Ngoài khoản đầu tư lớn cho công nghệ, việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng số được đánh giá là thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số tại các ngân hàng thương mại hiện nay.
Vấn đề này được các chuyên gia đưa ra thảo luận tại cuội hội thảo “Chuyển đổi số trong Quản trị Ngân hàng thương mại” được Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức mới đây.
Theo chia sẻ của chuyên gia Huỳnh Chí Hiếu – Giám đốc giải pháp ngành BFSI (Ngân hàng, dịch vụ tài chính và bảo hiểm), ngành BFSI đang có xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào chuyển đổi số, đặc biệt là công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning), blockchain, và điện toán đám mây. Điều này nhằm mục đích tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, cải thiện quy trình hoạt động, và đảm bảo an ninh mạng tốt hơn. Các ngân hàng và tổ chức tài chính sẽ đẩy mạnh chi tiêu vào các giải pháp FinTech và InsurTech để cải thiện khả năng cạnh tranh.
BFSI là một trong những ngành luôn đối mặt với rủi ro cao từ các cuộc tấn công mạng, do đó các tổ chức sẽ tăng cường đầu tư vào các công nghệ bảo mật tiên tiến để bảo vệ dữ liệu khách hàng. Việc hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng cũ kỹ đang trở thành ưu tiên hàng đầu.
Trước xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và là yêu cầu cấp thiết đối với ngành tài chính ngân hàng nói trên, bà Nguyễn Thị Thanh Tú – Giám đốc kinh doanh (Ngân hàng TMCP Quân Đội – SGD2) cho biết, trong quá trình chuyển đổi số tại các ngân hàng thương mại, một trong những thách thức lớn nhất là liên quan đến nguồn nhân lực.
Thực tế, ngành ngân hàng đang thếu hụt nhân lực có kỹ năng số. Cụ thế, nhân lực trong ngành ngân hàng truyền thống thường chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), blockchain, và an ninh mạng. Nhiều nhân viên trong ngành ngân hàng có thể gặp khó khăn trong việc thích ứng với các quy trình và công nghệ mới, do đã quen với các phương thức làm việc truyền thống. Điều này có thể tạo ra sự chống đối hoặc chậm trễ trong việc áp dụng các công nghệ và quy trình số hóa.Vì thế, theo bà Tú, việc đào tạo lại nhân viên để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số là một thách thức.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tú – Giám đốc kinh doanh (Ngân hàng TMCP Quân Đội – SGD2) đánh giá về những thách thức về nguồn nhân lực của ngành Ngân hàng trong tương lai
Bà Nguyễn Thị Thanh Tú cũng cho rằng, các trường cần có một khung năng lực chung giúp cho các bạn sinh viên có được năng lực số cần thiết ngay lúc còn trên ghế nhà trường. Nhân sự ngành ngân hàng trong thời đại số không chỉ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ mà còn cần có kiến thức về kĩ thuật số và năng lực về công nghệ thông tin, khả năng thích nghi và làm chủ được các tiến bộ công nghệ.
Trả lời về vấn đề trên, PGS. TS Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho biết: “Một số giải pháp trường đang triển khai trong thời gian qua và đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận như: Cải tiến chương trình đào tạo qua việc đẩy mạnh vấn đề chuyển đổi số ngay trong lý thuyết và thực hành.
Nhiều chương trình đào tạo mới được xây dựng và ban hành theo hướng hiện đại, khai phóng, liên ngành và có tính ứng dụng cao, nhằm trang bị hành trang về kỹ năng, kiến thức, trình độ và thái độ cho sinh viên với mục tiêu trở thành công dân chủ động và sáng tạo trong nền kinh tế số. Trường cũng đẩy mạnh việc thu hút các tiến sĩ, phó giáo sư hàng đầu về ngành trí tuệ nhân tạo đến giảng dạy,..”
Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng đang phối hợp chặt chẽ với nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính để xây dựng các chương trình thực tập, đào tạo gắn với thực tiễn; giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế, đồng thời tạo cơ hội cho các tổ chức tìm kiếm được nhân lực tiềm năng từ nguồn sinh viên.
Quang Trung