19/09/2020 10:55:02

6 tháng đầu năm 2020: Tai nạn lao động giảm cả về số vụ và số nạn nhân

Theo tổng hợp của Bộ LĐ-TB&XH từ báo cáo của 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 6 tháng đầu năm 2020 trên toàn quốc đã xảy ra 3.349 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 3.450 người bị nạn. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn lao động đã giảm cả về số vụ và số nạn nhân.

378 người chết, thiệt hại 49.438 ngày công

Thống kê cho biết, 6 tháng đầu năm, số người chết vì TNLĐ là 378 người (trong đó, khu vực có quan hệ lao động: 274 người, giảm 10 người tương ứng với 3,5% so với 6 tháng đầu năm 2019; khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động: 104 người, giảm 37 người tương ứng với 26,2% so với 6 tháng đầu năm 2019);
Số vụ TNLĐ chết người là 360 vụ (trong đó, khu vực có quan hệ lao động: 256 vụ, giảm 09 vụ tương ứng với 3,4% so với 6 tháng đầu năm 2019; khu vực người lao động làm việc không theo hợp động lao động: 104 vụ, giảm 29 vụ tương ứng với 21,8% so với 6 tháng đầu năm 2019).

tai nạn lao động
Hiện trường vụ TNLĐ nghiêm trọng khiến 10 người tử vong, 14 người bị thương tại Trảng Bom, Đồng Nai xảy ra hồi tháng 5/2020. Ảnh tư liệu

Số người bị thương nặng là 806 người (trong đó, khu vực có quan hệ lao động: 666 người, giảm 55 người tương ứng với 7,6% so với 6 tháng đầu năm 2019; khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động: 140 người, giảm 23 người tương ứng với 14,11% so với 6 tháng đầu năm 2019);
Cũng theo thống kê, có 1.151 nạn nhân là lao động nữ, trong đó, khu vực có quan hệ lao động là 1062 người, giảm 96 người tương ứng với 8,3% so với 6 tháng đầu năm 2019; khu vực người lao động làm việc không theo hợp động lao động là 89 người, tăng 5 người tương ứng với 5,95% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Số vụ TNLĐ có hai người bị nạn trở lên là 49 vụ (trong đó, khu vực có quan hệ lao động: 41 vụ, giảm 5 vụ tương ứng với 10,9% so với 6 tháng đầu năm 2019; khu vực người lao động làm việc không theo hợp động lao động: 8 vụ, giảm 7 vụ tương ứng với 46,7% so với 6 tháng đầu năm 2019).
Số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương cho biết: Chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương do TNLĐ xảy ra 6 tháng đầu năm là 516 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 517,530 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 49.438 ngày.
Lĩnh vực xây dựng chiếm 23,24% số vụ tai nạn chết người
Phân tích từ các biên bản điều tra tai nạn lao động chết người nhận được, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, xây dựng là lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người nhất với 23,24 số vụ tai nạn và 28,71 số người chết.
Tiếp đó là lĩnh vực dịch vụ với 12,35% tổng số vụ và 13,64% tổng số người chết; Lĩnh vực khai thác mỏ, khai thác khoáng sản chiếm 10,08% tổng số vụ và 10,2% tổng số người chết; Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 9,22% tổng số vụ và 8,93% tổng số người chết; Lĩnh vực cơ khí, luyện kim chiếm 8,11% tổng số vụ và 8,26% tổng số người chết.
Yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất là do ngã từ trên cao, rơi (với 23,81% tổng số vụ và 25,63% tổng số người chết). Ngoài ra còn do các yếu tố khác như tai nạn giao thông; đổ sập; máy, thiết bị cán, kẹp, cuốn; điện giật…

Hơn 53% số vụ TNLĐ chết người là do người sử dụng lao động

Theo Bộ LĐ-TB&XH, phân tích từ các biên bản điều tra tai nạn lao động chết người nhận được, thì nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 53,09% tổng số vụ và 57,35% tổng số người chết.
Cụ thể: Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 29,15% tổng số vụ và 32,8% tổng số người chết; Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 10,72% tổng số vụ và 10,09% tổng số người chết;
Nguyên nhân do người sử dụng lao động tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 8,84% tổng số vụ và 10,39% tổng số người chết; do thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 2,88% tổng số vụ và 2,7% tổng số người chết; do người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động chiếm 1,5% số vụ và 1,37% số người.
Bên cạnh đó, nguyên nhân do người lao động vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 15,69% tổng số số vụ và 14,96% tổng số người chết.
Còn lại 31,22% tổng số vụ tai nạn lao động và 27,69% tổng số người chết, xảy ra do các nguyên nhân khác như: tai nạn giao thông, nguyên nhân tai nạn lao động do người khác, khách quan khó tránh.

Tăng cường thanh tra doanh nghiệp có nhiều nguy cơ TNLĐ

Để chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động trong thời gian tới, Bộ LĐ- TB & XH đề nghị các Bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động. Cùng với đó, phối hợp với Bộ LĐ- TB & XH thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại;

tai nạn lao động
Theo Bộ LĐ-TB&XH, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Ảnh Hải An

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng, chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp. Tăng cường tổ chức điều tra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động;
Cùng với đó, tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề, ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động;
Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu, các doanh nghiệp tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa tai nạn lao động do ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động…

Hải An