Tổng cục GDNN và Cục Việc làm cần phối hợp thực hiện tốt việc dự báo cung cầu lao động, không để tình trạng gặp đâu đào tạo đó. Học thật, hành thật để người lao động sống được với nghề.
Đây là một trong những nội dung được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung lưu ý Tổng cục GDNN và Cục Việc làm lưu ý tại lễ ký kết hợp tác giữa hai đơn vị.
Ngày 22/4 tại Hà Nội, Tổng cục GDNN và Cục Việc làm (trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp nhằm xây dựng thị trường lao động, giảm tỉ lệ thất nghiệp. Đây là lần đầu tiên một chương trình phối hợp chung, bài bản giưa hai đơn vị được triển khai.
Gắn GDNN với nhu cầu việc làm
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, GDNN gắn với việc làm là nhu cầu tất yếu trong thời gian tới và đây là yêu cầu bắt buộc phải đổi mới trong 5 năm tới.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược. Trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, bên cạnh nguồn nhân lực đại trà, rất chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực làm công tác quản lý.
Cùng với đó, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 đề ra nhiệm vụ nâng cao kỹ năng cho người lao động với với mục tiêu nâng tỉ lệ lao động được đào tạo lên 70-75%. Trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp phải đạt từ 30-40%. Theo Bộ trưởng, đây là tỉ lệ tương đương mặt bằng chung các nước phát triển.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chỉ tiêu đã được đặt ra, vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào. Bộ trưởng cho biết: “Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh, việc phát huy nhân tố con người, xác định con người vừa là trung tâm vừa là chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất trong việc thực hiện mục tiêu phát triển. Con người Việt Nam là nền tảng sức mạnh nội sinh để đảm bảo phát triển bền vững”.
Nhiệm vụ này đặt ra yêu cầu cho ngành LĐ-TB&XH là phải khơi dậy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN theo hướng linh hoạt và hướng mở. Phải xem GDNN đã bám sát nhu cầu cung cầu thị trường chưa? Đã đào tạo nhân lực thị trường cần chưa hay vẫn đang đào tạo theo khả năng nhà trường, để có giải pháp xử lý.
Theo Bộ trưởng, phải học thật, hành thật để người lao động sống được với nghề. Phải làm sao để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cha mẹ, người học, xã hội coi việc học nghề là tất yếu. Bộ trưởng đề nghị, Tổng cục GDNN và Cục Việc làm phải thực hiện tốt 3 nội dung chính: Tập trung xây dựng hệ thống và dự báo cung cầu lao động trong nhiệm kỳ này nhằm không để tình trạng gặp đâu đào tạo đó; Gắn chặt đào tạo với việc làm – sử dụng hiệu quả kinh phí đào tạo chuyển nghề trong Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo cho người lao động; Quyết liệt chuyển đổi số.
Phối hợp giảm tỷ lệ thất nghiệp
Theo chương trình ký kết, giai đoạn 2021 – 2025, Tổng cục GDNN và Cục Việc làm sẽ tăng cường phối hợp trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách về GDNN và việc làm nhằm củng cố, tạo dựng các giá trị mới, nâng cao vị thế và vai trò của các Bên. Đồng thời nâng cao chất lượng GNNN, việc làm và kiểm soát tốt tỷ lệ thất nghiệp trong thị trường lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của quốc gia trong tình hình mới.
Hai Bên sẽ phối hợp xây dựng, tham mưu xây dựng các chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của các bên. Xây dựng, triển khai chương trình, dự án, đề án tăng cường mối quan hệ giữa các cơ sở GDNN và các tổ chức dịch vụ việc làm. Xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các đối tượng chính sách.
Cùng với đó, phối hợp xây dựng thị trường lao động, chính sách việc làm gắn liền với GNDNN, nâng cao chất lượng dự báo cung – cầu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Hợp tác phát triển kỹ năng nghề quốc gia đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; và phối hợp trong các lĩnh vực hợp tác khác theo yêu cầu công tác giữa các bên.
Phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, 5 năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả ban đầu quan trọng trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN, và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nổi bật là đã có trên 8 triệu người được đào tạo.
Phần đa người lao động có công ăn việc làm ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp xoay quanh con số 2%, trong đó thời điểm thấp nhất là 1,98%; thời điểm cao nhất là trong năm Covid-19 với 2,48%. Dự báo của quốc tế trong năm 2021, tỉ lệ thấp nghiệp có thể là 2,7%.
“Thông qua việc ổn định công ăn việc làm, ổn định đời sống, chúng ta đã góp phần rất quan trọng trong quá trình ổn định đời sống kinh tế số, nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động, Nhân dân”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Hà Hảo