05/08/2023 5:27:11

Đào tạo nhân lực trình độ cao ngành nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, thách thức

Trong giai đoạn 2011 – 2020, lao động nông lâm thủy sản của Vùng Đông Nam Bộ, giảm mạnh từ 1,24 triệu người năm 2011 còn 778 nghìn năm 2020, mỗi năm giảm trung bình 46,7 nghìn người/năm (tốc độ giảm bình quân 3.75% mỗi năm).

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan tại Hội nghị “Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn các tỉnh thành khu vực phía Nam” vừa diễn ra tại TPHCM ngày 4/8.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), trong thời gian qua, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong vùng đã đạt được những kết quả quan trọng. Nếu như năm 2011, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 13 cơ sở giáo dục đại học thì đến năm 2020 đã tăng lên 21 cơ sở giáo dục đại học với quy mô đào tạo gần 150.000 sinh viên. Vùng Đông Nam Bộ với quy mô đào tạo 516.797 sinh viên với tỷ lệ 30,2% – đứng thứ hai của cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đang đứng trước những khó khăn, thách thức như lao động nông lâm thủy sản có xu hướng giảm nhanh trong thời gian qua. Trong giai đoạn 2011 – 2020, lao động nông lâm thủy sản của Vùng Đông Nam Bộ, giảm mạnh từ 1,24 triệu người năm 2011 còn 778 nghìn năm 2020, mỗi năm giảm trung bình 46,7 nghìn người/năm (tốc độ giảm bình quân 3.75% mỗi năm). Nguyên nhân cho sự sụt giảm này là do lao động đã di cư ra khỏi vùng để tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, đô thị của các vùng khác.

Chất lượng của lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung còn thấp. Phần lớn lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong vùng vẫn còn là lao động phổ thông, giản đơn, lao động làm việc theo kinh nghiệm, thời vụ, thiếu lao động có tay nghề cao.

Lao động còn thiếu hụt kỹ năng và năng lực hành nghề, tỷ lệ lao động chưa được công nhận có kỹ năng nghề quốc gia còn chiếm tỷ lệ lớn. Nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường không kiếm được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo, do chưa đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng và thị trường lao động.

Trong đào tạo đã chứng kiến sự suy giảm ở các ngành nông nghiệp truyền thống ở hầu hết các cấp trình độ. Cụ thể, trong nhóm ngành nông nghiệp có sự suy giảm ở ngành khoa học đất, khuyến nông, chăn nuôi, nông học, khoa học cây trồng, phát triển nông thôn, kinh tế nông nghiệp, bảo vệ thực vật. Đối với nhóm ngành thủy sản giảm mạnh ở chuyên ngành khai thác thủy sản, quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo, khoa học thủy sản. Nhóm ngành lâm nghiệp giảm mạnh ở ngành lâm sinh, lâm học, quản lý tài nguyên rừng, lâm nghiệp đô thị. Nhóm ngành thủy lợi giảm mạnh ở ngành kỹ thuật tài nguyên nước, thủy văn, kỹ thuật xây dựng công trình thủy và kỹ thuật cấp thoát nước…

Quang cảnh tại Hội nghị “Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn các tỉnh thành khu vực phía Nam” tại TPHCM

Chia sẻ tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đây là cơ hội để các cơ sở đào tạo được thảo luận, lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng để cùng tháo gỡ khó khăn, xây dựng và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của thế giới nghề nghiệp.

Theo Giáo sư Lan, trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thì phát triển nguồn nhân lực chất lượng đảm bảo cho sự thành công của công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Về lâu dài, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước và quốc tế là bước đi mang tính mở đường để xây dựng và phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Đây sẽ là đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế làm việc trực tiếp tại các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo…, những vùng miền nằm trong khu vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước, nên họ còn là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới“, GS Lan nhận định.

Nói về đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, khởi nghiệp nông nghiệp không nên làm theo phong trào mà cần phải làm thật, tạo ra hiệu quả và giá trị thật. Trong đó sự hợp tác giữa trường với doanh nghiệp là cơ hội để chia sẻ giá trị, nhân giá trị lên nhiều lần và đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp cũng phải theo chuỗi giá trị, không chỉ để làm thuê cho doanh nghiệp mà còn phải tạo ra những người làm chủ.

Ngoài ra, không phải chỉ học nông nghiệp đơn thuần mới làm nông nghiệp được. Trong nền kinh tế ngày nay các ngành, môn học cần có sự liên kết với nhau. Ví dụ học du lịch, học quản trị kinh doanh, học thương mại, cơ khí,… cũng làm nông nghiệp được, thậm chí là làm rất tốt, đáp ứng được nhiều nhu cầu của nền kinh tế nông nghiệp.

“Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, ba công nghệ nền tảng chủ đạo gồm tự động hóa, internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra nhiều thách thức cho nguồn nhân lực. Điều này đòi hỏi trình độ nguồn nhân lực phải bắt kịp với xu thế phát triển của ngành công nghệ để đáp ứng sự thay đổi mạnh mẽ về phân bố nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất, quản lý và tiêu dùng” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Quang Trung