Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2014 là bước tiến quan trọng trong thiết lập khung pháp lý cho hệ thống GDNN Việt Nam phát triển, tạo nền tảng cho hệ thống đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ sản xuất phát triển kinh tế – xã hội nâng tầm và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên để giáo dục nghề nghiệp thực sự trở thành hệ thống đào tạo mở, thông thoáng, linh hoạt đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì còn nhiều rào cản cần tháo gỡ.

Những chuyển biến tích cực từ Luật GDNN 2014
Đánh giá về tác động của Luật giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2014, hiệu trưởng các trường cao đẳng, trung cấp đều cho rằng, Luật GDNN 2014 đã tạo nhiều thuận lợi trong công tác đào tạo và quản lý.
Ông Lê Vũ Hùng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin TP.HCM cho biết, Luật đã trao quyền tự chủ cho các trường trong việc xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, tuyển sinh linh hoạt và tăng cường gắn kết với doanh nghiệp. “Việc được chủ động xây dựng chương trình theo chuẩn đầu ra, đào tạo theo đặt hàng và tích hợp thực hành là nền tảng để các trường đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, đặc biệt trong các lĩnh vực biến động nhanh như công nghệ thông tin”, ông Hùng chia sẻ.

Tương tự, ông Lê Quốc Hùng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long An đánh giá Luật GDNN đã tạo cơ sở pháp lý để các trường mở rộng hợp tác, tự chủ hơn về tài chính, tổ chức đào tạo và đầu tư. Các chính sách hỗ trợ phát triển đội ngũ nhà giáo và đánh giá, công nhận kỹ năng nghề quốc gia đối với người học đã góp phần chuyên nghiệp hóa hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, ông Phạm Quang Huy – Hiệu trưởng cho biết, Luật đã tạo điều kiện cho nhà trường thiết kế chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực, phân tầng đào tạo rõ ràng và phát triển mô hình linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Ông Cao Văn Thích – Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh An Giang khẳng định, Luật GDNN đã giúp các cơ sở nâng cao tính tự chủ trong tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, đào tạo, hợp tác quốc tế và đảm bảo chất lượng. “Nhờ chính sách khuyến khích tự chủ, trường có thể mở thêm ngành nghề mới, tăng quy mô và cải thiện chất lượng đào tạo thông qua hợp tác với doanh nghiệp”, ông Thích cho biết.

Gỡ rào cản về liên thông
Dù Luật GDNN đã có nhiều điểm tiến bộ, nhưng trong quá trình triển khai, các cơ sở giáo dục vẫn gặp không ít khó khăn. Một trong những vấn đề nổi cộm là điểm nghẽn trong đào tạo liên thông giữa GDNN và giáo dục đại học (GDĐH). Ông Lê Vũ Hùng cho rằng, sự khác biệt về chuẩn đầu ra, hệ thống tín chỉ và thiếu cơ chế kiểm định chung khiến sinh viên tốt nghiệp cao đẳng phải học lại nhiều học phần khi chuyển tiếp lên đại học, làm suy giảm động lực học tập và trái với tinh thần học tập suốt đời.
Hiệu trưởng Phạm Quang Huy cũng chỉ ra rằng, Luật GDNN và Luật GDĐH hiện tồn tại độc lập, mỗi hệ thống có chuẩn đầu ra và chương trình riêng, nhưng lại thiếu quy định cụ thể về công nhận tín chỉ, học phần giữa hai hệ thống. Việc thiếu cơ sở dữ liệu chung và công cụ hỗ trợ công nhận kết quả học tập đã khiến con đường liên thông bị gián đoạn.
Cùng quan điểm, ông Cao Văn Thích cho biết, thiếu quy định rõ ràng về công nhận kết quả học tập đã gây khó khăn trong liên thông giữa các cấp học, đặc biệt là giữa hệ thống GDNN và đại học.
Ngoài ra, quyền tự chủ của các trường vẫn bị bó hẹp bởi nhiều quy định hành chính và thủ tục rườm rà. Dù được giao quyền tự chủ, các cơ sở vẫn phải xin phê duyệt từ cơ quan chủ quản trong nhiều vấn đề như chỉ tiêu tuyển sinh, xây dựng chương trình, mua sắm thiết bị. “Cơ chế mua sắm và đầu tư công khiến các trường công lập khó triển khai linh hoạt, kịp thời các hoạt động chuyên môn”, ông Lê Quốc Hùng chia sẻ.
Gỡ bất cập về tự chủ và tuyển sinh
Ông Cao Văn Thích cũng chỉ rõ, quyền tự chủ về tuyển sinh, tài chính, nhân sự trong thực tế còn chịu nhiều ràng buộc từ quy định về biên chế, ngân sách và chỉ tiêu ngành nghề từ cấp trên. Đặc biệt trong công tác tuyển sinh khối các trường GDNN phải chủ động trực tiếp đến các trường THCS, THPT tuyên truyền tư vấn vận động tuyển sinh mà chưa được cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ. Cuốn ‘Những điều cần biết’ về tuyển sinh ĐH -CĐ do Bộ GD&ĐT ban hành mặc dù có ghi thông tin của các trường ĐH, CĐ nhưng thực chất chỉ có CĐ sư phạm mà không có thông tin của các trường cao đẳng hệ thống GDNN. Điều này khiến cho học sinh và phụ huynh không thể tiếp cận thông tin tuyển sinh của gần 2.000 trường CĐ thuộc hệ thống GDNN trong cả nước.

Bên cạnh đó, quy định chỉ được đào tạo văn hóa 4 môn cho học sinh tốt nghiệp THCS khiến việc phân luồng và tổ chức thi tốt nghiệp THPT gặp nhiều trở ngại.
Đổi mới kiểm định và giảm chi phí kiểm định
Trong hợp tác với doanh nghiệp, dù Luật đã có định hướng, nhưng trên thực tế vẫn thiếu các chính sách khuyến khích và ràng buộc rõ ràng. Ông Phạm Quang Huy cho rằng: “Doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà tham gia đào tạo vì thiếu ưu đãi thuế, thiếu hướng dẫn cụ thể cho mô hình đào tạo kép, và chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng bên”.
Công tác kiểm định chất lượng cũng còn nhiều hạn chế. Hiện số lượng tổ chức kiểm định còn ít, chi phí cao, thiếu nhân lực chuyên môn, dẫn đến tiến độ nâng cao chất lượng chương trình đào tạo còn chậm.
Hy vọng với sự sáp nhập Tổng cục GDNN về Bộ Giáo dục Đào tạo mới đây (Nay là Cục GDNN và Giáo dục thường xuyên thuộc Bộ GD -ĐT) nhiều điểm nghẽn trong lĩnh vực GDNN sẽ được tháo gỡ, tạo không gian mới thông thoáng cho GDNN bứt phá, phát triển, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực trực tiếp sản xuất trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.
Thanh Quang