15/06/2022 7:00:19

Đại học Văn Lang: Kết nối doanh nghiệp – Phục vụ cộng đồng trong lĩnh vực công nghệ

Ngày 14/06/2022, tại TP.Hồ Chí Minh, trường Đại học Văn Lang đã tổ chức chuỗi sự kiện Hội thảo khoa học – giao lưu văn hóa, kết nối doanh nghiệp – phục vụ cộng đồng trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thẩm mỹ, công nghệ thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao.

Các doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ với Đại học Văn Lang

Đây là sự kiện kết nối các doanh nghiệp nòng cốt, hợp tác cùng phát triển, phát triển chương trình đào tạo tại doanh nghiệp. Qua đó cung ứng nguồn lao động cho doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho sinh viên, đồng thời tạo cơ hội để trao đổi, học tập lẫn nhau các vấn đề học thuật và giao lưu văn hóa nghệ thuật.

PGS. TS Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang cho biết, chương trình sẽ tạo ra một dấu ấn đặc biệt về sự kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp và các bạn sinh viên về câu chuyện khoa học ứng dụng phục vụ cộng đồng.

Trường ĐH Văn Lang trong giai đoạn mới đã xác định cho mình sứ mệnh tạo dựng con người qua tác động tích cực, truyền cảm hứng cho xã hội. Vì vậy, ngoài việc đào tạo nguồn nhân lực, truyền bá kiến thức, nhờ có sự kết nối của doanh nghiệp các bạn sinh viên có điều kiện được thực tập, trải nghiệm, đạt được sự tự tin làm ra những sản phẩm có giá trị, các thầy cô có điều kiện để nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.

Mỗi năm, trường ĐH Văn Lang tổ chức hơn 700 các sự kiện, các chương trình văn hóa nghệ thuật để các bạn sinh viên hiểu hơn về con người, nhân văn, văn hóa Việt Nam. Thông qua kết nối này, nhờ những kiến thức, kinh nghiệm của các doanh nghiệp, các bạn sẽ cố gắng tìm tòi những điều mới, và khi ra trường các bạn có thể đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Toàn cảnh hội thảo

Trong khuôn khổ chương trình, Khoa Công nghệ ứng dụng – Trường Đại học Văn Lang đã có ký kết biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp. Nội dung hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất thực nghiệm và một số lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm thông qua các hình thức như trao đổi cán bộ giảng dạy; Trao đổi, xây dựng và cung cấp các bài giảng, tài liệu học tập; Cho phép và tiếp nhận sinh viên thực tập, thực hành về các lĩnh vực chuyên môn; Tổ chức các chuyến tham quan cho nhân viên và sinh viên để học tập và nghiên cứu.

Không những vậy, các doanh nghiệp cũng đã tài trợ sản phẩm và học bổng cho các sinh viên Khoa Công nghệ ứng dụng trong đó có công ty TNHH Green Pharmedic tài trợ 76 triệu đồng, công ty TNHH Mediworld tài trợ 30 triệu đồng, công ty CP Cảnh quan sinh thái Ecoart tài trợ 20 triệu đồng, công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam tài trợ 5 triệu đồng, công ty TNHH Tập đoàn An Nông tài trợ 10 triệu đồng, Công ty CP Hoàng Minh Nhật tài trợ 5 triệu đồng…

Đặc biệt, Viện Nghiên cứu Dầu & Cây có dầu và các cơ sở trực thuộc Viện (TTPTKĐ IOOP) đã giúp các sinh viên ở các bộ môn khoa học cũng như các nghiên cứu của sinh viên trong các đề tài khoa học, hỗ trợ về các mặt kỹ thuật phân tích dữ liệu để các đề tài có kết quả chuẩn xác. IOOP cũng đã có trang thiết bị máy móc hiện đại đáp ứng mọi nhu cầu của các trường đại học hay các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến kiểm định và phân tích mẫu như mỹ phẩm, thực phẩm, nước, thực phẩm chức năng…

Tiến sĩ Mai Huy Hoàng – Giám đốc Trung tâm Phân tích và Kiểm định IOOP và Ông Từ Văn Lai – Trưởng ban hỗ trợ doanh nghiệp đang trao đổi về các sản phẩm đã được TTKĐ và PT IOOP kiểm định và phân tích

Thông qua chuỗi sự kiện, các cán bộ của Viện IOOP tham dự đã  giới thiệu một số phương pháp tiên tiến trong lĩnh vực Công nghệ sinh học, Công nghệ thẩm mỹ, Công nghệ thực phẩm và Nông nghiệp công nghệ cao.

Việc ký kết biên bản ghi nhớ giúp mở thêm nhiều cơ hội hợp tác nghiên cứu giữa Viện và Trường trong lĩnh vực công nghệ sinh học ứng dụng trên cây có dầu, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng các nghiên cứu khoa học nói chung, cũng như các nghiên cứu về Công nghệ sinh học, Công nghệ thẩm mỹ, Công nghệ thực phẩm và Nông nghiệp công nghệ cao nói riêng vào thực tiễn sản xuất. Đồng thời, tiếp thu một số quan điểm mới về xu hướng công nghệ mới hiện nay của các trung tâm nghiên cứu, trường, viện, doanh nghiệp, cá nhân tham gia trong chuỗi sự kiện.

Uyển Nhi – Hai Hoàng