Theo báo cáo toàn cảnh lao động 2022 của ManpowerGroup, sau dịch COVID-19, có tới 49% người lao động cho biết muốn thay đổi công việc để có phúc lợi tốt hơn, linh hoạt hơn về thời gian và địa điểm làm việc.
Cũng theo báo cáo này, ba yếu tố linh hoạt được người lao động ưu tiên hàng đầu gồm: mong muốn được lựa chọn thời gian bắt đầu/kết thúc ngày làm việc, có nhiều ngày nghỉ hơn và chọn nơi làm việc.
![]() |
Kết quả khảo sát của Manpower về những mong muốn của người lao động. |
Đáng chú ý, nghiên cứu của ManpowerGroup cho thấy, sau đại dịch tỷ lệ nữ rời bỏ lực lượng lao động hiện ở mức báo động. Theo đó, cũng có tới 49% lao động nữ cho biết kém lạc quan về triển vọng nghề nghiệp của mình so với trước khi COVID-19 xuất hiện.
Thêm một điểm quan ngại, có 57% lao động cho biết dự định rời bỏ công việc đang làm trong hai năm tới.
Kết quả trên cũng tương tự khảo sát được bà Nguyễn Tâm Thanh, Giám đốc nhân sự vùng Cargill Việt Nam và Thái Lan cho biết tại sự kiện, khi có tới 54% người lao động đang có tâm lý muốn nghỉ công ty mình đang theo làm.
Theo bà Thanh, chuyển việc đang là tâm lý chung của người lao động trên toàn cầu sau dịch COVID-19. Tại Thái Lan, khảo sát cho thấy tâm lý này xuất hiện trong hơn 60% người lao động.
“Khi đại dịch xảy ra, suy nghĩ người ta thay đổi. Họ thấy cuộc đời quá ngắn ngủi, thấy người thân lần lượt ra đi và xuất hiện tâm lý nghĩ xa quá làm gì cho mệt. Điều này dẫn đến tinh thần thị trường bây giờ cũng đã thay đổi”, bà Thanh nói.
![]() |
CHÌA KHÓA ĐỂ THU HÚT VÀ GẮN KẾT NGƯỜI LAO ĐỘNG
Trước thực tế này, để giữ chân lao động và đảm bảo nhân sự sau dịch, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc tuyển dụng cấp cao và tư vấn nhân sự của ManpowerGroup Việt Nam khuyến nghị chủ doanh nghiệp phải nghiêm cứu để xây dựng được mức lương cạnh tranh, đảm bảo môi trường làm việc tốt và chăm sóc sức khỏe người lao động trong dài hạn.
Theo nghiên cứu của ManpowerGroup, để gia tăng sức khỏe Thể chất & Tinh thần cho nhân viên, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu và ứng dụng mô hình 3T, trong đó 3 cột trụ là: Tài chính, Tinh thần và Thể chất.
Đầu tiên là Tài chính: Lương thưởng cần cạnh tranh dựa trên hiệu suất lao động. Đây là điều cơ bản giúp người lao động yên tâm công tác.
Thứ 2 là Tinh thần: Doanh nghiệp cần xây dựng môi trường làm việc công bằng, thân thiện, sáng tạo, khuyến khích nhân viên phát huy tối đa tiềm năng của bản thân, tự hào khi được sát cánh với những lãnh đạo tận tâm, tự tin đồng hành cùng tổ chức lâu dài.
Thứ 3 là Thể chất: Theo đó, mỗi nhân viên sẽ là1 đại sứ cho lối sống lành mạnh, khuyến khích, tăng cường các hoạt động thể dục thể thao ngay chính tại môi trường làm việc.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia, các công ty có thể tính đến phương án sử dụng lao động thời vụ, khoán việc. Dịch vụ này giúp chủ doanh nghiệp chủ động, linh hoạt về kế hoạch nhân sự, phù hợp yêu cầu kinh doanh thay đổi liên tục. Điều này cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được khoản lớn chi phí thường có, ít nhất 30%, khi sử dụng lao động cố định.
Sáng ngày 15/06, tại văn phòng trụ sở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), ông Simon Matthews – Giám đốc khu vực, ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông cùng ông Andree Mangels – Tổng Giám Đốc ManpowerGroup Việt Nam đã có buổi thăm hỏi và làm việc với Thứ trưởng Lê Văn Thanh. Phát biểu tại tại buổi viếng thăm, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao kết quả hợp tác giữa ManpowerGroup Việt Nam và Bộ LĐTBXH trong hơn 14 năm qua, với sự đồng hành cùng Bộ LĐTB&XH và các cơ quan trực thuộc Bộ như Cục Việc Làm, Cục Quan hệ Lao động & Tiền lương, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Vụ hợp tác Quốc tế, Viện Khoa học Lao Động và Xã hội… Tại cuộc gặp, lãnh đạo cấp cao của ManpowerGroup đã trình bày cùng Thứ trưởng Lê Văn Thanh về những kế hoạch triển khai các hoạt động hợp tác với các đơn vị trực thuộc Bộ LĐTBXH trong năm nay, thuộc khuôn khổ Biên bản Ghi nhớ hợp tác lần thứ 5 giữa ManpowerGroup Việt Nam và Bộ LĐTB&XH được ký kết vào tháng 11 năm 2021. Bên cạnh những hoạt động trên các lĩnh vực về dự thảo sửa đổi Luật Việc làm, khảo sát dự báo thông tin thị trường, các dự án liên quan đến nhóm lao động yếu thế, ManpowerGroup Việt Nam còn mong muốn triển khai chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng phỏng vấn giới thiệu việc làm cho cán bộ nhân viên tại các Trung tâm Giới thiệu Việc làm địa phương trong năm 2022 và những năm tiếp theo. |
Tuấn Việt