05/02/2020 10:56:07

Thầy giáo miền núi sáng tạo phần mềm từ điển Việt – M’Nông trên điện thoại Android

Thầy giáo Vật lý viết phần mềm từ điển M’Nông đã đạt một trong 5 công trình, sáng kiến xuất sắc nhất giành giải thưởng trị giá 100 triệu đồng tại Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2019.

Thầy Văn Thành Đạt- người tạo ra từ điển Việt-M’Nông

Trở về từ chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”, thầy Văn Thành Đạt (giáo viên dạy môn Vật lý, trường THPT Đắk G’long, Đắk Nông) vẫn chưa hết xúc động, vui mừng chia sẻ: Xuất phát từ nhu cầu dạy học ở vùng sâu, trải qua thời gian dài nghiên cứu tạo ra phần mềm tra cứu “Từ điển Việt – M’Nông, M’Nông – Việt trên điện thoại Android”. Bản thân rất bất ngờ với giải thưởng cao quý này. Lần đầu tiên ra Hà Nội và cũng là lần đầu thầy Đạt tham gia cuộc thi nên rất hồi hộp. Nhưng trước khi đi thi, thầy xác định giao lưu học hỏi là chính nên cố gắng chỉn chu, hoàn thiện sản phẩm và chia sẻ ngắn gọn, súc tích về ưu cũng như hạn chế của sản phẩm và niềm vui đã đến.

Thầy Đạt (đầu tiên, bên trái) nhận giải thưởng tại Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”

Sinh ra và lớn lên ở huyện Cư Jút (Đắk Nông). Năm 2009, thầy Đạt tốt nghiệp chuyên ngành Vật lý (trường Đại học Tây Nguyên) rồi về công tác tại ngôi trường vùng sâu thuộc huyện Đắk G’long tỉnh Đắk Nông. Trong quá trình giảng dạy, thầy Đạt luôn ấp ủ dự định nghiên cứu ra một sản phẩm hữu ích phục vụ việc dạy và học tại địa phương. Nhận thấy nhu cầu tìm hiểu tiếng bản địa M’Nông của học sinh, thầy cô tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Đắk Nông ngày càng nhiều song nguồn tra cứu, tham khảo lại hạn chế – chỉ là những cuốn từ điển bằng giấy hoặc phần mềm tra cứu từ điển Việt-M’Nông Offline trên máy tính cồng kềnh gây khó cho việc tìm kiếm nên năm 2017, thầy Đạt bắt tay nghiên cứu viết ra phần mềm tra cứu từ điển sử dụng trên điện thoại di động rất tiện lợi.

Từ lúc bắt tay vào thực hiện mất khoảng một năm nhưng để hoàn thiện, chỉnh chu “đứa con tinh thần” của mình, thầy Đạt mất hơn 3 năm. Sản phẩm ra đời, thầy Đạt cho học sinh, giáo viên trong trường dùng thử. Phát sinh hạn chế ở đâu, thầy tìm cách “gỡ” chỗ đó bằng cách tự học và không ngần ngại hỏi đồng nghiệp thậm chí cả học trò của mình. Vì dân chuyên Lý nên khi “lấn sân” sang lĩnh vực công nghệ, thầy Đạt gặp nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn nhất trong quá trình tạo ra phần mềm tra cứu từ điển Việt-M’Nông, M’Nông-Việt trên hệ điều hành Android chính là việc nhập các ký tự đặc biệt của tiếng M’Nông. Sau nhiều lần thử dùng các phần mềm hỗ trợ nhập liệu như Taynguyenkey (bộ gõ riêng dành cho ngôn ngữ các dân tộc Tây Nguyên), Vnkey… nhưng không được, thầy Đạt chọn cách kết hợp bộ gõ bàn phím M’Nông với phần mềm Chamkey (bộ gõ tiếng Chăm có hỗ trợ ngôn ngữ các dân tộc Tây Nguyên) và đã thành công. Hoàn thành xong công cụ nhập liệu, thầy Đạt tiếp tục hành trình sưu tầm từ ngữ M’Nông. Hằng ngày sau giờ lên mục giảng, thầy Đạt lại tìm đến giáo viên, học sinh bản địa M’Nông để ghi chép đầy đủ tỉ mẩn từ ngữ, cách dùng, cách phát âm… để có bộ ngôn ngữ chuẩn nhất.

Từ điển Việt-M’Nông được chia sẻ trên kho ứng dụng mạng

Phần mềm “Từ điển Việt – M’Nông, M’Nông – Việt trên điện thoại Android do thầy Đạt nghiên cứu cơ bản đã hoàn thành với khoảng 13 nghìn từ Việt, M’Nông. Khi tra 1 từ tiếng M’Nông, người dùng sẽ nhận được giải thích nghĩa, giải thích cách dùng và từ loại… Thời gian tới, thầy tiếp tục tìm cách cải tiến thêm phần âm thanh và hình ảnh để phần mềm tra cứu được sống động, hấp dẫn hơn.

Thầy Văn Thành Đạt cho hay, hiện phần mềm tra cứu từ điển Việt-M’Nông, M’Nông-Việt đã được chia sẻ lên kho ứng dụng mạng là để hỗ trợ cho việc dạy và học tiếng M’Nông và phục vụ cộng đồng là chính. Ai quan tâm, muốn dùng chỉ cần lên mạng tải về cài đặt vào điện thoại là dùng mà không cần trả phí. Càng nhiều người dùng, thầy Đạt càng mừng vì nó chứng tỏ phần mềm hữu ích lưu giữ được tiếng đồng bào M’Nông. Thầy hy vọng các bạn trẻ nhất là những học sinh ở vùng sâu cố gắng học tập thật giỏi và mạnh dạn nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm có ích cộng đồng, xã hội nhất là sản phẩm mang tính đặc thù phục vụ cho địa phương.

Lê Nhuận