Trong những năm vừa qua, chuyển đổi số quốc gia đã được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm để nâng cao chất lượng hoạt động của toàn hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu của Nhân dân về sự nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả của các thủ tục hành chính liên quan đến cuộc sống, lao động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh những thành tựu đạt được về an sinh xã hội (ASXH), vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định trong vấn đề này. Trên thực tế, vai trò, vị trí của ASXH cũng như nhận thức về ASXH của các cấp, các ngành trong kỷ nguyên số còn mang tính hình thức, cứng nhắc; các chủ trương, đường lối, chính sách, kế hoạch phát triển ASXH chưa thực sự hiệu quả. Trên cơ sở phân tích và tổng hợp từ thực tiễn các chính sách ASXH ở nước ta thời gian qua cũng như những vấn đề đặt ra, bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện chính sách ASXH ở Việt Nam trong xu thế chuyển đổi số hiện nay.
- MỞ ĐẦU
Từ nhiều năm qua, đảm bảo các vấn đề ASXH ở Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Vấn đề này được coi là mục tiêu, là động lực góp phần phát triển bền vững đất nước. Bên cạnh những kết quả đạt được về ASXH trong bối cảnh chuyển đổi số thời gian qua, vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Vai trò, vị trí của ASXH cũng như nhận thức về ASXH của các cấp, các ngành trong kỷ nguyên số còn mang tính hình thức, cứng nhắc; các chủ trương, đường lối, chính sách, kế hoạch phát triển cho ASXH chưa thực sự hiệu quả. Những khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi số lĩnh vực ASXH gặp phải như: nguồn lực con người và cơ sở vật chất, về cơ chế, về dữ liệu số hóa… Bởi vậy, việc hoàn thiện các chính sách ASXH ở Việt Nam trong xu thế chuyển đổi số hiện nay có ý nghĩa cấp bách nhằm hướng đến mục tiêu mang lại cho người dân một cuộc sống tốt đẹp, đảm bảo công bằng, tiến bộ, bình đẳng, vì sự phát triển bền vững đất nước.
- NỘI DUNG
2.1. ASXH và chí́nh sách ASXH trong xu thế chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay
ASXH là sự bảo đảm các quyền con người để con người được an bình, an toàn trong xã hội. An sinh xã hội ở hầu hết các quốc gia đều được thừa nhận là một trong những quyền cơ bản của con người.
Chính sách ASXH là một trong những chính sách xã hội cơ bản thể hiện sự phát triển bền vững của kinh tế – xã hội, bảo đảm thực hiện các quyền con người được sống trong môi trường lành mạnh, bình đẳng, hướng vào mục tiêu phát triển con người. Ở Việt Nam, trong Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Công dân có quyền được bảo đảm ASXH” (Điều 34)1. An sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và cũng phù hợp với mục tiêu phấn đấu làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh bằng những chính sách cụ thể và thiết thực. Đảng ta thường xuyên nhấn mạnh vai trò của chính sách ASXH cũng như thể hiện sự quyết tâm trong việc thực hiện các chính sách ASXH với mục tiêu hướng tới là góp phần “thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển”.2
Trong bối cảnh hiện nay, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ASXH là yêu cầu cần thiết. Trong Đề án chuyển đổi số quốc gia thì chuyển đổi số được coi là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện các khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội, tái định hình cách con người sống, làm việc và liên hệ với nhau. Chuyển đổi số quốc gia với các mục tiêu kép đó là: xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; hình thành các doanh nghiệp số có năng lực toàn cầu.
Để tiếp tục có những bước phát triển đột phá trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội đất nước, Việt Nam xác định phải chuyển đổi số quốc gia trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ASXH và hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội. Bởi đi liền với xu thế chuyển đổi số trong kỷ nguyên số, bên cạnh những ưu thế vượt trội thì cũng sẽ làm gia tăng các vấn đề như: người lao động có thể bị mất việc làm ở một số ngành, nghề; khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch phát triển trong xã hội ngày càng có xu hướng gia tăng… Do đó, hệ thống ASXH cần phải thay đổi để thích ứng với điều kiện mới.
- Việt Nam, hệ thống chính sách ASXH những năm qua đều hướng tới toàn bộ cộng đồng dân cư, nhất là giai đoạn hiện nay, trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, vấn đề này lại càng được quan tâm và coi trọng. Một số chính sách ASXH được coi là các trụ cột chính của ASXH ở Việt Nam hiện nay như: các chính sách về BHXH, BHYT, BHTN; chính sách về xóa đói giảm nghèo; trợ cấp cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; các chính sách về y tế, giáo dục… Bằng những nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta, của cộng đồng, của các tổ chức, chúng ta đã đạt được những kết quả, thành tựu quan trọng với các chính sách ASXH liên quan đến các đối tượng khác nhau trong xã hội. Đảng và Nhà nước ta cũng luôn đặt quyết tâm phát triển và ngày càng hoàn thiện hơn hệ thống chính sách ASXH, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của con người để không ai bị bỏ lại phía sau và phù hợp với trình độ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
2.2. Chí́nh sách ASXH trong xu thế chuyển đổi số ở Việt Nam và một số vấn đề đặt ra
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song các chính sách về ASXH ở Việt Nam đã giúp người dân giải quyết, tháo gỡ được nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Các chính sách ASXH nước ta luôn khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng, hướng tới mục tiêu bảo đảm ASXH và nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả người dân. Các vấn đề như coi con người là trung tâm của sự phát triển, vấn đề xóa đói, giảm nghèo bền vững; BHXH; việc làm… đều nằm trong các nội dung của chính sách ASXH ở nước ta. Đặc biệt, trước những biến động lớn về kinh tế trong nước và cũng như quốc tế và sau những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 (Trong đại dịch Covid-19, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24/4/2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng). Với sự nỗ lực của Nhà nước, luôn ưu tiên bố trí, bảo đảm nguồn hỗ trợ của Nhà nước kịp thời và đúng người, đúng đối tượng, hiệu quả, đặc biệt không để thất thoát, lãng phí.
Ngoài những kết quả đạt được ở trên, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, việc thực hiện các chính sách ASXH cũng luôn gắn liền với mục tiêu xây dựng Chính phủ số, đã góp phần nâng cao năng lực của Chính phủ trong việc cung cấp dịch vụ xã hội và trao quyền cho người dân trong việc tiếp nhận các dịch vụ đó. Cơ quan quản lý nhà nước cũng có thể thực hiện giám sát, giúp đỡ người dân trong việc đăng ký, cũng như hoàn thiện hồ sơ liên quan đến giải quyết các chế độ, chính sách ASXH chính xác, kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả. Bên cạnh đó, việc ưng dung nên tảng số, công nghệ số để thúc đẩy dịch vụ công cũng được đặc biệt quan tâm, đầu tư. Một trong những minh chứng cho vấn đề này là ngành BHXH Việt Nam thời gian qua luôn quyết tâm đáp ứng yêu cầu đảm bảo ASXH quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp toàn diện. Ngành BHXH đã triển khai ứng dụng “VssID” trên điện thoại thông minh; thông qua ứng dụng, người dân có thể theo dõi được việc đóng bảo hiểm cũng như việc đóng phí bảo hiểm ở bất cứ đâu và bất kỳ lúc nào. Bên cạnh đó, việc triển khai các dịch vụ thanh toán trực tuyến cũng được áp dụng trong nhiều lĩnh vực rất thuận tiện, nhanh chóng và dễ tiếp cận cho mọi đối tượng. Điều này cho thấy rằng, công nghệ số đã giúp cải thiện chất lượng cung cấp các dịch vụ xã hội hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đó, trong quá trình thực hiện các chính sách ASXH ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế. Điều này cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện các chính sách ASXH. Nhiều chính sách chưa được triển khai một cách đồng bộ; việc phân bổ các nguồn lực hỗ trợ cho các đối tượng chính sách còn chậm trễ, chưa kịp thời; thủ tục hành chính còn rườm rà…, hậu quả không thể kịp thời bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các chính sách. Việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực ASXH cũng gặp phải một số rào cản như: mặc dù đã bước đầu ứng dụng công nghệ số vào trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội nhưng lại gặp phải những bất cập về cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, làm cho công tác tổ chức thực hiện chính sách về ASXH ở một số địa phương còn yếu; nguồn lực và các biện pháp bảo vệ, bảo trợ của hệ thống ASXH còn hạn chế. Mặt khác, đội ngũ cán bộ làm công tác ASXH số lượng vốn dĩ còn ít, trình độ chuyên môn đôi khi chưa đáp ứng được cũng như chưa đủ sức trước những yêu cầu đặt ra trong quá trình chuyển đổi số để hỗ trợ kịp thời cho người dân. Bên cạnh đó là những rào cản về thói quen của cán bộ, người dân khi sử dụng những dịch vụ gắn với số hóa… Về cơ bản, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ASXH đối diện với những thách thức về chi phí, nguồn lực, hạ tầng, nguồn nhân lực triển khai, các vấn đề liên quan đến bảo mật dữ liệu… Những thách thức như trên đòi hỏi cấp thiết phải hoàn thiện hệ thống chính sách ASXH, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
2.3. Một số giải pháp góp phần hoàn thiện chí́nh sách ASXH trong xu thế chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay
Để hoàn thiện chính sách ASXH ở nước ta trong xu thế chuyển đổi số hiện nay, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý nhà nước trong việc cung ứng và huy động nguồn lực cho ASXH. Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải xây dựng, hiện thực hóa mục tiêu của các chính sách ASXH. Để làm được điều này thì cần tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về ASXH thành cơ chế, chính sách, luật pháp, đảm bảo phân bổ ngân sách nhà nước hiệu quả cho ASXH, tạo cơ hội cho các tầng lớp nhân dân được thụ hưởng tính ưu việt của ASXH, dù là ở đâu, khi nào, trong bối cảnh nào. Đặc biệt, trong xu thế chuyển đổi số, để vượt qua được những thách thức phải đối diện, không chỉ thông qua cơ chế quản lý của nhà nước mà ngay tại các cơ quan cũng cần phải phát huy vai trò cũng như sự quyết tâm cao của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc tiên phong thực hiện các chính sách ASXH gắn với chuyển đổi số.
Thứ hai, cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, cụ thể hóa, tiếp tục số hóa, cập nhất và hoàn thiện dữ liệu để khắc phục những bất cập trong các chính sách ASXH hiện hành như: chính sách BHXH, chính sách BHYT, chính sách trợ giúp xã hội và ưu đãi xã hội… Trong quá trình đổi mới và hoàn thiện chính sách ASXH cần tiếp tục theo hướng đa tầng để không bất cứ ai bị bỏ lại phía sau. Việc số hóa cũng cần có lộ trình, thời gian để thay đổi được thói quen của cán bộ và người dân. Việc áp dụng số hóa cần xem xét kỹ các đối tượng phù hợp, thuận tiện, ai cũng có thể sử dụng được, đặc biệt là những người dân hạn chế và khó khăn trong tiếp cận công nghệ thông tin. Điều này cũng đã được thể hiện rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khi đề cập khá cụ thể đến hệ thống các chính sách ASXH.
Hai giải pháp này đều thể hiện rõ việc tăng cường vai trò của Nhà nước, người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống các chính sách ASXH. Nhà nước là một chủ thể quan trọng, cung cấp nguồn lực vật chất cũng như chủ trì nghiên cứu chính sách để triển khai trong thực tiễn; đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực ASXH thành chương trình hành động của tất cả các Bộ, ngành, địa phương một cách thực chất, hiệu quả. Ở Việt Nam, những năm qua, một số nghị định, nghị quyết, chiến lược được ban hành cũng góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh, hoàn thiện chính sách ASXH như: Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách BHXH; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021; Nghị định số 108/2021/NĐ-CP ngày 07/12/2021 của Chính phủ cũng thể hiện rất rõ những vấn đề về ASXH, phúc lợi xã hội cho người dân; còn người đứng đầu thể hiện sự quyết tâm hành động bằng các chính sách và việc làm cụ thể.
Thứ ba, cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số trong tổ chức triển khai, phát triển hệ thống các chính sách ASXH; ứng dụng các công nghệ mới như: quan trắc, sinh trắc, căn cước công dân kỹ thuật số; chi trả, đóng nộp, thụ hưởng với sự hỗ trợ của các công cụ công nghệ thông tin, các phần mềm quản lý dữ liệu và chia sẻ dữ liệu, tiến tới xây dựng mã số định danh an sinh xã hội… Chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà chuyển đổi số mang lại, tạo sự thống nhất và thuận lợi trong việc quản lý cũng như hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng của chính sách thông qua việc cung cấp dịch vụ công trên nhiều nền tảng và bằng nhiều hình thức.
Để thực hiện được giải pháp trên, trước hết cũng cần có sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành, lãnh đạo của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là của người đứng đầu để làm sao bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức, thói quen cán bộ, người dân… thành hành động và kết quả cụ thể. Xây dựng và giao các chỉ tiêu cụ thể gắn với lộ trình thực hiện, kết hợp tăng cường giám sát, kiểm tra thường xuyên trong quá trình tổ chức thực hiện. Ngoài ra, cũng cần phải có sự đầu tư về nguồn lực tài chính, con người, cơ sở vật chất… để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số hóa ASXH từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là đối với các cấp chưa có đầy đủ các cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ cần thiết để phục vụ cho số hóa hệ thống ASXH như cấp xã, cấp huyện, những địa phương còn khó khăn và không đủ điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin hiện đại… Đồng thời, cần phải có sự đồng bộ trong hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, phần mềm, cơ sở dữ liệu và nguồn nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nhu cầu sử dụng của người dân… góp phần đáp ứng yêu cầu đảm bảo ASXH quốc gia, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn.
- KẾT LUẬN
Có thể thấy rằng, việc hoàn thiện các chính sách ASXH trong bối cảnh chuyển đổi số là hết sức cần thiết. Dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng; hệ thống chính sách ASXH cần phải thay đổi để thích ứng với các điều kiện mới, tạo điều kiện cho thực thi các chính sách hiệu quả, đồng bộ, mạnh mẽ, rộng khắp, mặc dù trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ cũng như các nguồn lực cho thực hiện chính sách còn nhiều hạn chế. Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách ASXH trong kỷ nguyên số góp phần tạo ra mạng lưới ASXH đa dạng, phong phú, sát với thực tiễn, bao phủ toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận và thụ hưởng các chính sách.
Phương Minh