12 năm kể từ khi Samsung nhận giấy phép đầu tư 670 triệu USD cho nhà máy điện thoại đầu tiên tại Việt Nam, đến nay vốn đầu tư của hãng công nghệ Hàn Quốc đã tăng lên 26 lần và doanh số xuất khẩu chiếm tỷ trọng trung bình 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Việt Nam.
Samsung trở thành nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn công bố 17,3 tỷ USD. Báo cáo tài chính của Samsung Electronics năm 2019 công bố doanh thu toàn cầu xấp xỉ 198 tỷ USD và lợi nhuận 23,46 tỷ USD. Trong đó tổng doanh thu của các nhà máy tại Việt Nam đóng góp gần 70 tỷ USD – tăng 3,9% so với năm 2018, chủ yếu từ hai khu sản xuất tại Bắc Ninh và Thái Nguyên tổng lợi nhuận khoảng 4,5 tỷ USD.
Hồi tháng 3/2020, Samsung công bố khởi động trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) có quy mô lớn nhất Đông Nam Á đặt tại Hà Nội. Việc đầu tư 220 triệu USD cho trung tâm này được Samsung xem là cột mốc quan trọng trong hành trình đầu tư tại Việt Nam – nơi đang là cứ điểm sản xuất lớn nhất thế giới của tập đoàn công nghệ Hàn Quốc.
Trung tâm này sẽ là nơi hiện thực hóa cam kết đóng góp vào sự phát triển khoa học kỹ thuật của Việt Nam thông qua đào tạo và nuôi dưỡng nguồn tài năng trong lĩnh vực công nghệ cao của Samsung.
Hiện hơn 130.000 lao động đang làm việc khắp các nhà máy này. Với một quy mô nhân sự khổng lồ và gia tăng nhanh như vậy, mối quan tâm lớn nhất hãng điện tử Hàn Quốc là phải có được nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Để vận hành bộ máy sản xuất khổng lồ tại Việt Nam thì Samsung luôn đề cao ý thức của người lao động và luôn khuyến khích họ làm việc dựa trên các nguyên lý và tiêu chuẩn nhân sự toàn cầu.
Ông Sung Geun Park, Phó Tổng Giám Đốc phụ trách đối ngoại của Tổ hợp Samsung Việt Nam cho rằng, thực thể có thể vượt qua khủng hoảng và gây dựng nên thành quả chính là con người. Mặc dù mỗi quốc gia mỗi doanh nghiệp theo đuổi thành quả và văn hóa khác nhau nhưng đều giống nhau ở việc coi trọng nhân tố con người.
Thực tế tại Samsung, triết lý phát triển con người là tạo dựng được một môi trường làm việc nơi các nhân tài hàng đầu thế giới có thể phát triển hết khả năng bản thân. Hệ thống giá trị của Samsung luôn dựa vào nhân tài và kĩ thuật để tạo ra sản phẩm và dịch vụ tốt nhất, đóng góp vào sự phát triển xã hội.
Việc đào tạo các chuyên gia khu vực được coi là phao cứu hộ cho Samsung trên toàn cầu.
Tính đến thời điểm này, Samsung đã đào tạo được gần 500 chuyên gia khu vực, trong đó tại Việt Nam có 125 chuyên gia khu vực đang làm việc. Tư duy linh hoạt và mức độ cởi mở văn hoá với nước sở tại là một trong những tư duy quan trọng để trở thành chuyên gia khu vực của Samsung.
Ông Sung Geun Park cho rằng, việc đào tạo, bồi dưỡng các nhân sự người Việt Nam quan trọng không kém so với đào tạo người Hàn Quốc. Thông thường các nhân sự được đào tạo khoảng 1 năm ở Hàn Quốc liên quan đến các kỹ năng mềm khác nhau. Thậm chí các nhân viên được đào tạo sáng tạo sản phẩm và hỗ trợ làm startup. Nếu sau 1 năm mà startup đó thất bại, nhân sự đó vẫn được quay trở về làm việc tại Samsung.
“Chúng tôi mong muốn họ sáng tạo nhiều để vừa đóng góp đưa ra các sản phẩm cạnh tranh mới”, ông Sung Geun Park nói.
Mặc dù thiết lấp các chương trình đào tạo trên toàn cầu, nhưng để hoà nhập với văn hoá địa phương và giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như các doanh nghiệp đối tác đáp ứng yêu cầu phát triển, Samsung phải tìm kiếm các chương trình đào tạo phù hợp.
Mới đây, Samsung Multicampus – công ty đào tạo và tư vấn nguồn nhân lực, trực thuộc tập đoàn Samsung và Học viện Doanh nhân MVV của Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự, thuộc cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Chia sẻ về lý do hợp tác, ông Sơn cho biết hai bên có chung tầm nhìn trong lĩnh vực phát triển nhân tài, cũng như việc áp dụng tiến bộ công nghệ vào đào tạo. Hiện MVV có khoảng 600 khóa học với hơn 1.000 nội dung đào tạo khác nhau, trong khi phía Samsung Multicampus phần lớn các khóa học ở dạng tiếng Hàn Quốc, chưa chắc phù hợp với con người Việt Nam và môi trường Việt Nam.
Theo baodautu.vn