Từ trên đỉnh A Mú Sung – nơi con sông Hồng bắt đầu hành trình vào đất Việt, không khí Tết đang len lỏi qua từng cánh rừng, từng thửa ruộng bậc thang. Ở đây, cái rét cắt da hòa cùng những cơn mưa phùn khiến cả vùng như chìm trong biển mây trắng. Nhưng sâu thẳm trong khung cảnh lạnh giá ấy, một mùa xuân đầy ấm áp đang nảy nở từ trái tim của những người lính biên phòng.
Xuân về nơi biên cương
Cách thành phố Lào Cai gần 80km về phía Tây Bắc, Đồn Biên phòng A Mú Sung nằm ở vị trí đặc biệt, nơi những cột mốc biên giới khẳng định chủ quyền đất nước. Đồn có nhiệm vụ quản lý 16,9km đường biên giới, trong đó có cột mốc số 92, nơi con sông Hồng chính thức “mang quốc tịch” Việt Nam. Cái tên A Mú Sung, nghĩa là “cây sung già”, như tượng trưng cho sự vững chãi, trường tồn của mảnh đất này qua bao thế hệ.
Vào những ngày cận Tết, khi khắp nơi rộn ràng chuẩn bị đón Xuân, thì ở nơi biên cương này các cán bộ, chiến sĩ tại đây vẫn ngày đêm thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ biên giới. Trong từng bước chân tuần tra trên những con đường mòn, họ không chỉ giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng mà còn đón nhận tình cảm gắn bó với đồng bào.
Anh Nguyễn Văn Thắng – Trung Tá, Bí thư Đảng ủy Chính trị viên Đồn Biên phòng A Mú Sung chia sẻ:”Thực hiện phương châm đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” “chúng tôi không chỉ bảo vệ đường biên, cột mốc của Tổ quốc mà còn gắn bó với bà con nơi đây như máu thịt, bám trụ, bám dân, bám địa bàn”, thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền thôn bản hướng dẫn bà con tăng gia sản xuất phát triển kinh tế, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần . Đặc biệt trong cơn bão số 3 vừa qua, bộ đội biên phòng đã xả thân trong bão lũ cứu giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai ổn định đời sống cho bà con. Anh Thắng cho biết thêm, bên cạnh giúp bà con khắc phục hậu quả sau cơn bão, anh em Đồn biên phòng A Mú Sung còn kết nối các nhà tài trợ, ủng hộ bà con những phần quà kinh phí hỗ trợ bà con sửa chữa nhà cửa cũng như giúp một số trường học cải tạo, sửa chữa sân chơi cho trẻ em trên địa bàn xã.
“Xuân biên phòng – Ấm lòng dân bản”
Tết đối với người lính, “ở lại” đồn không chỉ là mệnh lệnh mà còn là lựa chọn từ trái tim. Họ chọn ở lại biên cương để bảo vệ mùa xuân của đất nước, để đồng bào các dân tộc có thể an tâm đón Tết. Và ở lại, họ cũng tạo nên một mùa xuân đặc biệt – mùa xuân của tình quân dân keo sơn, bền chặt.
Tết đến, không khí nơi Đồn Biên phòng A Mú Sung càng thêm rộn ràng với chương trình “Xuân Biên phòng – Ấm lòng dân bản”. Năm nay, đồn đã phối hợp với chính quyền địa phương cùng các nhà hảo tâm trao hàng trăm suất quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi.
Không chỉ những phần quà vật chất, các hoạt động văn hóa như thi gói bánh chưng, kéo co, múa hát được tổ chức ngay tại đồn, tạo không khí đầm ấm, vui tươi. Anh Thắng hào hứng cho biết: “Tết ở đây không giống với thành phố, nhưng vẫn rất đặc biệt. Chúng tôi tổ chức các hoạt động như gói bánh chưng, mổ lợn cùng bà con. Không khí Tết được thắp lên từ tình cảm gắn bó quân dân”.
“Sau giao thừa, chúng tôi lại tiếp tục thay phiên làm nhiệm vụ tuần tra, đảm bảo bà con có một cái Tết an toàn, đầm ấm. Đặc biệt, tình cảm mà bà con dành cho người lính khiến họ không khỏi xúc động, có những ngày Tết, dù đường xá khó khăn, bà con vẫn mang quà lên đồn, động viên các chiến sĩ. Những món quà tuy nhỏ nhưng chan chứa nghĩa tình. Đó là động lực để chúng tôi vững tâm, tiếp tục nhiệm vụ,” anh Thắng chia sẻ thêm.
“Khó khăn lớn nhất của chiến sĩ biên phòng là nỗi nhớ gia đình mỗi dịp Tết, nhưng với những chiến sĩ áo xanh như chúng tôi, bảo vệ chủ quyền tổ quốc, bảo vệ bình yên cho bà con nơi phiên dậu của đất nước là mệnh lệnh và tình cảm thiêng liêng cao cả nhất. Dù có chút chạnh lòng, nhưng khi thấy đồng bào vui xuân trọn vẹn, chúng tôi cảm thấy mọi hy sinh đều đáng giá.”
Hơn nữa tình cảm đồng đội nơi đây chính là nguồn động viên lớn lao cho những người lính. Cán bộ, chiến sĩ chúng tôi xem nhau như một gia đình, cùng chia sẻ từng khoảnh khắc vui buồn, từng gánh nặng trong thực thi nhiệm vụ. “Đó là động lực gắn kết chúng tôi, giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn đẻ hoàn thành nhiệm vụ” Anh Thắng tâm sự.
Anh Thắng cho biết, kỷ niệm đáng nhớ trong hơn 30 năm gắn bó với biên giới đó là “ Tết đến, bà con thường lên thăm, động viên anh em chiến sĩ trong đồn. Có năm, trời lạnh buốt nhưng bà con vẫn vượt đường sá xa xôi mang gà, bánh chưng, rượu đến chia sẻ với anh em. Đó là tình cảm gắn bó rất cảm động, thể hiện sự tin yêu, tin tưởng bà con dành cho chúng tôi.” “Thế đấy. Tết ở biên cương không có pháo hoa rực rỡ, không có những bữa tiệc linh đình, nhưng có một thứ rực rỡ hơn cả đó là tình yêu quê hương, tình cảm quân dân keo sơn làm những người lính biên phòng chúng tôi luôn da diết”. Anh Thắng cười tự hào cho biết.
Chắc tay súng, bám địa bàn
Khi mùa xuân mới chạm ngõ, cũng là lúc những người lính quân hàm xanh bắt đầu ca trực dài ngày tại nơi núi rừng biên ải. Xa nhà, xa gia đình, họ vẫn lặng thầm, kiên định nơi tuyến đầu Tổ quốc. Những đôi chân rảo bước trên các cung đường tuần tra, những ánh mắt không rời khỏi từng cột mốc biên cương – tất cả đều mang trong mình một ý chí vững vàng: giữ gìn từng tấc đất quê hương để bà con được yên tâm đón xuân, để mỗi làng bản được tràn ngập niềm vui và sự bình yên.
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên giới thường xuyên, Đồn Biên phòng còn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn để tuần tra, kiểm soát, nắm chắc tình hình, giữ vững an ninh trật tự. Đặc biệt, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch trực và bảo vệ biên giới trước, trong, và sau Tết, quyết liệt đấu tranh với các loại tội phạm, buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới. Bên cạnh đó, đồn còn chú trọng tổ chức đón Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm, tạo không khí ấm áp trong đơn vị.
Diệu Linh