cũng giải quyết tốt nhu cầu việc làm cho đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp, với số lượng người 180.354/ 185.170 người nộp hồ sơ đề nghị hường trợ cấp thất nghiệp.
Những tồn tại và định hướng năm 2021
Bên cạnh những thuận lợi trên, công tác tuyển sinh cũng như giải quyết việc làm cho người học, người lao động vẫn còn gặp những khó khăn. Trong đó, tâm lý coi trọng bằng cấp và chưa thấy tầm quan trọng của GDNN từ phía các bậc phụ huynh học sinh, dẫn đến công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc THPT tại nhiều quận, huyện chưa đạt mong muốn và chỉ tiêu đề ra.
Về giải quyết việc làm, một số cơ sở GDNN chưa chủ động liên kết với đơn vị sử dụng lao động để cung cấp nguồn nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp. Công tác quản lý mạng lưới cơ sở GDNN còn bất hợp lý trên địa bàn, đầu tư phát triển cơ sở vật chất còn chậm, gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các đơn vị GDNN.
Bước sang năm 2021, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục chỉ đạo khắc phục những khó khăn, đổi mới hình thức tuyên truyền để giới thiệu thế mạnh các ngành nghề đào tạo của từng trường, hình thức tuyển sinh. Phổ biến sâu rộng các chính sách đối với người học và mối quan hệ giữa các trường với doanh nghiệp trong việc liên kết đào tạo, tuyển dụng người học sau tốt nghiệp.
Trên cơ sở xác định nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp, Ban Giám hiệu các cơ sở GDNN chủ động định hướng ký kết chương trình đào tạo song hành với doanh nghiệp, cân đối hợp lý giữa học ở trường và doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng và kỹ năng chuẩn đầu ra, đáp ứng được yêu cầu của Doanh nghiệp.
Sở LĐ-TB&XH cũng sẽ phối hợp cùng các cơ sở GDNN dự báo nhu cầu nhân lực, giới thiệu việc làm để chủ động dự báo trong hướng nghiệp, cũng như giải quyết việc làm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển dụng; theo dõi quá trình, kết quả học tập của học sinh, sinh viên khi ra trường và cập nhật thông tin có việc làm. Thúc đẩy gắn kết hệ thống GDNN, cùng các đơn vị doanh nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm, kết nối Cung- Cầu lao động phát triển bền vững.
Thu Thủy