18/12/2020 9:17:26

Đào tạo học sinh THCS liên thông lên CĐ: Chính sách gây khó cho người học – Rào cản từ Bộ Giáo dục?

Ngày 28/5/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới” trong đó giao Bộ LĐ-TB&XH nhiệm vụ xây dựng đề án thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở”. Triển khai Chỉ thị, Bộ LĐ-TB&XH giao Tổng cục GDNN xây dựng Đề án thí điểm đào tạo trình độ CĐ cho học sinh tốt nghiệp THCS trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nhằm nhận diện những thuận lợi, vướng mắc trong đào tạo Chương trình 9+, chuẩn bị cho Đề án thí điểm đào tạo học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở ( THCS) lên cao đẳng theo Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 3/12, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội  Việt Nam, Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở”. Hội thảo thu hút các chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ lãnh đạo, quản lý của các trường CĐ, TC đang đào tạo Chương trình 9 +, chương trình đào tạo học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào học trung cấp và liên thông lên cao đẳng.

Học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký học chương trình 9 + tại Trường CĐ Xây dựng Công trình đô thị

Chương trình 9 + là gì ?

Theo Tổng cục GDNN, mô hình 9+  là mô hình đào tạo nghề nghiệp cho học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở  (THCS – tốt nghiệp lớp 9).Thực chất, đây không phải là mô hình mới ở Việt Nam mà là một phương thức đào tạo liên thông từ trung cấp (TC) lên cao đẳng (CĐ) cho đối tượng tốt nghiệp THCS, phương thức đào tạo này đã thực hiện ở nước ta từ nhiều năm trở lại đây, cụ thể:

+ Các cơ sở GDNN tuyển học sinh tốt nghiệp THCS (lớp 9) vào học trình độ TC (2 năm). Trong quá trình học TC thì các trường tổ chức cho các em học thêm phần văn hóa THPT (4 môn) hoặc chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT (hệ Bổ túc văn hóa cũ) song song với học nghề;

+ Tốt nghiệp trình độ TC, các trường tiếp tục tổ chức cho các em học liên thông lên CĐ  thời gian 1 – 2 năm.

Như vậy, nếu người học học liên thông từ TC lên CĐ theo mô hình này thì sau khoảng từ 3 – 4 năm sẽ hoàn thành chương trình.

 Học sinh vừa học nghề vừa học chương trình GDTX cấp THPT, thì được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu đạt thì được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Như vậy, theo mô hình 9+ người học vừa có thể học nghề, vừa có thể học văn hóa THPT và hoàn thành sẽ  có bằng tốt nghiệp trình độ TC, CĐ và bằng tốt nghiệp THPT.

Như vậy Chương trình 9+ là chương trình đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp và liên thông lên cao đẳng mà các cơ sở GDNN đã thực hiện nhiều năm nay ở các trường cao đẳng nghề (CĐN), trung cấp nghề (TCN), trung cấp chuyên nghiệp (TCCC) và CĐ. Trong đó học chương trình văn hóa, học sinh phải đóng học phí theo qui định của Bộ GD&ĐT, học nghề được nhà nước miễn phí.

Căn cứ pháp lý để các cơ sở GDNN triển khai Chương trình 9 +

Qui định của Luật Giáo dục nghề nghiệp

 Thứ nhất theo qui định  tại Khoản 3 Điều 33 của Luật Giáo dục nghề nghiệp thì: Thời gian đào tạo trình độ CĐ theo niên chế được thực hiện từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp TC cùng ngành, nghề đào tạo và có bằng tốt nghiệp THPT hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT;

Thứ 2: tại điểm b Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 27/TT-BLĐTBXH ngày 21/9/2017 quy định về liên thông giữa các trình độ trong GDNN, quy định người có bằng tốt nghiệp trung cấp (TC) nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT thì phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ GD&ĐT

Thứ 3: Thông tư số 07/2029/TT-BLĐTBXH ngày 7/3/2029, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH ngày 02 tháng 3 năm 2017 quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ TC, CĐ, trong đó tại khoản 2 Điều 1 đã quy định, học sinh tốt nghiệp THCS nhưng có nguyện vọng học liên thông lên trình độ CĐ phải học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ GD&ĐT và có bằng tốt nghiệp trình độ TC;

Học sinh lớp Điện dân dụng hệ 9+ tại CĐ nghề Dân tộc nội trú Bắc Cạn

 Quy định của Luật Giáo dục

Thứ nhất: Theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật Giáo dục năm 2019 thì học sinh trong cơ sở GDNN được học khối lượng kiến thức văn hóa THPT;

Thứ 2: Theo quy định tại khoản 4 Điều 29 thì Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có thẩm quyền quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở GDNN. Khoản 4 Điều 34 cũng quy định: “Học sinh có bằng tốt nghiệp THCS, theo học trình độ trung cấp trong cơ sở GDNN, sau khi đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT được sử dụng để theo học trình độ cao hơn của GDNN và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật;

Thứ 3: Theo quy định tại khoản 10 Điều 5, thì “Khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông là kiến thức, kỹ năng cơ bản, cốt lõi trong chương trình giáo dục trung học phổ thông mà người học phải tích lũy để có thể tiếp tục học trình độ giáo dục nghề nghiệp cao hơn”.

Quy định tại Chỉ thỉ số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ

Ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Theo đó tại điểm đ, mục 2 của Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS, để người học không phải liên thông từ trung cấp lên cao đẳng như quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học có đầu vào tốt nghiệp THCS.

 9 +  chương trình hợp lòng dân

Dù mới chính thức được triển khai đồng loạt nhưng Chương trình đào tạo 9 + l đã thu hút được sụ quan tâm của đông đảo các bậc phụ huynh và học sinh. Bằng chứng là công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng vọt. Nhiều trường phải sang Sở GD &ĐT xin tăng chỉ tiêu. Đặc biệt tại các tỉnh miền núi kinh tế khó khăn, Chương trình 9+ được các bậc phụ huynh đón nhận như một hướng đi mới giúp con em họ thay đổi nếp sống để vươn lên thoát nghèo. Nếu trước kia, nhiều em học hết lớp 9, ở nhà đi nương, tụ tập uống rượu và lấy vợ sinh con, thì giờ đây đi học nghề để học lên trình độ cao hơn hoặc chỉ cần học nghề để có việc làm, có thu nhập cao lại không phải đóng học phí đã trở thành phong trào của giới trẻ  nhiều huyện miền núi đặc biệt khó khăn.

PGS.TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo

PGS. TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội Việt Nam, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, từ những năm 2017, hình thức đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS liên thông lên cao đẳng đã được xã hội đón nhận, ca ngợi. Tuyển sinh của các trường tăng. Đây là chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu người học và cùng phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cung cấp cho thị trường lao động. Vì vậy để xây dựng và thực hiện được Đề án thí điểm đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS lên cao đẳng cần nhận diện những thuận lợi, khó khăn vướng mắc mà các trường đang thực hiện đào tạo chương trình 9+ gặp phải để tháo gỡ để xây dựng một chương trình khả thi thông suốt.

Ông Phạm Đức Thắng – Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy Tổng cục GDNN cho biết, tính đến cuối năm 2019, trên cả nước có 1.914 cơ sở GDNN trong đó có 399 trường cao đẳng, 458 trường trung cấp và 1.053 trung tâm GDNN/GDTX. Trong đó, có 244/399 trường cao đẳng và 437/458 trường trung cấp có thực hiện tuyển sinh và đào tạo trình độ trung cấp cho học sinh tốt nghiệp THCS. Trung bình mỗi năm có khoảng 5,3 triệu HS học THCS và hơn 1,3 triệu HS học xong THCS, trong đó có khoảng 5% học sinh không tham gia thi tốt nghiệp hoặc thi không đỗ tốt nghiệp THCS.

Theo tổng hợp báo cáo của 63 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kết quả tuyển sinh học sinh THCS vào học trung cấp (TC) khoảng 195.173 học sinh. Có thể thấy, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học TC trong năm 2019 đã tăng đột biến, lên khoảng 15% (giai đoạn 2011 – 2015, học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp (trung cấp nghề và TCCN) chiếm khoảng 8% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS).

Tính đến tháng 11/2020 cả nước tuyển sinh được 1.940.000 học sinh, sinh viên GDNN đạt 86% so với kế hoạch, trong đó tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng được 520.000 học sinh, sinh viên đạt 90% so với kế hoạch, sơ cấp và đào tạo thường xuyên được 1.420.000 người đạt 85% so với kế hoạch.Từ kết quả thống kê sơ bộ cho thấy tình hình tuyển sinh đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS tại nhiều cơ sở GDNN trong năm 2020 có nhiều dấu hiệu tốt. Những ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt tập trung ở các lĩnh vực kỹ thuật điện, điện tử, kỹ thuật cơ khí, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch và công nghệ thông tin như: Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Công nghệ ô tô, Quản trị mạng, Thiết kế trang web, Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng…;

Chính sách gây khó cho người học – Rao cản đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo ? 

Theo các chuyên gia giáo dục, nếu những năm trước việc đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS liên thông lên cao đẳng có những qui định thuận lợi: Thứ nhất, các trường cao đẳng và cao đẳng nghề được tổ chức dạy văn hóa ngay tại trường nghề; thứ 2: Khối lượng kiến thức văn hóa yêu cầu đảm bảo được qui định cụ thể, tinh gọn. Tại nhiều địa phương Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã cho phép các trường CĐN, CĐ được tổ chức giảng dạy chương trình văn hóa THPT (4 môn) và chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT (7 môn) tại trường của mình. Trong đó, đối với chương trình 7 môn, học sinh sau khi học xong được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT để nhận bằng Bổ túc văn hóa THPT (sau này là Bằng THPT). Học sinh có bằng tốt nghiệp TC nếu đã học xong khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) theo quy định tại Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT ngày 28/6/2010 của Bộ  GD&ĐT quy định về chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) cũng được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học.

Học sinh lớp Điện dân dụng hệ 9+ tại CĐ nghề Dân tộc nội trú Bắc Cạn

Tuy nhiên, từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT không cho phép các cơ sở GDNN được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT mà chỉ được giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019  để liên thông từ TC lên CĐ trong hệ thống GDNN. Cụ thể, tại Công văn số 2672/BGDĐT-GDTX ngày 20/6/2019 về việc tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động tại các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN – GDTX, Bộ GD&ĐT đã quy định việc thực hiện chương trình GDTX lấy bằng tốt nghiệp THPT phải do các trung tâm chủ trì thực hiện.

Tại tại điều 5 Chỉ thỉ số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ qui định rõ nhiệm vụ của Bộ giáo dục và Đào tạo như sau:

  1. a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ và có cơ chế đánh giá, giám sát việc thực hiện các hoạt động này tại các địa phương;
  2. b) Ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quý III năm 2020;
  3. c) Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người học giáo dục nghề nghiệp có nhu cầu liên thông lên giáo dục đại học.”

 Tuy nhiên đến nay đã hết quí 4 năm 2020  nhưng Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành thông tư qui định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhân đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN.Đieuf này đang gây khó cho các trường và phụ huynh cũng như học sinh theo học chương trình này.

Về yêu cầu “tạo thuận lợi cho người học GDNN”qui định tại điểm b điều 5 Chỉ thị 24/CT -TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì các qui định mới đây của Bộ GD&ĐT chẳng những không tạo điều kiện thuận lợi cho người học mà còn làm khó hơn cho người học trong các cơ sở GDNN. Cụ thể, việc dạy văn hóa trong các cơ sở GDNN đang được thực hiện ổn định, thuận lợi cho học sinh học văn hóa và học nghề ngay tại trường nghề thì nay Bộ GD&ĐT qui định việc học văn hóa phải chuyển về các Trung tâm GDTX, trong khi hiện nay hệ thống này nơi đã sát nhập, nơi giải thể và nhiều trung tâm cơ sở vật chất không đảm bảo, năng lực quản lý yếu kém. Mặt khác, học sinh vừa tốt nghiệp lớp 9 vào học tại các cơ sở GDNN thể lực còn nhỏ, tâm sinh lý chưa trưởng thành lại phải sáng đến Trung tâm GDTX học văn hóa, chiều đến cơ sở GDNN học nghề là rất bất tiện và nhiều nguy cơ không đảm bảo về an toàn giao thông vì tại các địa phương, trung tâm GDTX thường cách xa các trường nghề vài ba km đến cả chục km.

– Về tạo điều kiện thuận lợi trong thi cử và lấy bằng tốt nghiệp THPT đối với người học tại các cơ sở GDNN cũng vô cùng ngặt nghèo. Theo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì người đã có Bằng tốt nghiệp TC cũng là một trong những đối tượng được dự thi THPT nhưng lại đòi hỏi phải bảo đảm điều kiện là đã học và thi đạt yêu cầu đủ số lượng các môn văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ GDĐT.

– Hiện nay, nhiều cơ sở GDNN ở các địa phương đã không được tiếp tục thực hiện giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT và nhiều nơi như Bắc Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc …. UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị với Bộ GD&ĐT về việc này thì đều được Bộ GD&ĐT trả lời việc giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT phải do các trung tâm GDTX thực hiện. Các cơ sở GDNN muốn tổ chức cho người học học chương trình GDTX cấp THPT phải liên kết, phối hợp với trung tâm GDTX.

Tại hội thảo, các ý kiến đều cho rằng đây là những chính sách gây khó cho người học, chưa xuất phát vì người học. Và đề án thí điểm đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS lên cao đẳng sẽ khó thành công nếu rào cản từ những qui định của Bộ GD&ĐT không được tháo gỡ và sớm ban hành.

Hoàng Quân