23/04/2021 7:00:48

Đất vàng nằm trong tay Tân Hoàng Minh, Handico sau cả thập kỷ bây giờ ra sao?

Việc các dự án sở hữu quỹ đất lớn, có vị trí đắc địa tại Hà Nội nằm trong tay các đại gia như Tân Hoàng Minh, Handico… nhưng lại “đắp chiếu” bỏ hoang đã và đang gây nên tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai.

Doanh nghiệp “ôm đất vàng”: Quy hoạch đô thị đi vào bế tắc

Các dự án lớn luôn được kỳ vọng sẽ làm “thay da đổi thịt” bộ mặt thủ đô Hà Nội, nhưng thực tế thì không ít dự án “treo” kéo dài nhiều năm đang xuất hiện dày đặc từ các quận, huyện ngoại thành Hà Nội cho đến các khu vực quận nội đô – nơi đất đai được ví như “vàng”.

Phần lớn các dự án quy hoạch này đã “đắp chiếu” đến 10 – 20 năm, khiến diện tích đất hoang hóa tại Thủ đô ngày một gia tăng. Đáng nói, ngoài việc đất bị bỏ hoang, tại một số dự án cũng đang xuất hiện tình trạng sử dụng sai mục đích, dẫn đến nhiều tranh chấp, chiếm dụng, gia tăng vấn nạn về mất trật tự an ninh, văn minh đô thị.

Doanh nghiệp “ôm đất vàng” là một trong những nguyên nhân khiến quy hoạch đô thị đi vào bế tắc

Trong một văn bản hồi đáp ý kiến cử tri, UBND TP.Hà Nội cho biết, tại Thủ đô có tới hơn 300 dự án “treo” rải rác khắp các địa bàn quận, huyện, khiến bộ mặt thành phố trở nên nhếch nhác, người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, đặc biệt là vấn đề lãng phí tài nguyên đất…

Vậy, nguyên nhân thực sự của hiện trạng trên từ đâu? Vì sao doanh nghiệp vẫn cố ôm “đất vàng” không chịu triển khai dự án? Thông tin với báo chí, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư – TP Hà Nội cho hay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ, dẫn đến các khu “đất vàng” bị bỏ hoang, có thể kể đến như chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, điều chỉnh giấy phép, vướng trong khâu giải phóng mặt bằng,…

Các khu “đất vàng” bị bỏ hoang, có thể kể đến như CĐT không đủ năng lực về tài chính, điều chỉnh giấy phép, vướng trong khâu GPMB

Cũng theo vị đại diện này, quy định tại Luật Đất đai, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít, việc chậm đưa đất vào sử dụng, không bảo đảm tiến độ dự án hay chậm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước… đang gây ra nhiều hậu quả đối với kinh tế – xã hội.

Đơn cử, cách đây không lâu, lô đất vàng ngay gần Hồ Hoàn Kiếm bị bỏ hoang được cho là thuộc sở hữu của Tân Hoàng Minh. Lô đất rộng tới 4.000 m2 có 2 mặt tiền trên phố Hàng Bài và Hai Bà Trưng.

Theo tìm hiểu của PV, tại khu đất này Tân Hoàng Minh dự kiến xây dựng dự án phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp và căn hộ hạng sang D’.San Raffles quy mô 9 tầng nổi và 5 tầng hầm. Pháp nhân đứng tên làm dự án này là Công ty cổ phần Thời đại mới T&T (doanh nghiệp được giới thiệu thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Công ty này được giao đất từ năm 2011 để thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB). Tại quyết định giao đất, dự án có chức năng là TTTM và nhà ở tái định cư tại chỗ.

Hiện tại, lô đất này vừa mới được Công ty CP thời đại mới T&T bắt đầu triển khai dự án từ ngày 03/02/2021

Tại quận Hai Bà Trưng, một lô đất vàng bỏ hoang rộng lớn khác cũng được cho là sở hữu của Tân Hoàng Minh. Lô đất này có được từ sự di dời của 2 nhà máy rượu Hà Nội và dệt kim Đông Xuân ra khỏi nội thành, có 3 mặt tiền thuộc phố Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ và Ngô Thì Nhậm.

Lô đất này có được từ sự di dời của 2 nhà máy rượu Hà Nội và dệt kim Đông Xuân ra khỏi nội thành

Hiện tại, một phần diện tích đã được dùng để xây dựng 2 trường học cho quận Hai Bà Trưng. Lô đất đối diện Tổng cục Thuế này dự kiến được Tân Hoàng Minh xây dựng căn hộ cao cấp. Thời gian triển khai cụ thể vẫn chưa rõ.

Một lô đất lớn khác tại quận Nam Từ Liêm cũng đang bỏ hoang rộng tới 4,3 ha. Lô đất này từng được Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) dự kiến xây dựng khách sạn sang trọng nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội với số vốn 500 triệu USD.

Lô đất lớn tại quận Nam Từ Liêm cũng đang bỏ hoang rộng tới 4,3 ha (Ảnh: Zing)

Tuy nhiên, sau đó dự án không thể triển khai, lô đất bị bỏ hoang gần chục năm qua. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị thu hồi và phục hồi điều tra sai phạm tại 3 khu đất vàng gồm lô B9/CC1, B9/CC3 và C3/HH, C3/CC1-1 thuộc Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) của Công ty Cổ phần đầu tư Thùy Dương (TD Group) do chậm triển khai nhiều năm gây lãng phí tài nguyên đất và không có cơ sở pháp lý để cho phép tiếp tục triển khai dự án. Lô đất này đang bị sử dụng sai mục đích như làm sân bóng đá, gara…; một phần bị bỏ hoang, ngập trong rác.

Năm 2011, UBND thành phố Hà Nội giao lô đất B9 khu đô thị Nam Trung Yên với tổng diện tích 18.328m2 cho TD Group làm dự án. Sau đó, TD Group liên danh với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) lập ra Công ty Cổ phần Handico – Thùy Dương.

Tuy nhiên, tháng 8/2015, Handico bất ngờ xin rút khỏi liên danh và được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Công an thành phố Hà Nội đã có ý kiến đánh giá về sai phạm của dự án này. UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cần thu hồi toàn bộ các khu đất này để đưa vào quản lý sử dụng; Công an thành phố Hà Nội cần phục hồi điều tra để xác định vi phạm, xử lý các đối tượng. Gần đó, khu đất dịch vụ ký hiệu C2 thuộc Khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính (quận Cầu Giấy) cũng bị bỏ hoang gần 20 năm nay. Khu đất này được Hà Nội giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico6) thực hiện dự án y tế, nhà văn hóa và chỗ để xe phục vụ dân cư, nhưng lại bị bỏ hoang.

Ở ngã tư Trần Duy Hưng – Nguyễn Chánh, một lô đất vàng cũng quây tôn che kín từ nhiều năm nay. Lô đất này từng dự kiến xây dựng Tháp Tài chính Quốc tế (IFT), một biểu tượng mới của thủ đô. Thế nhưng nhiều năm qua, dự án vẫn án binh bất động. Trên đường vành đai 3 có một lô đất bỏ hoang nhiều năm nay, từng dự kiến triển khai dự án Nam Đàn Plaza.

Dự án được quảng bá là tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, khu vui chơi giải trí, văn phòng… có tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.

Hệ lụy từ thực trạng để hoang hóa đất vàng

Thực trạng nhiều lô đất vàng tọa lạc tại vị trí đắc địa nhưng nhiều năm không được xây dựng, triển khai dở dang, sử dụng sai mục đích đã khiến bộ mặt TP trở nên nhếch nhác, người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, ô nhiễm môi trường… đặc biệt là vấn đề lãng phí tài nguyên đất và thất thu ngân sách Nhà nước.

Lý giải nguyên nhân xảy ra tình trạng chủ đầu tư “ôm” đất bỏ hoang, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) – ông Lê Hoàng Châu, cho biết về khách quan, chủ yếu do doanh nghiệp không hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng, bởi chồng chéo về pháp luật. Về mặt chủ quan có thể do doanh nghiệp yếu kém về năng lực, ôm quỹ đất để đầu cơ, như tại TP.HCM cũng có ô đất bỏ hoang hơn chục năm ngay trung tâm quận 1.

Tuy nhiên, Chủ tịch HoREA đánh giá, năng lực của Chủ đầu tư không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, mà phần lớn các doanh nghiệp đang thực hiện tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc đầu cơ về đất đai.

Hoang hóa đất vàng gây lãng phí tài nguyên đất và thất thu ngân sách Nhà nước. Theo các chuyên gia BĐS, cần sớm thu hồi các dự án không triển khai trong 48 tháng

Theo GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì việc khó thu hồi có thể giải thích bằng lý do là có lợi ích chung gì đó ở đây mà lợi ích đó đã được trao đổi rồi nên bây giờ khó thu hồi. Ngoài ra, cũng có thể do ý chí của nhà kinh doanh không bắt nhịp được ý chí của nhà quản lý (là lợi ích, là hiệu quả của dự án – PV) dẫn đến việc Nhà đầu tư chần chừ triển khai.

Đồng thời, Nguyên Thứ trưởng cũng cho rằng việc các dự án chậm tiến độ còn vướng mắc ở chỗ khi nhận giao đất, doanh nghiệp đã thực hiện việc đầu tư cơ bản trên khu đất đó, đến nay thu hồi tài sản gắn liền với đất gặp nhiều khó khăn. uy nhiên, việc thu hồi chậm trễ ngày nào thì nhà nước sẽ chậm thu được ngân sách từ tiền sử dụng đất ngày đó.

Do vậy, cần sớm thu hồi các dự án không triển khai trong 48 tháng. Ngoài ra, việc cương quyết thu hồi theo GS. Đặng Hùng Võ có thể phát hiện được tham nhũng nằm ở đâu trong quá trình giao đất trước đó.

Qua trao đổi, TS. Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc thu hồi các dự án “treo” là không hề dễ dàng, bởi nếu chính quyền muốn thu hồi, thì trước hết phải bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Thực tế, với những khó khăn, phức tạp, nên hiện có dự án bị “treo” cả chục năm, nhưng vẫn chưa thể thu hồi, gây lãng phí tài nguyên đất và mất mỹ quan đô thị.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí nêu về hơn 300 dự án bỏ hoang ở Hà Nội. Theo đó, báo chí phản ánh về nội dung: Hiện có tới hơn 300 dự án “treo”, “bỏ hoang” ở các địa bàn quận, huyện TP Hà Nội, khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, đặc biệt là gây lãng phí tài nguyên đất…

Ngoài ra, không giao đất, giao dự án mới cho các tổ chức đang có dự án chậm triển khai, có vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai, có dự án xây dựng sai quy hoạch, sai phép; không xem xét gia hạn thời gian sử dụng đất, thời gian nộp tiền sử dụng đất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đối với dự án sử dụng đất sai mục đích.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội tại phiên giải trình về kết quả giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, thành phố hiện có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm (chiếm 23,1%), với hình thức và mức độ khác nhau.

Phổ biến nhất vẫn là 40 dự án chậm đưa đất vào sử dụng trên 12 tháng liên tục kể từ khi được giao đất trên thực địa; 47 dự án chậm tiến độ thực hiện trên 24 tháng; 22 dự án chậm hoàn thành công tác; 4 dự án chậm nghĩa vụ tài chính.

Để xử lý triệt để tình trạng dự án bỏ hoang gây lãng phí đất vàng, thì các cơ quan chức năng phải thực sự nghiêm minh.

Bài toán quy hoạch đô thị cần đảm bảo các yếu tố về văn hóa xã hội, đời sống, kinh tế, phù hợp với hệ thống hạ tầng, giao thông. Không vì lợi ích kinh tế mà bỏ qua lợi ích an sinh xã hội.

Giải pháp được đưa ra để xử lý các dự án “treo” tại Hà Nội nói riêng và các địa phương khác nói chung là cần một chế tài phù hợp và kiên quyết hơn. Bên cạnh việc thu hồi đất thì có thể đưa ra phương án xử phạt thật nặng đối với các chủ đầu tư “ôm” đất xong không triển khai, sử dụng sai mục đích; đặc biệt là cần sự nghiêm minh của các cơ quan chức năng trước các sai phạm.

Thế nhưng, việc quản lý quỹ đất của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm. Phía chủ đầu tư các dự án nêu trên chưa thật sự tuân thủ quy định pháp luật. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng để xử lý được những sai phạm tồn tại lại là bài toán có quá nhiều điều kiện, khó thoả mãn yêu cầu về quy hoạch đô thị.

Để xử lý triệt để tình trạng dự án bỏ hoang gây lãng phí đất vàng, thì các cơ quan chức năng phải thực sự nghiêm minh, không để xảy ra tình trạng “mặc” báo chí phản ánh, “kệ” người dân gửi đơn thư tố cáo.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

Vi Anh