11/12/2022 4:45:23

“Nhiều sản phẩm Việt xuất khẩu mạnh nhưng không phải thương hiệu Việt Nam”

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết trong hội thảo “ Giải pháp chuyển đổi số và phát triển thương hiệu cho ngành trái cây Việt Nam” vừa qua được tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh, do Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp quốc (UNIDO) tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản hiệu quả, phù hợp với xu thế mới của thế giới, nhất là thời kỳ hậu Covid-19.

Hội thảo là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “ Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn và chất lượng của chuỗi giá trị xoài tại Đồng bằng Sông Cửu Long”. Dự án cũng nằm trong Chương trình Tiêu chuẩn và Chất lượng toàn cầu (GQSP) Việt Nam và là một phần trong Chương trình hợp tác Phát triển kinh tế của Chính phủ Thụy Sỹ tại Việt Nam, do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ thực hiện.

Xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới nhưng chưa có thương hiệu mạnh

Hiện nay, nông sản, thực phẩm là một trong những ngành có tiềm năng to lớn của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu, là ‘‘trụ đỡ’’ trong nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản 11 tháng đầu năm 2022 đạt 49,04 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, hạt điều, cao su, rau quả và gạo và có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn, trong đó có các thị trường yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ NN&PTNT phát biểu khai mạc hội thảo.

Đối với rau quả là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 3,55 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2020, 11 tháng đầu năm 2022 đạt 3,09 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, dù đạt tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu nhưng ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT vẫn cho rằng, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới nhưng hầu như chưa có một thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, có rất nhiều sự thay đổi sau đại dịch Covid 19, ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam chia sẻ : “Thị trường tiêu thụ lớn nhất của rau quả Việt Nam đã thay đổi. Thách thức đối với xuất khẩu rau quả là sự thay đổi của thị trường nhập khẩu rất nhanh và ngày càng khắt khe trong khi sản xuất rau quả của Việt Nam vẫn là sản xuất nhỏ với tập quán, thói quen lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao khó đáp ứng nhu cầu của người mua.”

Chuyển đổi số (CĐS) để phát triển thương hiệu trái cây

Nông nghiệp (NN) số được hiểu là việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tích hợp sản xuất nông nghiệp từ vùng canh tác, nuôi trồng đến người tiêu dùng. Những công nghệ này có thể cung cấp cho ngành NN các công cụ và thông tin để đưa ra quyết định sáng suốt hơn, cải thiện năng suất và hỗ trợ quản lý hiệu quả. CĐS NN phải là động lực mới để thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, hướng đến một nền NN tích hợp “đa giá trị”, tạo dựng sinh thái, phát triển bền vững, nông thôn hiện đại và người nông dân văn minh, làm chủ khoa học kỹ thuật.

Bà Lê Thị Thanh Thảo – Đại diện Quốc gia UNIDO Việt Nam phát biểu trong hội thảo.

Nói về điều này, bà Lê Thị Thanh Thảo – Đại diện Quốc gia UNIDO Việt Nam cho biết, sau Tuyên bố Abu Dhabi vào tháng 11/2019, UNIDO đã giới thiệu một cách tiếp cận mới để làm cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có lợi cho tất cả mọi người, dựa trên bốn trụ cột: đổi mới, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, kỹ năng kỹ thuật số, hợp tác và đối tác kỹ thuật số. UNIDO đang hướng tới việc lồng ghép chuyển đổi kỹ thuật số, đáp ứng giới, bền vững và nâng cao năng lực kỹ thuật số ở các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, cũng như ở nhiều quốc gia trên thế giới, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Nhưng tại nhiều địa phương, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những rào cản để khai thác hết tiềm năng của công nghệ kỹ thuật số. “Xây dựng thương hiệu để cạnh tranh và tăng trưởng bền vững” do UNIDO đưa ra cung cấp một cách tiếp cận tổng thể phù hợp với nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp, trong đó xây dựng thương hiệu đóng vai trò quan trọng như một công cụ tiếp thị. Xây dựng thương hiệu, như một phần trong bộ công cụ của doanh nghiệp có thể giúp tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu trong kỷ nguyên số hóa.

Điều này đạt được bằng cách cải tiến các sản phẩm và dịch vụ của mình thông qua phương tiện kỹ thuật số, ứng dụng các kênh bán hàng sáng tạo như thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ Công nghiệp 4.0.”- Bà Thảo nói thêm.

Ông Lê Minh Hùng – Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông Nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch giới thiệu 7 Quy trình thao tác chuẩn (SOP) và cách triển khai áp dụng SOP trong chuỗi giá trị vùng ĐBSCL.

Cũng tại buổi hội thảo, ông Lê Minh Hùng – Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông Nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã giới thiệu 7 Quy trình thao tác chuẩn (SOP) và cách triển khai áp dụng SOP trong chuỗi giá trị vùng ĐBSCL. Trong quá trình xây dựng SOP sẽ giúp xác định được những thiếu sót còn tồn tại, rà soát các quy định hiện hành của từng thị trường, đặc biệt đối với các thị trường lớn như : Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản về kiểm dịch thực vật, MRLs, ATVSTP; Rà soát các Quy trình thao tác chuẩn (SOP) hiện có dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của bản thân từ các đối tác (nông dân, người thu mua và cán bộ khuyến nông, thương lái) trong vùng; Thu thập các tài liệu liên quan đến SOP hiện có từ các cơ quan/ban ngành… Ông Hùng cũng đã nói về các bước SOP sẽ bao gồm các quy trình thực hành tại đồng ruộng ảnh hưởng đến chất lượng quả, các thực hành quản lý tại nhà đóng gói, quản lý bệnh hại, quản lý chuỗi lạnh, vận chuyển, logictics, các yêu cầu đối với một hệ thống truy xuất nguồn gốc…

Ngoài ra, các chuyên gia, diễn giả cũng đã giới thiệu đến các doanh nghiệp những giải pháp cụ thể trong số hóa và xây dựng thương hiệu như giải pháp số hóa trong truy xuất nguồn gốc, nhật ký đồng ruộng và trong quản lý chuỗi giá trị trái cây, đăng ký bảo hộ thương hiệu trái cây tại thị trường nước ngoài.

“Mức độ phức tạp của chuỗi giá trị toàn cầu đã tăng lên trong những năm qua, số hóa đã trở thành một lợi thế cạnh tranh quan trọng. Tuy nhiên, để làm đúng, người dân cần phải được trau dồi năng lực, các hệ thống cần được tích hợp và đặc biệt các quy trình cần phải đi vào vận hành. Dữ liệu cần được truy cập dễ dàng và chia sẻ với các bên liên quan trong chuỗi giá trị”- Bà Sibylle Bachmann – Phó trưởng Cơ quan Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam chia sẻ.

Các doanh nghiệp phát biểu ý kiến.

Nhiều ý kiến đã được đưa ra từ các doanh nghiệp về những khó khăn để tiếp cận thị trường, thay đổi quy trình để CĐS trong ngành trái cây cũng như các vấn đề xây dựng các thương hiệu Việt Nam tại nước ngoài. Trả lời các DN, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT đã nói -” sự tích hợp cơ sở dữ liệu các nguồn thông tin là cực kỳ quan trọng, ở phía Nhà nước cần sự tiết kiệm nguồn lực, ở phía DN cần sự nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm chi phí, nguồn lực tài chính và con người là hai vấn đề mấu chốt mà chúng ta cần phải vượt qua…”.

Quang cảnh hội thào

“Các thông tin gợi mở, sẽ là cơ hội để các tổ chức quốc tế, địa phương, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nhìn nhận các cơ hội, các chính sách để tận dụng thời cơ, xu hướng phát triển, đưa ra các giải pháp từ góc nhìn doanh nghiệp, thực tiễn để hoạch định các kế hoạch, giải pháp chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong ứng dụng CĐS, phát triển thương hiệu cho trái cây đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, đặc biệt góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn”- Ông Toản nói.

Uyển Nhi