16/05/2022 9:16:05

CĐ Than- Khoáng sản: Nâng cao chất lượng đào tạo gắn với chuyển đổi số

Bằng hướng đi tự chủ nhiều năm qua, trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam) đã không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng đào tạo, sớm bắt nhịp với chuyển đổi số toàn diện, ứng dụng trong công tác tuyển sinh và đào tạo linh hoạt. Từ đó, tạo ra nguồn nhân lực đảm bảo có kỹ năng nghề chuyên môn giỏi và làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại khi tham gia lao động sản xuất.

Chuyển đổi số từ nhà trường đến doanh nghiệp

Thay vì bảng đen phấn trắng tại lớp học, giảng đường, nhà trường đã đầu tư đồng bộ, với trang thiết bị máy tính, internet, hình chiếu… Đặc biệt, nội dung các chương trình đào tạo, bài giảng, nội dung đánh giá tiêu chuẩn đầu ra được thiết kế bộ “ngân hàng câu hỏi” để áp dụng trong kiểm tra người học, thi sát hạch bằng hình thức trắc nghiệm trên máy tính.

Là đơn vị đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực đặc thù cho các doanh nghiệp ngành khai thác than, bởi vậy, để đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong vận hành, khai thác mỏ, nhà trường luôn tiếp cận và cập nhật những công nghệ mới trong khai thác, sản xuất của các doanh nghiệp.

Nhà trường luôn cập nhật công nghệ mới trong khai thác, sản xuất

Thầy Vũ Văn Thịnh- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường thường xuyên cử cán bộ trực tiếp tới các doanh nghiệp để nắm bắt được những máy móc, thiết bị, công nghệ mới, sau đó về truyền đạt lại cho học viên. Hơn nữa, hàng năm nhà trường đều cử giáo viên đi thực tập tại doanh nghiệp với thời gian khoảng 3 tuần, vừa để quản lý học sinh, sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp, vừa tham gia tìm hiểu dây truyền sản xuất để cập nhật các kỹ năng nghề nghiệp”.

Thực tế cho thấy, đối với lĩnh vực khai thác than những năm gần đây, các doanh nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ, đưa công nghệ cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ vào vận hành dây truyền sản xuất để cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế những tác động đến môi trường và sức khỏe con người, đảm bảo an toàn lao động cho công nhân, tăng sản lượng khai thác, tăng năng suất. Cùng đó, các thiết bị điện tử cũng được đưa vào để điều khiển, vận hành hệ thống máy móc khai thác; hệ thống cung cấp điện, thông gió, thoát nước và kiểm soát khí mỏ tự động.

Trước những thay đổi của các thiết bị, công nghệ này, nhà trường đã mời chuyên gia của doanh nghiệp các mỏ về giới thiệu, phổ biến công nghệ, kỹ thuật mới để giáo viên, học sinh, sinh viên nhà trường hiểu. Đồng thời, cử giáo viên đến tiếp cận công nghệ, tài liệu để bổ sung kịp thời vào chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Qua phương thức phối hợp đào tạo linh hoạt này, học sinh, sinh viên của nhà trường được tham gia học việc trực tiếp tại doanh nghiệp và với thời lượng thực hành chiếm 70%, lý thuyết 30%. Đây là điều kiện thuận lợi, giúp người học bắt nhịp với “guồng máy” của doanh nghiệp như một lao động chính thức.

Học sinh được thực hành 70% tại doanh nghiệp nên cả giảng viên và học sinh đều có thể tiếp cận với hệ thống thiết bị hiện đại 

Đó cũng là lý do để học sinh, sinh viên nhà trường ngay từ năm thứ hai đã được các doanh nghiệp chào đón, vừa để huấn luyện cho các em các kỹ năng nghề thuần thục và “giữ chân” các em ở lại làm việc cùng với doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Bộ máy khổng lồ đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực trẻ

Là cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, với nhiệm vụ tuyển sinh, đào tạo và cung ứng nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất cho ngành than và của các doanh nghiệp trên địa bàn bàn tỉnh Quảng Ninh, mỗi năm, nhà trường đào tạo hàng chục nghìn người là học viên học lái xe và các nghề đáp ứng cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh; học sinh, sinh viên ở các cấp trình độ, sau  tốt  ra trường đảm bảo 100% học sinh, sinh viên có kỹ năng nghề chuẩn, được các doanh nghiệp đón nhận vào làm việc ổn định với mức lương từ 10 – 25 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, người lao động được hưởng những cơ chế, chính sách an sinh bền vững từ doanh nghiệp.

Chỉ tính riêng tại tỉnh Quảng Ninh, nhà trường đã có 4 phân hiệu tại: Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái. Tại tỉnh Thái Nguyên, nhà trường có phân hiệu đào tạo Việt Bắc.

Hiện nay, nhà trường đào tạo các cấp trình độ từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng ở nhiều ngành nghề.  Trong đó có các nghề phục vụ cho khai thác mỏ như: Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò, kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò, kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò; các nghề điện công nghiệp; công nghệ ô tô; kế toán doanh nghiệp; vận hành điện trong nhà máy nhiệt điện; Điện dân dụng; Điện tử công nghiệp; Tự động hóa công nghiệp; Các nghề du lịch – dịch vụ khác…

100% sinh viên nhà trường tốt nghiệp có việc làm với mức lương 10-25 triệu đồng/tháng

Từ năm 2018 đến nay, nhà trường bắt đầu thực hiện công tác tuyển sinh đào tạo hệ song bằng theo chương trình 9+ (vừa đào tạo văn hóa, vừa đào tạo nghề), trung bình mỗi khóa có 290 em theo học. Qua thực tế, các khóa đào tạo hệ 9+ của nhà trường đều đạt chất lượng cả về văn hóa và học nghề. Từ hiệu quả này, bước sang năm học 2022- 2023, nhà trường dự kiến nâng thêm số lượng tuyển sinh khoảng 450 em. Đây cũng là nhiệm vụ thực hiện chủ trương và định hướng phân luồng đối với học sinh cấp THCS ở Quảng Ninh, cũng như các địa phương trong cả nước để có nguồn nhân lực trẻ trong những năm tới đây.

Đối với chỉ tiêu tuyển sinh chung năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu nguồn nhân lực của Tập đoàn CN Than- Khoáng sản sẽ rất lớn, vì thế nhà trường dự kiến sẽ tuyển khoảng 4.500 học sinh, sinh viên ở các ngành nghề, hệ đào tạo cho ngành than.

Đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực, nhà trường đã xây dựng mạng lưới tuyển sinh, cán bộ “nằm vùng” tại các địa phương đưa chủ trương, chính sách ưu việt của nhà trường, doanh nghiệp; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về học nghề, qua đó trao giá trị học nghề đến với các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc về trường học tập và làm việc tại các doanh nghiệp của Tập đoàn.

Những nỗ lực không ngừng của tập thể, cán bộ, giáo viên nhà trường đã xây dựng nên một bộ máy “khổng lồ”, trở thành nơi cung ứng, đào tạo, đánh giá kiểm định chất lượng, đóng góp lớn nguồn nhân lực “đặc biệt’ cho ngành khai thác mỏ và kinh tế- xã hội của địa phương.

Bình Minh