03/09/2020 11:24:47

Chương trình 9+, giải pháp cho nhân lực có tay nghề của tỉnh Bắc Kạn

Thời gian học ngắn, chi phí thấp, có chỗ ở nội trú tốt, dễ tìm việc làm sau tốt nghiệp…, là những đặc điểm nổi bật của chương trình 9+, rất phù hợp với đặc điểm của những địa phương miền núi như Bắc Kạn đã tạo ra sức hút nguồn tuyển, góp phần giải quyết bài toán nhân lực cho địa phương và doanh nghiệp. 

Buổi tư vấn tuyển sinh chương trình 9+ năm học 2020-2021 thu hút lượng lớn phụ huynh, học sinh đến tham gia

Chương trình 9+ là một hệ thống giáo dục linh hoạt, khi kết hợp việc truyền tải kiến thức với dạy nghề. Với chương trình này, các em học sinh được giảng dạy các kiến thức phổ thông cơ bản, bên cạnh đó, còn được lựa chọn học những nghề nghiệp chất lượng cao như điện tử, điện lạnh, công nghệ ô tô, cơ khí, công nghệ thông tin, thú y, nấu ăn…

Khi ra trường, các em sẽ được nhà trường giới thiệu về những cơ sở sản xuất, công xưởng, nhà máy, xí nghiệp… đóng ngay tại địa bàn tỉnh hoặc các địa bàn lân cận để làm việc. Việc đảm bảo đầu ra là một trong những điểm nổi bật, thu hút học sinh của chương trình 9+. Theo đó, các em học sinh được giới thiệu việc làm trong và ngay sau khi đào tạo.

Mặt khác, với thời gian đào tạo ngắn, chỉ từ 2,5 đến 3 năm cho 01 chương trình đào tạo ở tất cả các bộ môn; các em học sinh còn có thể chuyển đổi môn học cho phù hợp với năng lực và điều kiện gia đình sau 0,5 kỳ học đầu tiên.

Trung học phổ thông Dân tộc nội trú (THPT DTNT) Bắc Kạn còn có điều kiện cơ sở vật chất rộng rãi, thoáng mát, đầy đủ xưởng thực hành cho các môn học, đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, am hiểu đặc điểm dân cư của tỉnh, cùng khu ký túc xá được trang bị để cho học sinh nội trú là những yếu tố hỗ trợ rất tốt cho việc học và thực hành của các em hệ 9+.

 

Không chỉ phụ huynh ở các huyện, rất nhiều gia đình ở thành phố Bắc Kạn cũng quyết định cho con học nghề sớm thay vì học THPT

Thầy Bùi Thanh Bình – Phó trưởng khoa Cơ giới nhà trường cho biết, khoa của anh có 5 lớp công nghệ ô tô, đào tạo 2 hệ là tại chức và cao đẳng. Mỗi lớp có 20 học sinh. Có khoảng 500 học sinh cả 2 hệ, với 10 nghề được đào tạo, hơn 70% học sinh ra trường có việc làm.

Còn theo thầy Nguyễn Văn Cường – giảng viên khoa Cơ điện, các môn điện công nghiệp, lắp đặt điện, sửa chữa điện dân dụng, 100% học sinh các khóa có việc làm sau khi ra trường. “Các doanh nghiệp ở Thái Nguyên cần rất nhiều lao động lĩnh vực này, vì vậy học sinh tốt nghiệp dễ dàng tìm được việc làm ở đây với mức lương khởi điểm khoảng 6-7 triệu đồng/tháng” – thầy Cường cho biết. 

Năm nay hệ 9+ nhà trường có chỉ tiêu tuyển sinh 270 em. Buổi tư vấn và đăng ký học hệ 9+ năm nay thu hút lượng lớn học sinh và và phụ huynh, trong đó không chỉ có phụ huynh và học sinh từ các huyện miền núi cách xa trường cả trăm kilomet, rất nhiều học sinh và phụ huynh ở thành phố, có điều kiện khá giả vẫn quyết định cho con học nghề. Điều đó chứng tỏ sự phù hợp của chương trình 9+ đã tạo được sức hút rất lớn, thay đổi nhận thức không chỉ của học sinh mà cả phụ huynh về định hướng tương lai, chọn trường, chọn nghề. 

Em Lý Thị Duyên, từ Nà Thác – Đổng Xá, được bố mẹ đưa ra trường để học chế biến món ăn hệ trung cấp. Đây là việc làm phù hợp với các em học sinh nữ. Thêm vào đó, nghề chế biến món ăn cũng được ưa chuộng ở nhiều nơi, giúp em có thể tìm được công việc với thu nhập trực tiếp ngay trong quá trình học hoặc sau khi được đào tạo. Công việc này có thể làm ngay tại địa phương hoặc ở bất cứ nơi nào bởi nhu cầu tuyển dụng cho nghề nấu ăn hiện nay khá lớn.

Điện dân dụng là nghề thu hút nhiều học sinh khi ra trường dễ dàng có việc làm ngay với thu nhập khởi điểm 6-7 triệu đồng/tháng

Em Lường Văn Hiệp, ở xã Thanh Mai – Chợ Mới, là dân tộc Tày, được trường THPT Thanh Mai tư vấn về việc học nghề kết hợp kiến thức phổ thông, đã tìm thấy một hướng đi phù hợp với bản thân. Là học sinh dân tộc thiểu số, học nghề cơ điện là một việc làm khá mới mẻ với em. Tuy nhiên, sau thời gian được đào tạo tại trường, nghề cơ điện đã mang lại cho em nhiều kiến thức. Sau khi học xong, ra trường, có kiến thức về cơ điện, em có thể tham gia sản xuất tại gia đình hoặc làm việc với những nhà máy tại Thái Nguyên, nơi đồng ý tiếp nhận những em học sinh hệ 9+ tại Bắc Kạn.

Em Nguyễn Thị Triệu Vy, dân tộc Tày, do gia đình có hiệu thuốc nên em đã được động viên và tham gia khóa học về chăn nuôi thú y, hệ trung cấp. Sau khi ra trường, em có thể trở về làm việc tại nhà. Công việc bán thuốc thú y cần những kiến thức cơ bản về nghề, nên đây là một lợi thế cho em. Do vậy, gia đình rất ủng hộ em tham gia chương trình học 9+, bởi nhờ đó mà học sinh có kiến thức nền tảng để ra làm nghề ngay sau khi tốt nghiệp.

Ngoài những trường hợp trên, còn nhiều trường hợp như em Triệu Văn Sỹ, học ngành công nghệ ô tô, bởi gia đình mong muốn con mình cũng có nghề nghiệp ổn định. Ngành công nghệ ô tô giúp Sỹ có kiến thức căn bản về máy móc, khung, số liệu ô tô… Qua đó, em có thể tham gia vào những công ty, xí nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đóng ngay trên địa bàn tỉnh hoặc có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn sau này.

Ngoài ra, phụ huynh em Nông Nhật Vinh còn chở xe máy từ 5h30’ sáng, vượt quãng đường 80km để đưa con mình đến trường, với kỳ vọng vào sự ưu việt của chương trình 9+. Bố mẹ em với mong muốn con mình có sự hiểu biết về nghề nghiệp, sau này ra trường có thể đi làm tại các xí nghiệp hoặc có kiến thức để về sản xuất, chăn nuôi tại gia đình.

Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều trường hợp các em học sinh của trường THPT DTNT Bắc Kạn đã chọn lựa chương trình đào tạo 9+ làm hành trang cho tương lai của bản thân.

Với nhiều điểm ưu việt trong hình thức đào tạo, thời gian đào tạo ngắn, lượng kiến thức vừa phải, thiết thực trong thực hành, cùng việc tạo ra việc làm ngay tại địa phương, tiết kiệm chi phí đi lại do được ở nội trú…, chương trình 9+ đã và đang chứng tỏ sự phù hợp với những địa bàn như Bắc Kạn. Nhờ vào chương trình này, hệ thống giáo dục miền núi có được một giải pháp ưu việt để giải quyết những vấn đề vốn còn tồn đọng bao lâu nay, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa của các tỉnh vùng cao.

Phương Thu