27/10/2022 4:29:12

Việt Nam – Phần Lan hợp tác thúc đẩy nguồn nhân lực và giáo dục nghề nghiệp

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng tiếp ông Keijo Norvanto - Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam

Sáng 26/10, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội,ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng đã có buổi làm việc cùng Đại sứ Cộng hòa Phần Lan, ông Keijo Norvanto. Theo đó, hai bên đã cùng hội đàm, trao đổi nội dung liên quan đến thúc đẩy nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, đưa người lao động sang làm việc tại Phần Lan. Cùng tham dự buổi làm việc này, có các đơn vị liên quan gồm Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Vụ Hợp tác quốc tế.

Ông Keijo Norvanto – Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam bày tỏ sự gắn bó thân thiện giữa Việt Nam và Phần Lan, hai bên có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu dài, bền vững ở nhiều lĩnh vực đặc biệt là thương mại. Tuy nhiên, giữa hai nước chưa có nhiều hợp tác về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, cũng như nguồn nhân lực.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng tiếp ông Keijo Norvanto - Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng tiếp ông Keijo Norvanto – Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam.

Xuất phát từ những mong muốn trước đó trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại  Cộng hòa Phần Lan tháng 9/2021 là: Chính phủ Hà Lan tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam. Ông Keijo Norvanto khẳng định: Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp có chất lượng chính là “chìa khóa”, là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, giáo dục nghề nghiệp cũng cần thích ứng với những thách thức mới. Trong bối cảnh đó,  Phần Lan sẵn sàng hợp tác triển khai các chương trình giáo dục nghề nghiệp, đào tạo giáo viên, tăng cường cơ hội giao lưu, học hỏi giữa hai nước.

Nhằm đảm bảo toàn diện cả kiến thức, tri thức và kỹ năng nghề nghề nghiệp cho sinh viên, theo hệ thống giáo dục tại Phần Lan tạo cơ hội mở, linh hoạt cho người học, giúp người học luôn có cơ hội học tập và nâng cao kỹ năng nghề thông qua các cấp học. Theo đó, học sinh có thể chọn học tiếp chương trình THPT hoặc chương trình nghề sau khi hoàn tất chương trình trung học. Tùy theo mong muốn và định hướng phát triển mà học sinh sẽ lựa chọn học nghề phù hợp.

Chương trình nghề được đào tạo từ 2 – 3 năm, phần lớn thời lượng học thực hành, rèn kỹ năng nghề nghiệp sẽ chiếm nhiều hơn so với học kiến thức giáo dục THPT.  Từ đó, giúp các bạn có cái nhìn đúng hơn về ngành và chọn được hướng đi đúng cho bản thân.

Sau khi kết thúc chương trình đào tạo nghề, các bạn học sinh có thế học thêm chứng chỉ nghề cao hơn hoặc lấy thêm bằng nghề chuyên biệt. Từ đó, học sinh có thể chuyển thẳng lên bậc Đại học từ đào tạo nghề.

Điều đặc biệt, ở Phần Lan, khoảng một nửa số học sinh hoàn thành chọn giáo dục nghề nghiệp thay vì giáo dục THPT.

 Phần Lan là quốc gia với thế mạnh về chương trình chuyển đổi số, kinh tế xanh…  Ông Keijo Norvanto mong muốn hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đầu tư nguồn nhân lực cho nền kinh tế xanh để người lao động trau dồi kỹ năng, sử dụng công nghệ, sản xuất sản phẩm xanh, sạch, bảo vệ môi trường.

Vấn đề quan trọng được ông Keijo Norvanto đề cập đến là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề tại Việt Nam ngày càng khẳng định được chất lượng. Việc hợp tác, thúc đẩy, tạo cơ hội cho nguồn nhân lực Việt Nam sang làm việc tại Phần Lan sẽ trở nên có ý nghĩa với người lao động không chỉ cải thiện về thu nhập, mà kỹ năng nghề cũng sẽ được trau dồi, giàu kinh nghiệm sau này.

Phần Lan đang đứng trước thách thức già hoá dân số, thiếu lao động, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe… Bởi vậy, rất cần tuyển dụng lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam sang làm việc để dự phòng thiếu hụt lao động trong tương lai– ông Keijo Norvanto bày tỏ giữa hai quốc gia cần có sự phối hợp, tiến tới tổ chức Hội nghị về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong tháng 12 tới để có những chương trình hợp tác cụ thể hóa, hiện thực hóa trong tương lai gần.

Đón nhận và cảm ơn những chia sẻ của ngài Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng khẳng định: Hai nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt thông qua trao đổi đoàn cấp cao, hợp tác trên nhiều diễn đàn đa phương, giao lưu nhân dân. Phần Lan là nước có nhiều hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng đất nước ngày nay với nhiều hình thức.

Tuy hợp tác đầu tư hai nước còn khiêm tốn, song hợp tác trong các lĩnh vực như khoa học công nghệ, môi trường, năng lượng sạch được đẩy mạnh trong thời gian gần đây, phù hợp với tiềm năng và nhu cầu hai bên.

Đối với đề xuất hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Lê Tấn cho rằng, Việt Nam và Phần Lan đều coi trọng chất lượng và trình độ kỹ năng của người lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng nghề cao nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Việt Nam là nước đang phát triển với gần 100 triệu người, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,6 triệu người. Lực lượng lao động dồi dào, chất lượng lao động từng bước được nâng lên đã và đang là tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam trong quá trình phát triển.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra hai thách thức mà Việt Nam đang phải đối diện không kém Phần Lan, đó là: già hóa dân số và thiếu lao động có kỹ năng nghề cao.

Do đó, với thế mạnh về giáo dục, đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng cao của Phần Lan, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng mong muốn hai bên sớm thúc đẩy chương trình hợp tác trong lĩnh vực GDNN.

Về tổ chức Hội thảo liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng hoàn toàn thống nhất với phía Phần Lan. Nội dung dự kiến tập trung ở cấp chính sách, chia sẻ, tìm hiểu về GDNN giữa hai nước; nhu cầu, định hướng phát triển GDNN để từ đó đề xuất các cơ hội hợp tác với các hình thức phù hợp.

Liên quan đến hợp tác đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Phần Lan, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng hoan nghênh và khẳng định Việt Nam có nguồn lực lao động trẻ, năng động và đáp ứng được yêu cầu của Phần Lan, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe. Theo thống kê, trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Lao động Việt Nam luôn mang đến sự hài lòng, chinh phục được nhiều thị trường “khó tính” như Hàn Quốc, Nhật Bản và thị trường Rumani, Ba Lan, Na Uy. Bước đầu mời hợp tác về lĩnh vực y tế, điều dưỡng tại các nước này.

Kết thúc buổi hội đàm, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị hai bên cử đầu mối các đơn vị liên quan nhằm để xúc tiến, thảo luận cụ thể hơn về nội dung hợp tác trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp vào tháng 12 tới.

Bình Minh