10/01/2020 4:00:11

Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề CTXH: “Nhân tố quan trọng trong tham mưu chính sách giáo dục nghề nghiệp”

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân đã đánh giá rất cao vai trò của Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hiệp hội năm 2019 cũng như trong suốt 10 năm hoạt động.

Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Hằng phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị Ban chấp hành mở rộng của Hiệp hội, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, ngoài tham mưu, tư vấn hoàn thiện Luật GDNN, Luật Giáo dục sửa đổi, Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam còn tham gia rất sâu vào rất nhiều hoạt động chuyên môn như: xây dựng các định mức, tham gia vào các kỳ thi, định hướng các hoạt động hợp tác với trường nghề, doanh nghiệp cũng như phát triển rất nhiều ngành nghề mới trong những lĩnh vực mà xã hội đang rất cần như chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc sức khỏe. Hiệp hội cũng đóng vai trò quan trọng trong định hướng tiếp cận GDNN mở, đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng, cung ứng nhân lực nhanh cho thị trường lao động.

“Hiệp hội cũng làm rất tốt vai trò đẩy mạnh, kết nối truyền thông về GDNN. Bộ luôn luôn đánh giá rất cao vai trò của Hiệp hội, đồng thời hợp tác, phối hợp rất chặt chẽ với Hiệp hội kể cả về mặt con người, nhân lực, vật lực cũng như sử dụng rất tốt các kết quả mà Hiệp hội đã đạt được” – Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh.

Chia sẻ về công tác GDNN, Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Thị Hằng cho rằng, GDNN trải qua rất nhiều giai đoạn lịch sử, có lúc rất trầm kha, khó khăn nhưng hiện tại Việt Nam đang ở giai đoạn vàng về khởi nghiệp và phát triển nguồn nhân lực khi nguồn nhân lực trẻ được đào tạo. Hiến pháp, Luật Giáo dục, Bộ Luật Lao động sửa đổi đã có hẳn 1 chương về GDNN.

Mới đây nhất, khi Diễn đàn quốc gia về nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ cho thấy GDNN đã chiếm vai trò quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia”.

“Với vai trò của Hiệp hội, có hội viên là DN nhà nước, DN tư nhân, là các cơ sở GDNN, Hiệp hội sẽ cố gắng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan quản lý nhà nước về hoàn thiện cơ chế chính sách GDNN; đồng thời kết nối các cơ sở GDNN với doanh nghiệp, kết nối các cơ quan truyền thông để cùng với các cơ quan quản lý nhà nước nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” – Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Thị Hằng chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam Phan Chính Thức báo cáo kết quả hoạt động năm 2019 và kế hoạch năm 2020 của Hiệp hội.

Nói về hoạt động năm 2019, Phó chủ tịch Hiệp hội Phan Chính Thức cho biết, kết quả nổi bật là Hiệp hội đã tích cực, chủ động triển khai nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực, bao quát nhiều lĩnh vực của ngành, nhất là tham gia xây dựng, tư vấn và phản biện văn bản pháp luật, cơ chế chính sách về các lĩnh vực GDNN, CTXH, việc làm… góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và thực hiện các nhiệm vụ công tác của ngành LĐ – TB&XH.

Cụ thể như việc góp ý sửa đổi Luật Giáo dục, Bộ Luật Lao động, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN, Nghị định về cơ chế tự chủ của các cơ sở GDNN công lập…

Hoạt động của Hiệp hội đã hướng nhiều hơn tới cơ sở, đồng hành cùng cơ sở trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, nhiệm vụ của ngành (như xây dựng hệ thống GDNN mở, linh hoạt; nâng cao nhận thức và hiểu biết  về pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động…).

Vận động hội viên tiếp cận triển khai đào tạo theo hướng đa dạng, mở, linh hoạt, liên kết với doanh nghiệp, tư vấn, hướng nghiệp…góp phần tăng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, tăng cơ hội có việc làm cho HS-SV sau tốt nghiệp.

Phối hợp với “Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” – GIZ  tổ chức biên soạn cuốn sách về Hệ thống Giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt và liên thông và tổ chức 3 lớp tập huấn tại Nam Định, TP. Hồ Chí Minh và Vĩnh Long về chủ đề trên cho 58 cơ sở GDNN với hơn 100 học viên. Phối hợp với Cục Việc làm tổ chức 05 hội thảo “Tăng cường hợp tác kết nối các cơ sở GDNN với Trung tâm Dịch vụ việc làm và doanh nghiệp” nhằm củng cố và tăng cường hiệu quả hợp tác giữa hai tổ chức này và với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động.

Xây dựng Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn (16 lớp – 515 học viên) và bồi dưỡng kiến thức kinh doanh, và khởi sự doanh nghiệp cho giáo viên (20 lớp – 400  học viên) tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn và bồi dưỡng Kỹ năng dạy học cho kỹ thuật viên các cơ sở làm đẹp năm 2019.

Quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước của Hiệp hội thực chất và hiệu quả hơn. Nổi bật như phối hợp với GIZ tổ chức tập huấn về triển khai GDNN mở – linh hoạt và biên soạn sách “GDNN mở, linh hoạt, liên thông”; phối hợp với Tập đoàn thẩm mỹ tóc ONO của Nhật Bản tổ chức hội thảo “Xu hướng ngành tóc và kinh nghiệm Nhật Bản”; phối hợp với GECS (Thái Lan) tổ chức Triển lãm Inter Beauty Vietnam…

Đồng tình và đánh giá cao vai trò của Hiệp hội trong kết nối các hội viên, giữa hội viên là cơ sở GDNN với doanh nghiệp cũng như trong công tác tham mưu, tư vấn chính sách, tuy nhiên Chủ tịch Hội GDNN Thanh Hóa cho rằng, trong năm 2020 và các năm tới Hiệp hội cần phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN và các hội viên phát huy hơn nữa công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, truyền thông tôn vinh các điển hình trong lĩnh vực GDNN để thay đổi nhận thức về học nghề.

“Có một thực tế là cầu thủ bóng đá ghi 1 bàn thắng đẹp thì được truyền thông cả nước tung hô nhưng sinh viên trường nghề đạt giải cao tại các kỳ thi tay nghề thế giới, góp phần khẳng định chất lượng lao động quốc gia với thế giới lại không được mấy ai nhắc đến. Vậy làm sao quảng bá được công tác GDNN?” – Chủ tịch Hội GDNN Thanh Hóa trăn trở.

Cũng từ góc độ hội viên của Hiệp hội, ông Nguyễn Phan Hòa – Phó Chủ tịch Hội GDNN thành phố Hồ Chí Minh cũng đánh giá cao vai trò, kết quả hoạt động của Hiệp hội trong năm 2019; đồng thời kiến nghị Hiệp hội trong năm 2020 tiếp tục đẩy mạnh vấn đề liên kết giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp.

“Năm 2019, Hiệp hội đã tổ chức rất nhiều hội thảo về vấn đề này nhưng nếu chỉ dừng ở hội thảo là chưa đủ, cần có thêm những hoạt động hoặc nghiên cứu các cơ chế hợp tác cụ thể hơn để hoạt động này đi vào thực chất”, ông Hòa kiến nghị.

Nói về định hướng nhiệm vụ năm 2020, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phan Chính Thức cho biết, Hiệp hội sẽ ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, hội viên để tiếp tục nghiên cứu, định hướng hoạt động ngày càng sát với thực tiễn và hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ của hội.

Năm 2020 Hiệp hội sẽ vận động hội viên tiếp tục tham gia tư vấn, đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật như: Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN; Chiến lược phát triển GDNN đến năm 2030; các giải pháp nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Phối hợp với Tổng cục GDNN, GIZ, Cục Việc làm…tổ chức các hội thảo, lớp tập huấn về khai thác tài nguyên GDNN mở – linh hoạt, liên thông, tăng cường kết nối với doanh nghiệp. Tiếp tục các đề tài nghiên cứu khoa học như “Nghiên cứu các mô hình GDNN trong các doanh nghiệp”; tổ chức nghiên cứu các bộ tiêu chuẩn nghề làm đẹp cho một số chuyên ngành…

Trong công tác truyền thông, phát huy và nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, vận động học nghề, việc làm bền vững, đồng thời thực hiện chuyên sâu về GDNN, việc làm, an toàn lao động, an sinh xã hội trên các ấn phẩm truyền thông; tập trung vận động hội viên thay đổi cách thức đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông để phù hợp với cuộc CMCN 4.0.

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Quân:

4 vấn đề GDNN cần bứt phá năm 2020

Có 4 định hướng chính, cũng là những vấn đề rất nặng mà Bộ LĐ-TB&XH còn trăn trở trong lĩnh vực GDNN cần phải tiếp tục có những bứt phá, giải quyết trong năm 2020 và những năm tới.

Thứ nhất là phải khơi thông được vấn đề hợp tác với doanh nghiệp (DN), khơi vai trò của doanh nghiệp không chỉ là người sử dụng mà phải là người đi đầu, là tinh hoa trong vấn đề đào tạo, đào tạo lại.

Ngân sách nhà nước, nguồn thu học phí dạy nghề cũng hạn chế nên nguồn lực lớn nhất của GDNN cả về công nghệ kỹ thuật, chất xám cho đến tài chính, trang thiết bị phải nhờ DN. Bộ rất cần Hiệp hội phối hợp trong công tác truyền thông để DN hiểu rõ hơn, tham gia nhiều hơn. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Hiệp ước xã hội về hợp tác giữa DN và trường nghề, Bộ đã giao cho Tổng cục GDNN dự thảo mẫu và cũng đặt hàng luôn Hiệp hội trong tháng 1/2020 có thể trình lên lãnh đạo Bộ một dự thảo Hợp đồng hợp tác mẫu, quy định tất cả các nội dung có thể hợp tác, tất cả các quyền lợi, quyền hạn có thể có được và trách nhiệm cần có của DN, nhà trường, ngành LĐ-TB&XH và của các hiệp hội trong liên kết đào tạo.

Hợp đồng sẽ được gửi đi lấy ý kiến của các DN, nhà trường và các cơ quan liên quan để ra được bản mẫu hoàn chỉnh các hạng mục hợp tác, điều khoản liên quan. Hợp đồng mẫu sẽ giúp các trường bớt lúng túng khi ký kết các hợp đồng với DN. Hiện nhiều hợp đồng hợp tác vẫn mang tính chất hô hào khẩu hiệu nhiều hơn là thực chất.

Thứ hai, cũng đang là thách thức trong 5 năm tới đó là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo hiện vẫn còn cách xa so với yêu cầu; rồi vấn đề nhiệm vụ của thầy cô: hiện có những giảng viên phải làm cả công việc tuyển sinh, kết nối doanh nghiệp…, trong khi thu nhập dạy nghề đang rất thấp, làm sao thu hút người giỏi. Trong khi nếu kết nối tốt với DN, mà vai trò của Hiệp hội rất lớn, hoàn toàn có thể có được những người là chuyên gia của DN, vừa tham gia sản xuất vừa làm giảng viên.

Vấn đề thứ 3 là cơ chế tự chủ. Phải so sánh toàn bộ cơ chế tự chủ của giáo dục đại học với GDNN để trình Thủ tướng sửa đổi Nghị định 143 và sửa đổi những nghị định cần thiết để đảm bảo quyền tự chủ của cơ sở GDNN, nếu không tháo được tự chủ sẽ không tháo được cơ chế huy động nguồn lực.

Thứ tư là vấn đề kiểm định chất lượng GDNN. Vai trò của Hiệp hội trong vấn đề nay cũng rất quan trọng, nhưng không phải là hành lập 1 trung tâm kiểm định trực thuộc để đi kiểm định mà là tham gia vào giám sát, đánh giá và đảm bảo giúp Bộ đảm bảo chất lượng công tác kiểm định vì kiểm định chất lượng còn không chuẩn làm sao công tác khác chuẩn được trong khi chất lượng là yếu tố sống còn để phát triển GDNN.

Bộ cũng đã và sẽ siết chặt việc thành lập trung tâm kiểm định cũng như phải hậu thanh tra 100% sau kiểm định. Thế nên 2019 chỉ có 2 trung tâm kiểm định được thành lập mới, chỉ cần sai giấy tờ của 1 chuyên gia thôi Bộ cũng trả lại cả bộ hồ sơ. Tuy nhiên, Bộ cũng vào cuộc để mở ra thị trường kiểm định, không phải là kiểm định tự nguyện mà kiểm định phải là bắt buộc đối với những cơ sở cần được đầu tư. Rất mong Hiệp hội sẽ đưa vấn đề này vào kế hoạch hành động để đồng hành cùng Bộ trong năm 2020.

PLong