Không chỉ so sánh “hàm lượng 2mg CBP/100g bột sữa tương đương hàm lượng CBP có trong 20 lít sữa tươi” được cho là lố, Hikid còn có dấu hiệu vi phạm Luật Quảng cáo khi sử dụng hình ảnh bác sỹ cũng như tự phong cho sản phẩm của mình là “số 1” mà không có tài liệu chứng minh.

Xung quanh thông tin gây rúng động về vụ việc hàng trăm nhãn sữa bột giả, kém chất lượng mới bị cơ quan chức năng phát hiện, thương hiệu sữa Hikid do Công ty TNHHXNK&TM Phương Linh (sau đây gọi tắt là Công ty Phương Linh) phân phối cũng vướng vào lùm xùm trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông về việc quảng cáo lố và có dấu hiệu vi phạm Luật Quảng cáo.
Theo đó, Hikid được Công ty Phương Linh quảng bá như một sản phẩm sữa có tác dụng giúp tăng trưởng chiều cao. Tuy nhiên, trong quảng cáo của mình, Công ty đưa ra thông tin rằng “hàm lượng 2mg CBP/100g bột sữa Hikid tương đương hàm lượng CBP có trong 20 lít sữa tươi”. Thông tin này được cho là quảng cáo lố, gây nên các thông tin lùm xùm trên mạng xã hội và truyền thông.
Trước sự việc này, ngày 14/4 Công ty Phương Linh đã có thông cáo báo chí khẳng định: “Trong thành phần sản phẩm có chứa CBP (Colostrum Basic Protein) với hàm lượng 2mg/100g sữa bột là chính xác; đồng thời thừa nhận thiết sót khi so sánh hàm lượng 2mg CBP trong 100g bột sữa tương đương hàm lượng CBP có trong 20 lít sữa tươi là thiếu sót và chưa có tài liệu quy đổi chính thức từ các cơ quan chức năng xác nhận con số cụ thể”.
Tại Thông cáo báo chí, Công ty TNHH XNK&TM Phương Linh cũng cho biết, phía công ty sẽ xác nhận và sẽ điều chỉnh lại theo hướng minh bạch hơn.
Tuy nhiên, ngoài việc so sánh “hàm lượng 2mg CBP/100g bột sữa tương đương hàm lượng CBP có trong 20 lít sữa tươi” để quảng cáo cho sản phẩm Hikid, trên trang Fanpage “Hikid Chính Hãng”, nhiều lần sản phẩm Hikid quảng cáo và khẳng định là “Số 1 về chiều cao. Bí quyết tăng hạng chiều cao, chuyên biệt dành cho trẻ Châu Á với công thức tăng trưởng thế hệ mới từ sữa non Hàn Quốc”.
Hành vi này đã vi phạm quy định tại Khoản 11, Điều 8 Luật quảng cáo 2012 của Quốc hội. Nội dung đã quy định rõ, quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.
Tại Fanpage “Hikid Chính Hãng” còn chia sẻ một bài viết có tiêu đề: Chuyên gia nói gì về sữa Hikid?”.
Nội dung bài viết nêu: “Sữa Hikid tự hào là sản phẩm dinh dưỡng được Thạc sĩ – Bác sĩ Phương Linh (Giám đốc chuyên môn phòng khám nhi khoa) và Bác sĩ Minh Trang (Chuyên khoa 1 Bệnh viện Nhi đồng HCM) khuyên dùng để giúp tăng hạng chiều cao cho bé”. Đi kèm với nối dung này là hình ảnh được cho là Thạc sĩ – Bác sĩ Phương Linh và Bác sĩ Minh Trang mặc áo blu trẳng, trên tay cầm sản phẩm Hikid.
Việc sử dụng hình ảnh, trang phục của nhân viên y tế để quảng cáo cho sản phẩm Hikid có dấu hiệu vi phạm khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Cụ thể: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
Liệt kê công dụng của từng thành phần có trong sản phẩm, gây hiểu nhầm về công dụng
Tại bài viết trên Fanpage “Hikid Chính Hãng” hay Website hikid.vn, sản phẩm Hikid cũng được quảng cáo bằng cách liệt kê công dụng của thành phần có trong sản phẩm. Điều này khiến không ít khách hàng hiểu nhầm về công dụng của sản phẩm.
Cụ thể, cụ thể, Fanpage “Hikid Chính Hãng” nêu: “Hỗ trợ tăng chiều cao tối ưu: Bộ 3 yếu tố tăng trưởng thế hệ mới từ sữa non (CBP, IGF, TGF) giúp kích thích phân bào, kéo dài sụn và xương chày. Hàm lượng Canxi hữu cơ cao (600mg/100g) kết hợp Vitamin D3K2, Arrginine, CPP giúp tối ưu chuyển hóa Canxi;
Tăng cường hệ miễn dịch: Sữa non bổ sung IgG và Lactoferrin, hỗ trợ miễn dịch, hạn chế ốm vặt khi giao mùa.
Phát triển trí não: Bổ sung DHA từ vi tảo, giúp trẻ tăng cường trí nhớ, cải thiện khả năng học tập.
Hỗ trợ tiêu hóa: Thành phần chất xơ FOS và GOS, giúp lợi khuẩn phát triển, giảm nguy cơ táo bón”.
Còn tại Website hikid.vn nêu: “Bộ 3 yếu tố tăng trưởng thế hệ mới IGF, TGF & hoạt chất CBP cô lập từ vi đạm sữa non, giúp kích thích phân bào, tăng mật độ xương nhằm tăng giới hạn phát triển xương & chiều cao;
Công thức tối ưu chuyển hóa canxi: Canxi (canxi hữu cơ và vô cơ) với hàm lượng cao lên tới 600mg/100g bột sữa cùng với các chất hỗ trợ tối ưu việc hấp thu Canxi như D3K2, Arginine, CPP giúp thúc đẩy phát triển xương;
Bộ 2 kháng thể tự nhiên: Trong sữa non IgG & Lactoferrin kết hợp với hợp chất chống oxy hoá hỗ trợ bảo vệ các tế bào (β-carotene, Nucleotide, Glutathione). Cùng với Kẽm, chất xơ FOS hỗ trợ cải thiện & bảo vệ sức khỏe tiêu hóa và hệ miễn dịch của bé;
DHA từ vi tảo tinh khiết cùng 10 vi chất phát triển não bộ giúp tăng IQ – EQ và năng lực tiếp thu (Taurine, Choline)”.
Trong khi đó, theo Thông tư số 43/2014/TT-BYT về quản lý thực phẩm chức năng của Bộ Y tế, công bố khuyến cáo về sức khỏe phải đúng bản chất của sản phẩm, chỉ công bố công dụng của thành phần cấu tạo có công dụng chính hoặc công bố công dụng hợp thành của những thành phần cấu tạo khi có bằng chứng khoa học chứng minh và không công bố công dụng theo cách liệt kê công dụng của các thành phần.
Hơn nữa, khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 cũng quy định, việc quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, là một trong những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo.
Hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử lý như thế nào?
Trao đổi với PV, thạc sĩ, luật sư Hoàng Thị Hương Giang (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, Hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Cụ thể, phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định này.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị xử phạt bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
Tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 2 lần trở lên trong thời hạn 6 tháng.
Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo. Buộc cải chính thông tin.
Luật sư Hoàng Thị Hương Giang cũng cho biết, hành vi quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ có thể bị xử lý hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt cao nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
“Điều 197. Tội quảng cáo gian dối: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”, luật sư Hoàng Thị Hương Giang nêu.
Trang Lê