Các chuyên gia từ công ty Cotton Incorporated (CI), một công ty toàn cầu trong ngành nghiên cứu và quảng bá bông, cũng như các dịch vụ từ sợi đến sản phẩm hoàn chỉnh cho ngành dệt may, chia sẻ những nghiên cứu, khảo sát về thị trường bông toàn cầu.
Hội thảo “Cập nhật Thị trường Bông và Dự báo Xu hướng Tương lai” vừa diễn ra tại TP. HCM ngày 14/10/2024 do công ty Cổ phần Dệt may Bền vững (STS) tổ chức, trong bối cảnh thị trường bông biến động bất thường từ đầu năm đến nay.
Theo các chuyên gia, trong hầu hết năm 2023, giá bông dao động trong khoảng từ 75 đến 90 cent/lb. Đây là giai đoạn có phần thách thức đối với ngành dệt may do nhu cầu yếu và điều kiện kinh tế vĩ mô khó khăn. Trong giai đoạn này, cả yếu tố cung và cầu đều gửi đi những tín hiệu trái chiều, khiến giá bông biến động ngang trong khoảng này.
Ông Jon Devine, Chuyên gia kinh tế cấp cao của Cotton Incorporated
Châu Âu và Mỹ, những thị trường khổng lồ cho hàng dệt may, có tỷ lệ lạm phát đạt đỉnh vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, khi đó nhập khẩu hàng may mặc ở các thị trường này đã chậm lại, giảm xuống dưới mức trước COVID trong suốt sáu tháng. Khi COVID kết thúc, các thương hiệu đã tăng tốc đặt hàng để bổ sung hàng vào năm 2021. Lượng đặt hàng đạt đỉnh vào năm 2022, sau đó nhanh chóng giảm khi nhu cầu chưa thực sự tăng lên.
Trong thời gian này, Trung Quốc, quốc gia vừa sản xuất vừa nhập khẩu bông lớn trên thế giới, đã đối phó với các vấn đề kinh tế của riêng mình. Đến nay, Trung Quốc là nền kinh tế duy nhất trên thế giới chứng kiến giá giảm, hoặc giảm phát, kết quả của nhu cầu yếu trên toàn quốc.
Những lo ngại về nhu cầu đã đẩy giá bông xuống mức thấp nhất trong khoảng giá vào tháng 10/2023 (75 cent), cho đến khi giá bông vượt ra khỏi khoảng này vào cuối năm 2023. Năm 2024, giá bông đã có sự điều chỉnh quá mức. Giá tăng vọt lên hơn 100 cent do lo ngại về nguồn cung bị thiếu hụt, nhưng sau đó nhanh chóng điều chỉnh giảm.
Theo Ông Jud Griffin, Chuyên gia Kinh tế của Cotton Incorporated (CI), các số liệu chỉ ra rằng, chỉ bốn quốc gia đã sản xuất hơn 70% lượng bông của thế giới. Trong đó, các quốc gia xuất khẩu lớn như Mỹ, Brazil và hai quốc gia vừa sản xuất vừa tiêu dùng là Ấn Độ và Trung Quốc. Cung cầu của ngành phụ thuộc vào các quốc gia này là chính.
Nguồn cung ở Mỹ đã tăng lên khi nông dân trồng thêm khoảng 10% mẫu Anh so với năm trước.
Brazil đã tăng hơn gấp đôi sản lượng của họ trong mười năm qua. Lượng bông xuất khẩu ra khỏi Brazil cũng tăng đều. Năm ngoái, Brazil lần đầu tiên sản xuất vượt qua Mỹ và năm nay cũng có thể sẽ dẫn đầu thế giới về xuất khẩu bông một lần nữa.
Với Ấn Độ, một quốc gia hiện có thể đang chuyển từ xuất khẩu bông sang nhập khẩu nhiều hơn. Năng suất ở Ấn Độ đã giảm đều trong mười năm qua. Hiện họ thu hoạch trung bình 445 kg bông/ha. Điều này khá kém hiệu quả so với năng suất 2.000 kg mỗi ha của Úc và Trung Quốc.
Năm ngoái, Trung Quốc ước tính đã tiêu thụ 8,2 triệu tấn bông. Sản xuất trong nước không thể đáp ứng nhu cầu này, vì thế Trung Quốc nhập khẩu. Dự trữ nhà nước của Trung Quốc hiện đang nắm giữ khoảng 3,26 triệu tấn, hầu hết trong số đó là bông nhập khẩu. Do dự trữ dồi dào nên có thể việc mua mạnh mẽ trở lại vào năm 2024 – 2025 sẽ khó xảy ra.
Việt Nam cũng được dự báo sẽ tăng nhẹ nhập khẩu bông trong niên vụ này và dự kiến sẽ vẫn là nhà nhập khẩu lớn thứ ba trên thế giới. Một động lực chính cho nhu cầu sợi của Việt Nam là nhu cầu nhập khẩu sợi từ Trung Quốc. Năm ngoái, xuất khẩu sợi sang Trung Quốc tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng khối lượng vẫn thấp so với mức phổ biến trước COVID.
Banglades và Pakistan những quốc gia dự kiến cũng tăng nhẹ nhập khẩu bông thời gian tới.
Nhật Bản, theo truyền thống, là nhà nhập khẩu hàng may mặc lớn thứ ba thế giới, có những vấn đề dài hạn liên quan đến nhân khẩu học, người tiêu dùng lớn tuổi ít có khả năng chi tiêu cho quần áo hoặc các hàng hóa khác, góp phần làm tăng trưởng kinh tế chậm hơn.
Theo ông Jon Devine, Chuyên gia Kinh tế Cấp cao của Cotton Incorporated cho rằng lạm phát dường như đang được kiểm soát, lãi suất đang giảm. “Mặc dù chậm hơn những gì chúng ta có thể mong muốn, chậm hơn cũng có thể dễ dự đoán hơn và lành mạnh hơn trong dài hạn.”
Giá bông có thể chạm đáy thị trường vào mùa hè này. Giá trị đã bật lên khỏi mức thấp khoảng 65 cent/lb và có vẻ đang thiết lập một phạm vi mới. Với mức hỗ trợ có vẻ tương đối vững chắc quanh mức 65, một đường hỗ trợ mới có thể đang hình thành khoảng 70 cent/lb. Giá cũng đang phải đối mặt với ngưỡng kháng cự khoảng 75 cent/lb, do đó, nhìn chung, phạm vi 70-75 đang được thiết lập.
Tuy nhiên, giá thấp hơn không phải là vấn đề duy nhất, nó còn là chi phí đầu vào cao hơn khi chi phí năng lượng, hoá chất, lao động cao dần lên, sẽ gây ra nhiều rủi ro tài chính hơn trong môi trường giá thấp hơn – chi phí cao hơn. Giá bông cũng như nhiều mặt hàng khác chịu ảnh hưởng bởi địa chính trị, tranh chấp thương mại Mỹ Trung, COVID, suy thoái kinh tế, lạm phát, các chính sách vĩ mô…
Ông Jon Devine dự đoán Mỹ sẽ giảm trồng bông cho năm 2025 – 2026 để giúp đưa giá bông cao hơn một chút. Bên cạnh đó, tồn kho tích lũy ở các nước xuất khẩu sẽ cung cấp một nguồn dự trữ và sản xuất ổn định từ hai nhà sản xuất lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, nơi giá được đảm bảo, cũng sẽ đem đến cho thị trường sự ổn định hơn.
Chuyên gia kinh tế cao cấp của Cotton Incorporated cũng đề cập đến các ấn phẩm nghiên cứu thị trường mà CI cung cấp để các doanh nghiệp, nhà hoạch định có thể tham khảo thêm các tài nguyên miễn phí hỗ trợ cho ngành dệt may, từ thiết kế, nghiên cứu, phát triển quảng bá sản phẩm, đến phát triển bền vững trên website https://www.cottoninc.com/
Khi được hỏi về những sáng kiến của CI nhằm thúc đẩy lợi ích môi trường và bền vững trong ngành bông, bà Angela Chen, Quản lý Truyền thông Doanh nghiệp tại CI đã chia sẻ một số sáng kiến đã triển khai như: Chương trình giảm sử dụng thuốc trừ sâu và nước, tăng sản lượng sợi mà không cần mở rộng diện tích đất canh tác bông; Tính tuần hoàn của bông nhằm giảm chất thải và nâng cao tính bền vững; Tăng cường khả năng chịu hạn và chống sâu bệnh; Tính phân hủy sinh học của bông; CI hợp tác với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ hỗ trợ việc áp dụng các phương pháp thông minh với khí hậu trên một triệu mẫu đất trồng bông tại Hoa Kỳ, nhằm giảm tác động môi trường và tăng sản lượng bông; Nỗ lực của Cotton Incorporated cũng mở rộng đến giáo dục người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về các lợi ích môi trường của bông và thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm bền vững; Khảo sát về bền vững toàn cầu: Nghiên cứu của Cotton Incorporated chỉ ra rằng người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến bền vững và sẵn sàng trả giá cao hơn cho các vật liệu bền vững, thúc đẩy ngành công nghiệp theo hướng thực hành bền vững hơn.
Những sáng kiến này không chỉ góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành bông mà còn phù hợp với các giá trị của người tiêu dùng và các mục tiêu bền vững toàn cầu./.
Yến Bạch – Hải Tiến