Với những cơ chế, chính sách mới ưu việt, mạnh dạn, Nghị quyết 35/2021/NQ– HĐND, mới được Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh bạn hành đã mở ra cơ hội, động lực lớn để Trường CĐ Việt – Hàn Quảng Ninh tập trung mở rộng quy mô tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cơ chế hấp dẫn người học, người dạy ở 5 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế
Cùng với ĐH Hạ Long, Trường CĐ Y tế Quảng Ninh, Trường CĐ Việt – Hàn là một trong 3 trường được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 35/2021/NQ- HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, tập trung hỗ trợ tối đa cho người học, đặc biệt là những đối tượng thuộc diện chính sách, con em vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo, đối tượng hộ nghèo và cận nghèo, lực lượng công an và bộ đội xuất ngũ, con em vùng đồng bào dân tộc các trường nội trú.
Theo đó, từ năm học 2021 đến năm học 2025, học sinh, sinh viên đăng ký học 5 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế tại CĐ Việt – Hàn Quảng Ninh gồm: Cắt gọt kim loại, Hàn, Điện tử Công nghiệp, Điện Công nghiệp, Công nghệ ô tô sẽ được hỗ trợ tiền đóng hàng tháng bằng 100% mức học phí phải nộp, được thưởng 1.5 triệu đồng/thángvới HSSV đạt loại giỏi và đến 2.2 triệu đồng/tháng đối với HSSV xuất sắc.
Trường hợp HSSV hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an có đăng ký thường trú tại Quảng Ninh còn được bố trí chỗ ở miễn phí tại ký túc xá, được hỗ trợ tiền ăn bằng 600 nghìn đồng/người/tháng. Theo tính toán, một HSSV 3 năm học trình độ Cao đẳng sẽ được hỗ trợ tới 150 triệu đồng.
Thạc sĩ Lưu Văn Minh – Hiệu trưởng Nhà trường bày tỏ niềm vui khi Nghị quyết 35 ban hành đã cho thấy những tín hiệu tích cực. Nếu như trước đây, Nhà trường luôn khá vất vả trong công tác tuyển sinh thì sau khi Nghị quyết 35 ban hành, việc tuyển sinh không còn là vấn đề nan giải. Nguồn tuyển trong và ngoài tỉnh “tự chảy về” với số lượng tăng vọt, trong đó có nghề Công nghệ ô tô và Điện Công nghiệp tăng gấp 3- 5 lần so với chỉ tiêu tuyển sinh. Hầu hết các chỉ tiêu tuyển sinh ở 5 nghề trọng điểm nêu trên ở cả 2 hệ Trung cấp và Cao đẳng, hiện nay Nhà trường đã hoàn thành.
Sinh viên Đỗ Hữu Vượng, lớp Cao đẳng Công nghệ ô tô K4 cho biết: “Các chính sách hỗ trợ sinh viên tạo cơ hội và khuyến khích em học tập tốt, vững tay nghề để ra trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp”.
Theo Nghị quyết 35, những HSSV tốt nghiệp loại xuất sắc khi ra trường, ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp sẽ được trường hỗ trợ thưởng một lần là 30 triệu đồng/người; với học sinh giỏi ký hợp đồng với doanh nghiệp được hỗ trợ thưởng một lần 20 triệu đồng/người.
Sinh viên Trần Hoài Lâm, lớp Cao đẳng Điện Công nghiệp K5 cho biết: “Chính sách tuyệt vời này giúp gia đình em giảm bớt gánh nặng về kinh tế, giúp em vững tin theo học trường nghề. Năm học tới em sẽ phấn đấu đạt học sinh giỏi để nhận được phần thưởng xứng đáng theo chính sách của tỉnh”.
Đặc biệt, chính sách cũng tác động tốt tới phương thức tuyển dụng đội ngũ nhà giáo của Nhà trường, cho phép tuyển dụng giáo viên có trình độ thạc sĩ tại các nghề trọng điểm, nếu có kỹ năng nghề bậc 3 thì được hỗ trợ một lần là 300 triệu đồng/người. Nếu như Nhà trường có giáo viên tốt nghiệp trình độ đại học, được cử đi học thạc sĩ sẽ được hỗ trợ 150 triệu đồng/người.
Ưu tiên tập trung đào tạo nguồn nhân lực ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo
Công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh là một trong những ngành kinh tế quan trọng, đang từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế – xã hội, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2010- 2020 đạt 12,5%/năm.
Những năm gần đây, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của Quảng Ninh, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế có bước phát triển đột phá, phát huy hiệu quả sau đầu tư; môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh không ngừng được cải thiện. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên, cùng với đà tăng trưởng liên tục trong nhiều năm liền đã tạo tiền đề, nền tảng căn bản để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đổi mới, hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo, tạo ra động lực phát triển mới thu hút mạnh mẽ các nguồn lực và nhà đầu tư, dự án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Vì vậy, Quảng Ninh xác định định hướng phát triển ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ đóng vai trò chủ đạo, động lực của khu vực công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng lớn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước; là nguồn cung việc làm dài hạn và thu nhập ổn định, thúc đẩy chuyển dịch thu hút lao động.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn từ nay đến năm 2025 của tỉnh Quảng Ninh, tỷ trọng của khu vực công nghiệp – xây dựng trong GRDP đạt 49- 50%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng trên 15% trong GRDP; Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng bình quân 10%/ năm, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng bình quân 17%/năm; Thu hút tổng vốn đầu từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 50.000 tỷ đồng (bình quân trên 10.000 tỷ đồng/năm); Tạo ra ít nhất 30.000 chỗ làm việc mới của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Với mục tiêu như vậy, Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh có nhiệm vụ tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số giai đoạn 2021- 2025.
Theo đó, Nhà trường chú trọng đào tạo các ngành nghề: Điện, Điện tử – Tin học, Cơ khí, Tự động hóa, Công nghệ cao, Công nghệ ô tô. Trong đó, phấn đấu một số ngành nghề đạt trình độ quốc tế, khu vực; Mở rộng các mô hình cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp; Quan tâm đào tạo chuyển đổi nghề và nâng cao kỹ năng nghề cho lao động nông thôn, lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; Khuyến khích khu vực tư nhân và các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động.
Trước mắt, Nhà trường ưu tiên tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở 5 nghề trọng điểm quốc tế bao gồm: Cắt gọt kim loại, Hàn, Điện tử Công nghiệp, Điện Công nghiệp, Công nghệ ô tô. HSSV các nghề này ở hệ Trung cấp và Cao đẳng được miễn phí 100% học phí. Hiện nay, Nhà trường vẫn giữ vững chỉ tiêu tuyển sinh chung với khoảng 600 HSSV.
Xây dựng mạng lưới kết nối cùng doanh nghiệp và đào tạo theo “đơn đặt hàng”
Trên cơ cở xác định được nhu cầu nguồn nhân lực cụ thể của doanh nghiệp ở các cấp trình độ Trung cấp, Sơ cấp và Cao đẳng, Nhà trường cùng doanh nghiệp sẽ phối hợp đào tạo linh hoạt, đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp.
Hai bên cũng sẽ cam kết, đảm bảo HSSV ở các cấp trình độ được đào tạo được nhận làm việc với đúng ngành nghề đã chọn, đúng với mô-đun và dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp cùng mức lương tương xứng cho từng cấp trình độ, ngành nghề.
Với vai trò là cầu nối lao động và việc làm, giữa doanh nghiệp và HSSV, hiện nay Nhà trường đã làm việc với một số doanh nghiệp tương đối ổn định về tuyển sinh, đào tạo và đảm bảo đầu ra cho HSSV có việc làm ngay.
Thời gian tới, trường sẽ cùng phối hợp với Tập đoàn Thành Công có nhà máy lắp ráp ô tô ngay cạnh cơ sở đào tạo của trường và các doanh nghiệp khác có các nhà máy ở Đông Mai, Yên Hưng, Hải Hà hoạt động trong ngành điện, điện tử, dệt may… Dự báo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là rất lớn và hứa hẹn mức lương trung bình khởi điểm từ 10 triệu đồng trở lên.
Thạc sĩ Lưu Văn Minh – Hiệu trưởng CĐ Việt – Hàn cho biết: “Khi tuyển sinh không còn là vấn đề khó khăn, trường sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng mạng lưới kết nối cùng doanh nghiệp, trên cơ sở đó sẽ xác định nhu cầu, gắn đào tạo có địa chỉ theo đơn đặt hàng.
Bên cạnh đó, trường cũng mong muốn sớm được sáp nhập cùng với CĐ Giao thông, để hướng tới xây dựng đề án tự chủ 100% chi thường xuyên bắt đầu thực hiện từ năm 2022. Từ nay tới năm 2025, trường cũng sẽ triển khai xây dựng Đề án nâng quy mô đào tạo khoảng 2.000 HSSV mỗi năm ở các cấp trình độ, với chủ trương phát triển toàn diện, đào tạo đa ngành, đa cấp trình độ, trở thành cơ sở đào tạo chất lượng cao với các ngành nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, mở một số mã ngành mới theo định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Ninh”.
Thu Thủy