Đây là quan điểm trong bài viết của TS Nguyễn Tiến Lợi – nguyên Hiệu trưởng Trung cấp Kinh tế Khánh Hoà phản hồi về Toà soạn Tạp chí Nghề nghiệp & Cuộc sống, sau khi đọc bài viết “Vì sao Bộ GD&ĐT luôn cản trở và làm trái Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Chính phủ?”, đăng trên www.nghenghiepcuocsong.vn ngày 8/7. Dưới đây chúng tôi xin gửi tới bạn đọc nội dung bài viết của TS Nguyễn Tiến Lợi.
Do tâm lý sính bằng cấp và cho rằng đại học là con đường duy nhất để lập nghiệp nên phụ huynh nào cũng muốn cho con em mình vào đại học. Bên cạnh đó, việc các trường đại học mọc lên “như nấm sau mưa”, đầu vào thấp, chất lượng đầu ra thấp nên trong mười mấy năm qua tỉ lệ cử nhân thất nghiệp rất cao.
Theo số liệu mới nhất, năm 2020 có hơn 100.000 sinh viên đại học tốt nghiệp không có việc làm. Đây là một sự lãng phí lớn thời gian và tiền bạc của thanh niên và phụ huynh, gây bức xúc trong xã hội nhiều năm qua.Trong lúc đó, lực lượng lao động qua đào tạo (sơ cấp, trung cấp) có tỉ lệ thấp, cung không đủ cầu. Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” tạo nên một cơ cấu nguồn nhân lực bất hợp lí.
Trước tình hình đó, Chị thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị đã định hướng phân luồng học sinh sau trung học cơ sở “ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề”. Bước đầu thực hiện điều này rất khó khăn. Nhưng Chính phủ đã có những giải pháp khuyến khích việc học nghề (miễn học phí, cho vay…) cộng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nỗ lực của hệ thống Giáo dục nghề nghiệp mà số lượng học sinh học nghề ngày càng tăng.
Đặc biệt, chủ trương vừa học văn hóa vừa học nghề tại các trường nghề là phù hợp với học sinh có học lực trung bình trở xuống. Do đó số lượng học sinh vào học các trường nghề tăng lên. Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu “đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học nghề sơ cấp và trung cấp”. Những năm gần đây, số lượng học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề, sơ cấp nghề tăng lên. Số này có việc làm ngay và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Bức tranh về cơ cấu nguồn nhân lực của nước ta đang dần được hoàn thiện theo hướng hợp lí hơn, đẹp hơn.
Bài toán “thừa thầy, thiếu thợ” đã tìm được lời giải thỏa đáng
Cho đến nay số lượng hệ 9+ học tại các trường nghề đã đạt con số hàng triệu. Đây là điều rất đáng mừng, bởi đã bước đầu xoay chuyển nhận thức xã hội sang hướng học nghề. Đây là một xu thế tất yếu cần được duy trì và phát triển. Đây là một chủ trương đúng của Đảng và Chính phủ, là sự gặp nhau của Ý Đảng và Lòng Dân nên cần phải thực hiện tích cực và triệt để. Mọi sự cản trở việc thực hiện chủ trương này cần phải bị phê phán và dẹp bỏ.
Việc Bộ GD&ĐT vì quyền lợi cục bộ của ngành mình mà cố tình cản trở, làm trái là đi ngược lại xu thế tất yếu, là đi ngược lại lợi ích quốc gia. Đó là một việc làm hoàn toàn sai, cần phải được xử lý nghiêm minh. Cần đảm bảo quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho học sinh các trường nghề. Các em phải được học văn hóa ngay tại trường nghề là phù hợp và hiệu quả vì các lí do:
(1) Hợp pháp;
(2) Phù hợp với nguyện vọng của học sinh và phụ huynh;
(3) Trường Nghề có đội ngũ giáo viên văn hóa đạt chuẩn và cơ sở vật chất đảm bảo trong lúc đội ngũ giáo viên của các Trung tâm GDTX rất mỏng, cơ sở vật chất xuống cấp không đảm chất lượng dạy học (do ngành GD&ĐT nhà nghèo con đông, ôm không xuể!);
(4) Tiện cho học sinh trong việc học tập và đi lại;
(5) Tiện cho công tác quản lí… Theo ý kiến nhiều chuyên gia nên sáp nhập các Trung tâm GDTX cấp huyện vào các Trường Trung cấp nghề để giảm bớt đầu mối, tránh lãng phí cơ sở vật chất và đội ngũ mà lại tăng hiệu quả. Một số địa phương đã làm và cho kết quả tốt, nên nhân rộng. Nếu làm như vậy, việc giải bài toán “thừa thầy, thiếu thợ” và xây dựng cơ cấu nguồn nhân lực hợp lí sẽ càng thuận lợi.
Rất mong Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sớm quyết định để giữ nghiêm phép nước và đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho con em nhân dân.
TS Nguyễn Tiến Lợi
Nguyên Hiệu trưởng Trung cấp Kinh tế Khánh Hoà