21/03/2022 1:20:37

TP. HCM kiến nghị tăng ngân sách để lại từ 18 lên 21%

Chiều 20/3/2022, đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM về kết quả công tác năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 54/2017 của Quốc hội.

Tham dự buổi làm việc cùng đoàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên.

Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo về kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo về kinh tế – xã hội của thành phố năm 2021, hai tháng đầu năm và các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cho những tháng tiếp theo trong năm 2022; tình hình thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

UBND TP. HCM đã trình HĐND thành phố thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha (tổng diện tích dự án hơn 1.840 ha). Từ đó đã giúp TP.HCM chủ động, rút ngắn thời gian xem xét việc chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10 ha.

UBND TP.HCM cũng trình HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP.HCM với tổng mức đầu tư hơn 12.950 tỉ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP. HCM. Thành phố cũng xây dựng, trình đề án tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TP.HCM giai đoạn 2021-2025, 2026-2030. Theo đó, năm 2022 tỷ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM được điều chỉnh từ 18% lên 21%, tăng 3% so với năm 2021.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng nêu đề xuất những nhóm vấn đề lớn, quan trọng, thiết thực, cấp bách, vừa có tính chất chiến lược lâu dài, gồm:

Về Dự án đường Vành đai 3, TP HCM phối hợp với các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương và Long An khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án với tổng mức đầu tư là 75.377,86 tỉ đồng, sử dụng kết hợp nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách các địa phương (tại kỳ họp Quốc hội tháng 5-2022).

Về điều chỉnh tăng mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển TPHCM trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế; Về cơ chế TP. Thủ Đức; Kiến nghị đối với Nghị quyết số 54/2017/QH14 năm 2017 của Quốc hội; Áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất khi xác định, thẩm định, quyết định giá đất trên địa bàn TPHCM…

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, năm 2021 là năm đầy khó khăn, đại dịch COVID-19 đã gây nhiều tổn thất, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến phần lớn người lao động, doanh nghiệp thành phố. Việc triển khai một số nội dung theo Nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch. Một phần nguyên do có ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành, một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định;…

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhất trí với kiến nghị xây dựng Đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Đây không chỉ là trung tâm tiền tệ, ngân hàng, mà còn bao gồm cả thị trường vốn, dịch vụ quản lý quỹ đầu tư, tài sản và thị trường hàng hóa phái sinh.

Về kiến nghị cơ chế đặc thù cho TP. Thủ Đức, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với các đại biểu, đề nghị TPHCM nghiên cứu xây dựng nghị quyết riêng hay lồng ghép vào Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Nhấn mạnh rằng, Nghị quyết số 54/2017/QH14 đã được thực hiện 5 năm, Chủ tịch Quốc hội đồng thời đề nghị TPHCM tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, nghiên cứu đề xuất xây dựng nghị quyết mới thay thế nghị quyết này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần của TPHCM trong việc đề xuất chính sách đặc thù trong cả thu và chi ngân sách… đồng thời cho rằng, mọi cơ chế, chính sách mà lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm mục đích phục vụ, công khai, minh bạch, thỏa đáng, thì chắc chắn người dân, doanh nghiệp sẽ đồng tình, ủng hộ. Cùng với đó cần phải đánh giá tác động cho kỹ, quá trình làm thuyết phục…

Quang Trung