19/10/2021 8:52:26

Đề xuất Hà Nội cho học sinh đi học trực tiếp

Nhiều hiệu trưởng, trưởng phòng GD&ĐT cho rằng, Hà Nội nên cho học sinh từng khối lớp, đặc biệt là đầu cấp và cuối cấp trở lại trường học.

Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (quận Hà Đông, Hà Nội), nói rằng, sang tuần thứ 7 học trực tuyến, rất khó để đánh giá hiệu quả, ước lượng chỉ đạt khoảng 30%. Do đó, cả giáo viên, học sinh và nhà quản lý giáo dục đều nóng lòng cho học sinh được quay lại trường học, nhất là khi dịch đã cơ bản được kiểm soát.

“Để không gây sức ép cho học sinh, Bộ GD&ĐT nên kéo dài thời gian kết thúc năm học khoảng 2-3 tuần để trường có thời gian bù kiến thức hổng trong thời gian học trực tuyến”, ông Trung đề xuất.

Theo ông Trung, thời điểm này, Hà Nội nên cho học sinh đầu cấp, cuối cấp đến trường trước 1-2 tuần, nếu an toàn tiếp tục cho học sinh các khối lớp khác đi học. Hà Nội đã cơ bản kiểm soát được dịch, đa số người dân đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, giáo viên, nhân viên trường học đều đã được tiêm phòng. Khi đến trường, học sinh sẽ không tham gia hoạt động đông người.

Nếu chờ đợi hoàn thành tiêm chủng cho học sinh từ 12-17 tuổi mới cho các em đi học sẽ quá lâu, trong khi việc học trực tuyến kéo dài nảy sinh rất nhiều vấn đề mà ngay chính gia đình, nhà quản lý giáo dục chưa hình dung hết được”, ông nhận định.

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ba Đình, cho hay đã đề xuất với Sở GD&ĐT Hà Nội về việc ưu tiên học sinh đầu cấp, cuối cấp đi học trước. Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Hoà cũng cho rằng, Hà Nội nên dần mở cửa trường học ở vùng xanh, đặc biệt cho học sinh lớp 6, lớp 9 đến trường trước. Sau này, học sinh 12-17 tuổi được tiêm phòng, an toàn hơn sẽ tiếp tục đến trường.

Bà Trần Thị Thanh Huế, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn, cho biết, các trường học đã sẵn sàng đón học sinh trở lại. Các trường đều có kinh nghiệm trong việc lên kịch bản, xử lý tình huống phát sinh khi học sinh học trực tiếp. Các trường được yêu cầu rà soát, ôn tập kiến thức dạy trực tuyến để giáo viên có kế hoạch dạy bù.

Trước đó, theo Công điện số 21 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, từ 14.10, các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trở lại hoạt động bình thường, hàng quán mở cửa phục vụ ăn uống tại chỗ,… Tuy nhiên, công điện này lại không nhắc gì tới kế hoạch cho học sinh trở lại trường.

Trả lời báo chí, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết lãnh đạo thành phố đã có nhiều cuộc họp để đề ra giải pháp làm thế nào để vừa khôi phục kinh tế – xã hội, vừa có thể cho học sinh sớm quay lại trường học. Đặc biệt, Nghị quyết 128 Chính phủ vừa ban hành là điều kiện để Sở GD-ĐT xây dựng kịch bản chi tiết trình UBND TP để quyết định cho học sinh sớm quay lại trường.

Tuy nhiên, theo ông Cương, đến thời điểm này, việc đến trường của học sinh có nhiều khó khăn, trong đó có việc chưa tiêm vaccine cho học sinh dưới 18 tuổi. Hà Nội có tổng số 2,1 triệu học sinh, cộng với 900.000 trẻ em chưa đến tuổi đi học. Mở cửa trường học khi học sinh chưa được tiêm vaccine chưa thể đảm bảo an toàn, phụ huynh cũng rất lo lắng về điều này.

Ông Cương cho biết khi đưa học sinh trở lại trường cũng sẽ phải theo lộ trình. Sở GD-ĐT Hà Nội đã xây dựng nhiều phương án để cho các cháu học trở lại. Kịch bản khả thi nhất là cho học sinh lớp 6, lớp 9, 10, 12 đến trường trước, sau đó cho dần các lớp còn lại theo thời điểm thích hợp, nhưng chỉ triển khai tại các khu vực an toàn, vùng xanh, không có nguy cơ xảy ra dịch Covid-19.

Trước đó, từ cuối tháng 9, dù đã đưa ra rất nhiều “dự lệnh” về việc sẵn sàng đón học sinh trở lại, nhưng Hà Nội hiện vẫn nằm trong nhóm các địa phương tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình. Một số huyện ngoại thành, thuộc vùng xanh suốt mấy tháng qua không có ca bệnh trong cộng đồng như Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh… đã kiến nghị và lên kế hoạch chi tiết cho việc đón học sinh trở lại trường. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn đang áp dụng chung một hình thức học tập trực tuyến với tất cả các trường học trên toàn TP, bất kể là vùng xanh hay vùng đỏ.

Thu Lê