08/10/2020 2:13:49

Khánh Hòa: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Gần 5 năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 11, ngày 4/11/2016 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Nhiều mục tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nâng lên.

Những kết quả phấn khởi

Triển khai nghị quyết, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đơn vị đã cụ thể hóa thành kế hoạch hàng năm và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung. Nhờ đó, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực. Tính đến tháng 8-2020, nhân lực trong khối đảng, mặt trận và đoàn thể có 898 người làm công tác chuyên môn. Trong đó, 812 người có trình độ đại học trở lên, đạt 90,4% (mục tiêu đặt ra 90%), cao đẳng 45 người, trung cấp 29 người, sơ cấp 12 người; số người thuộc nguồn quy hoạch có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên đạt 93% (mục tiêu đề ra 80%). Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của khối đảng, mặt trận và đoàn thể có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực thực tiễn.

Đào tạo nghề cho người lao động tại Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh.

Đối với nhân lực hành chính, sự nghiệp cấp huyện trở lên có 1.701 người đạt trình độ từ đại học trở lên, đạt 97,3% (mục tiêu đề ra là 95%) và có 1.092 người có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, đạt 62,47% (mục tiêu là 60 – 70%); cán bộ, công chức cấp xã có 2.740 người đạt trình độ từ trung cấp trở lên (trong đó có 53,93% trình độ đại học trở lên), đạt 97,75% (mục tiêu là 95%) và có 1.825 người có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.

Về nhân lực trong sản xuất kinh doanh, có 494.570 người đã qua đào tạo, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp 123.148 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 247.780 người. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 165.648 người và có 78,5% đã qua đào tạo.Riêng về nhân lực huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh, các sở, ngành và 2 địa phương đã nghiên cứu đào tạo những ngành nghề phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển của từng địa phương. Nhờ đó, đến nay, cả 2 huyện có 14.322/33.748 người lao động đã qua đào tạo nghề, đạt 42,44% (mục tiêu đề ra là 40 – 45%), trong đó đào tạo từ trung cấp trở lên 3.892 người. Đặc biệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có việc làm đạt hơn 82,5%.

Lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, dự kiến nguồn vốn bố trí cho Chương trình phát triển nguồn nhân lực khoảng 300 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh chỉ chi hơn 38 tỷ đồng, tiết kiệm đáng kể kinh phí nhưng vẫn đảm bảo cơ bản được các mục tiêu phát triển nhân lực, đảm bảo về chất lượng và cơ cấu trình độ, ngành nghề phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh…

Tập trung hoàn thành các mục tiêu còn lại

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình phát triển nguồn nhân lực còn một số hạn chế cần khắc phục. Đó là, một số cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai nghị quyết còn lúng túng, chưa đồng bộ. Đối với nhân lực hành chính, sự nghiệp, việc bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh theo vị trí việc làm của viên chức gặp nhiều vướng mắc do chương trình bồi dưỡng phụ thuộc vào các bộ, ngành Trung ương. Việc phát triển nhân lực sản xuất kinh doanh chủ yếu do các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện. Vai trò hỗ trợ của Nhà nước chưa thể hiện rõ nét. Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các ngành nghề, lĩnh vực ngày càng nhiều, dẫn đến kinh phí đề nghị thực hiện cao nên gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách để thực hiện chương trình…

Doanh nghiệp tư vấn tuyển dụng lao động trong phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại Nha Trang.

Theo Ban chỉ đạo Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh, từ nay đến cuối năm 2020, các cấp, ngành, địa phương sẽ tập trung hoàn thành các mục tiêu còn lại của chương trình. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển và các nhóm ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp – chế biến, nông nghiệp, công nghệ cao.

Bên cạnh đó, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, các chương trình, dự án hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế để tăng cường đầu tư cho giáo dục.Các cấp, ngành, địa phương sẽ thực hiện rà soát kết quả đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; theo sát các chương trình bồi dưỡng được bộ quản lý chuyên ngành phê duyệt và ban hành để tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp để đạt chuẩn theo quy định.

Đồng thời, bồi dưỡng lý luận chính trị và kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức thuộc nguồn quy hoạch; vận động người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo tham gia học nghề; kết hợp đào tạo nghề giữa các cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng lao động theo đơn đặt hàng. Đối với nhân lực huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh, sẽ mở các lớp đào tạo nghề có trình độ trung cấp, cao đẳng cho người lao động theo kế hoạch, đề án của các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai trên địa bàn 2 huyện; đẩy mạnh đào tạo theo đơn đặt hàng, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề và sử dụng lao động người dân tộc thiểu số…

Theo Baokhanhhoa