Ngày 8/4/2021, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội thảo “Kết nối thông tin cung – cầu lao động, cung ứng, tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp” với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề nhằm đưa ra các giải pháp hạn chế những bất cập trong công tác lao động trên địa bàn tỉnh.
Lao động qua đào tạo tăng đáng kể
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng, triển khai thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ phát triển thị trường lao động như kết nối thông tin cung cầu lao động, đào tạo nguồn nhân lực để cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư; tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức sàn giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam, các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương, tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động …
Đến nay, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên đáng kể (tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 45% năm 2015 lên 65 % năm 2020 (trong đó lao động có bằng, chứng chỉ đào tạo từ 3 tháng trở lên là 25%). Số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế của tỉnh đến năm 2020 khoảng 880.000 nghìn người. Cơ cấu lao động giai đoạn 2016-2020 có sự dịch chuyển theo hướng tích cực từ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp.
Công tác thu thập thông tin thị trường lao động của tỉnh được triển khai từ năm 2009, đến nay đã hình thành hệ thống dữ liệu tương đối đồng bộ về thị trường lao động. Cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động được thu thập, cập nhật hàng năm là kênh thông tin giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng chính sách về lao động việc làm, đào tạo nghề; Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đối thoại chính sách, pháp luật trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Hiệu quả cung ứng, tuyển dụng cho DN chưa cao
Tuy vậy, công tác kết nối thông tin cung cầu lao động, cung ứng tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Bà Trương Thị Lộc – Giám đốc Sở LĐ-TB& XH tỉnh Quảng Nam, chủ trì Hội thảo nhận định: “Tỷ lệ kết nối thông tin cung – cầu còn thấp, hiệu quả cung ứng tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp chưa cao, thông tin thị trường lao động chưa được cập nhật thường xuyên liên tục để đáp ứng các yêu cầu nhà quản lý, doanh nghiệp.
Công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng. Các hoạt động sàn giao dịch việc làm tuy đã được Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam, các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao, nhiều doanh nghiệp chưa có kế hoạch phối hợp, hợp tác với Trung tâm dịch vụ việc làm. Một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, nhất là các doanh nghiệp ngành dệt, may, da giày khi mở rộng sản xuất không tuyển dụng được lao động”.
Còn theo ông Bùi Trần Nhân Trí – Giám đốc nhân sự THACO tại Chu Lai, cơ sở hạ tầng và thị trường lao động quyết định rất lớn đến việc đầu tư, mở rộng đầu tư của doanh nghiệp. Để làm được điều này cần đầu tư, phát triển hoạt động giao dịch việc làm theo hướng hiện đại, có hệ thống thông tin thị trường lao động, đồng bộ, thống nhất và có sự liên kết giữa các hệ thống thông tin, bao gồm: thông tin về hướng nghiệp – dạy nghề; dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm; kết nối dữ liệu chi trả bảo hiểm thất nghiệp với nhu cầu lao động; Đào tạo nhân sự có trình độ, kỹ năng phù hợp với công nghệ, ngành nghề dựa trên các khảo sát và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của Quảng Nam, đồng thời tạo môi trường và điều kiện để nhân sự phát huy hết tiềm năng, tăng năng suất lao động, từ đó góp phần tăng thu nhập cho người lao động.
“Chúng ta đã nói rất nhiều về kết nối cung cầu lao động, tuy nhiên vẫn chưa có các giải pháp tối ưu để đạt các mục tiêu là giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo việc làm tốt nhất cho người dân, đảm bảo nguồn lực về con người cho doanh nghiệp, tạo ra sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh cho địa phương” – ông Trí nhấn mạnh.
6 giải pháp
Qua các ý kiến tham luận, trao đổi của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và các địa phương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trương Thị Lộc cho rằng: Từ thực trạng công tác kết nối thông tin cung – cầu lao động, cung ứng, tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp trong thời gian qua và ý kiến từ hội thảo, Sở LĐ-TB&XH xác định một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác này trong thời gian tới, gắn với triển khai thực hiện tốt Quyết định số 591/QĐ-UBND ngày 05/3/2021 của UBND tỉnh Quàng Nam ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Trong đó, tập trung vào 6 nhóm giải pháp: Hỗ trợ phát triển cung – cầu lao động; hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung – cầu lao động; hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm; hỗ trợ kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước, phát triển các thị trường lao động đặc thù; nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động; tăng cường gắn kết giữa các cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam, các tổ chức giao dịch việc làm với các doanh nghiệp.
Giang Sơn