“Các Vụ, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, vị trí việc làm của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để nhận diện nguy cơ xảy ra tham nhũng. Từ đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát và có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời nguy cơ tham nhũng có thể xẩy ra, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị”.
Đây là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong Kế hoạch thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2021 của Tổng cục GDNN vừa được Tổng cục ban hành.
Cùng với nhiệm vụ này, Kế hoạch ban hành phụ lục danh mục 2 nhóm vị trí, đối tượng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tham nhũng. Bao gồm: Nhớm vị trí, đối tượng lãnh đạo và nhóm vị trí, đối tượng thuộc các Vụ, đơn vị.
Trong nhóm vị trí, đối tượng lãnh đạo có các vị trí như lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Tổng cục, lãnh đạo từ cấp phó trưởng phòng trở lên (đối với các đơn vị có phòng).
Trong nhóm vị trí, đối tượng thuộc các vụ, đơn vị, phụ lục nêu rõ từng vị trí cụ thể thuộc các vụ, đơn vị tiềm ẩn nguy cơ. Đơn cử như Vụ Kỹ năng nghề, các vị trí tiềm ẩn nguy cơ bao gồm: Cán bộ, công chức làm công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, thi, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, hội thi tay nghề quốc gia, khu vực ASEAN và thế giới; cán bộ, công chức làm công tác cấp, thay đổi, bổ sung, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; cấp, hủy bỏ, thu hồi thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia.
Vụ Tổ chức cán bộ, các vị trí tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng gồm: Cán bộ, công chức làm công tác tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm cán bộ, đào tạo thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, viên chức, quản lý tổ chức bộ máy và biên chế, cán bộ; cán bộ, công chức làm công tác tiếp nhận và thẩm tra hồ sơ thành lập, cho phép thành lập trường cao đẳng, chia tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên trường cao đẳng; thành lập hội đồng quản trị, công nhận hiệu trưởng trường cao đẳng tư thục…
Cùng với biện pháp nhận diện các vị trí việc làm có nguy cơ xảy ra tham nhũng để thường xuyên kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, kế hoạch cũng đề ra nhiều nhóm giải pháp khác như: Công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, đơn vị trong mua sắm, xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chật, quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng tài chính, tài sản; huy động và sử dụng các khoản đóng góp, ủng hộ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ, viện trợ…
Cùng với đó tăng cường rà soát, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong từng lĩnh vực thuộc phảm vi quản lý của cơ quan, đơn vị. Xây dựng, kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy định về những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm.
Thực hiện nghiêm chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật. Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức.
Ngoài ra, thực hiện kê khai, công khai tài sản, thu nhập, xác minh tài sản, xử lý người kê khai tài sản không trung thực theo quy định.
“100% cán bộ, công chức, viên chức của Tổng cục GDNN thuộc đối tượng kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản, thu nhập và chịu sự kiểm tra, giám sát, công bố công khai theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định 130/2020/NĐ-CP và hướng dẫn của Tổng Thanh tra Chính phủ”, Kế hoạch nêu rõ.
Theo Tổng cục GDNN, việc ban hành Kế hoạch thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2021 nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng cục đối với các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục trong việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng gắn với công tác quản lý nhà nước về GDNN. Từ đó có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các dấu hiệu, hành vi tham nhũng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực Tổng cục GDNN được giao quản lý.
Hải Yến