14/05/2021 9:04:02

Kiến tạo hệ sinh thái truyền thông giáo dục nghề nghiệp

Kiến tạo hệ sinh thái truyền thông GDNN để truyền tải đầy đủ, kịp thời đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về GDNN để người dân và toàn xã hội; lan tỏa sâu rộng hình ảnh, giá trị giáo dục GDNN trong đời sống kinh tế xã hội.

Đó là mục tiêu hướng tới trong Kế hoạch truyền thông về GDNN giai đoạn 2021-2025 vừa được Bộ LĐ-TB&XH ban hành.

Mở rộng “không gian truyền thông”

Theo Bộ LĐ-TB&XH, GDNN là nội dung trọng tâm trong khâu đột phá chiến lược về phát triển nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là đối với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Việc xây dựng hệ sinh thái truyền thông nhằm truyền tải đầy đủ, kịp thời đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới người dân và toàn xã hội; lan tỏa sâu rộng hình ảnh, giá trị GDNN trong đời sống kinh tế xã hội; nâng cao nhận thức người dân, xã hội, doanh nghiệp và cải thiện hình ảnh GNNN; thu hút sự quan tâm của người dân, xã hội, doanh nghiệp góp phần mở rộng quy mô, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả GNN; tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông vào GDNN; hỗ trợ công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, lập nghiệp, khởi nghiệp.

Giai đoạn 2021-2023, Bộ LĐ-TB&XH sẽ xây dựng phát triển không gian truyền thông GNNN trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan thông tấn báo chí, hệ thống nền tảng số; không gian công cộng; các điểm văn hóa, du lịch, công viên, phương tiện giao thông công cộng… Giai đoạn 2024-2025, tiếp tục phát triển không gian truyền thông GNNN và tiến tới triển khai xây dựng, hình thành hệ sinh thái truyền thông GNNN.

6 nhóm đối tượng truyền thông

Kế hoạch Truyền thông về GDNN giai đoạn 2021-2025 nêu rõ, công tác truyền thông sẽ hướng đến các cơ sở GDNN và địa bàn cơ sở đang hoạt động.

Có 6 nhóm đối tượng truyền thông chính bao gồm: Người học tiềm năng: Học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và gia đình; lao động nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã; bộ đội xuất ngũ; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ công an, nghĩa vụ quân sự…

Người học: Học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở GDNN; sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục đại học…

Công tác truyền thông sẽ hướng đến các cơ sở GDNN, chú trọng đến các bậc phụ huynh học sinh, học sinh THCS, THPT và doanh nghiệp

Doanh nghiệp, người sử dụng lao động: Các doanh nghiệp FDI, người sử dụng lao động, doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Các cấp ủy, đảng; các cơ quan quản lý: Cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp); cơ quan quản lý nhà nước về GDNN ở Trung ương, địa phương và các cơ sở GDNN; cơ quan chủ quản của các cơ sở GDNN (các Bộ, cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, UBND các cấp ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Các tổ chức quốc tế: Các tổ chức quốc tế có hợp tác về GDNN nghiệp với Việt Nam, đang hợp tác, đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội; người dân và các đối tượng khác.

Trong đó, “tập trung chú trọng đến các bậc phụ huynh học sinh và các em học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và doanh nghiệp”, Kế hoạch nêu rõ.

Trên cơ sở các nhóm đối tượng cụ thể, sẽ tổ chức truyền thông rộng rãi bằng nhiều hình thức hoạt động, phù hợp với từng nội dung và đối tượng, đảm bảo yêu cầu thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.

Theo Kế hoạch, công tác truyền thông về GDNN giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung truyền tải các nội dung: Đổi mới, nâng cao chất lượng GNNN đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; lan tỏa các thông điệp của GNNN: Đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam; GDNN: Thực học, thực hành – Vững khởi nghiệp, sáng tương lai; Tương lai tươi sáng cùng GDNN…

Hải An