12/03/2021 8:59:17

Tháng hành động ATVSLĐ 2021: Tập trung thanh tra các ngành nghề có nguy cơ mất an toàn cao

Hưởng ứng Tháng tháng động ATVSLĐ (ATVSLĐ) năm 2021, Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phối hơp với Sở LĐ-TB&XH cùng các sở ngành liên quan sẽ tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát ATVSLĐ. Trong đó, tập trung vào một số ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ.

Theo hướng dẫn vừa được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành, những ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ có thể kể đến như: xây dựng, khai khoáng, hóa chất, điện, hàn cắt; việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đo kiểm môi trường lao động, công tác huấn luyện về ATVSLĐ.

Cùng với hoạt động thanh kiểm tra, giám sát, sẽ chú trọng tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, tập huấn, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động; kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, kỹ năng phương pháp hoạt động của đội ngũ an toàn vệ sinh viên.

Tổ chức các hoạt động có sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động như: Tọa đàm, đối thoại về triển khai chính sách với doanh nghiệp, người lao động về ATVSLĐ; tổ chức giao lưu, thăm quan các mô hình điển hình làm tốt về ATVSLĐ; Tổ chức hội thi về ATVSLĐ, An toàn vệ sinh viên giỏi, đa dạng hóa các hình thức thi như Thi viết, thi online tìm hiểu về ATVSLĐ;

Tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Ảnh minh họa

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các hoạt động nêu trên nhằm tạo đợt cao điểm tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động và các cấp, các ngành về thực hiện công tác ATVSLĐ và phòng chống Covid-19; đồng thời đẩy mạnh các chương trình phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp, cơ sở lao động.

Trước đó, từ năm 2017, Chính phủ đã quyết định chuyển từ Tuần lễ ATVSLĐ sang Tháng hành động về ATVSLĐ nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động.

Phát biểu tại Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ nhất, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh “chúng ta không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi sức khỏe, tính mạng và sự an toàn của người lao động; phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, sức khỏe và tính mạng của người lao động”.

“Chúng ta phải xem xét công tác đảm bảo ATVSLĐ trong mọi quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh và bằng những hành động, giải pháp cụ thể trong công việc hàng ngày, trong từng ca lao động của mỗi người lao động, người quản lý sản xuất và người sử dụng lao động” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhìn lại thời gian qua, việc tổ chức Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ – phòng chống cháy nổ cùng với các hoạt động của Chương trình quốc gia về ATVSLĐ, Tháng hành động về ATVSLĐ đã và đang góp phần kiềm chế tai nạn, bệnh tật liên quan đến lao động. Nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ theo đó đã từng bước chuyển biến tích cực. Người sử dụng lao động, người lao động cũng có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ.

Hải Yến