28/05/2021 8:28:20

Đà Nẵng sẽ cho lao động ngành du lịch vay vốn tối đa 100 triệu đồng, thời gian 3 đến 5 năm

Thành phố Đà Nẵng có chủ trương cho người lao động ngành du lịch vay vốn, để vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Ngày 27/5, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, Hiệp hội đã đề xuất nhiều giải pháp với thành phố để hỗ trợ người lao động ngành du lịch trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh Covid-19.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố hiện gặp khó khăn chồng chất. Bây giờ doanh nghiệp đặt vấn đề đóng cửa thế nào, tồn tại ra làm sao, chứ không còn đặt vấn đề bao giờ quay lại hoạt động.

Sau các đợt dịch bệnh, doanh nghiệp du lịch đã không còn sức để kháng cự, quá khó khăn. Theo ông Dũng, TP. Đà Nẵng, với hơn 5.000 doanh nghiệp du lịch hoạt động thì hiện đã đóng cửa hơn 90%. Riêng Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có 1000 doanh nghiệp hội viên, thì có đến gần 10% đã giải thể, số còn lại đóng cửa. Người lao động ngành du lịch nghỉ việc nên gặp nhiều khó khăn.

“Để hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn này, Hiệp hội đã đề xuất và được UBND TP. Đà Nẵng đồng ý chủ trương, giao cho các sở ngành nghiên cứu cho người lao động ngành du lịch vay vốn từ ngân hàng chính sách, mỗi người lao động dự kiến được vay tối đa 100 triệu đồng, trong thời gian 3 đến 5 năm. Mục tiêu là giúp người lao động duy trì cuộc sống, dự kiến thời gian vay như vậy đủ để thị trường phục hồi, từ đó người lao động ngành du lịch sẽ có thu nhập để trả khoản vay trên. Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện chủ trương này, nhằm quan tâm và hỗ trợ người lao động ngành du lịch”, ông Dũng thông tin.

Bãi biển Đà Nẵng vắng khách du lịch vì Covid-19.

Ông Dũng cũng cho biết, hiện số người lao động đã đăng ký vay là gần 2000 người và Hiệp hội đang tiếp tục nhận đăng ký. Về lâu dài, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng đề xuất cần có nhiều giải pháp để giúp doanh nghiệp. Chính phủ cần có những gói cứu trợ mới dễ tiếp cận cho người lao động; giải cứu doanh nghiệp bằng các chính sách tài chính như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay; có các chính sách khuyến khích thị trường khi dịch bệnh được kiểm soát và du lịch được phục hồi.

“Với tình hình hiện này, thì không thể dự đoán được bao giờ du lịch sẽ phục hồi. Bây giờ chỉ hy vọng vào vaccin, miễn dịch cộng đồng, chứ nếu như dịch bệnh cứ quay lại thì doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Doanh nghiệp du lịch mong Chính phủ nhanh chóng tiếp cận các nguồn vaccin, ưu tiên tiêm vaccine cho cán bộ, nhân viên ngành du lịch, đó mới giải pháp căn bản, lâu dài để doanh nghiệp không phải thấp thỏm lo dịch bệnh quay trở lại”, ông Dũng kiến nghị.

Theo baodautu.vn