17/11/2024 8:26:12

Câu chuyện thiện nguyện và nghề công tác xã hội: Hiểu sao cho đúng

Từ sự việc truyền thông đưa tin Nguyễn Đỗ Trúc Phương – người từng nổi tiếng trên mạng xã hội thông qua các hoạt động công tác xã hội, vừa bị Công an TP. HCM bắt giữ do liên quan đến ma túy cho thấy, có sự nhầm lẫn trên truyền thông giữa hai khái niệm từ thiện/thiện nguyện và công tác xã hội (CTXH).

Nghề nghiệp & Cuộc sống xin giới thiệu bài viết của thạc sỹ chính sách công Phạm Trường Sơn về vấn đề này.


Để rõ ràng cách sử dụng các từ ngữ hướng đến những hành động vì cộng đồng, tôi muốn chia sẻ góc nhìn của người giảng dạy về công tác xã hội và Phát triển cộng đồng, để hiểu rõ về hai khái niệm này.

Tác giả, thạc sỹ Phạm Trường Sơn

Thiện nguyện là hành động tự nguyện hướng thiện của mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức trước hoàn cảnh nào đó liên quan đến các vấn đề con người, xã hội, môi trường. Bỏ qua những đóng góp có mục đích cá nhân, xây dựng hình ảnh… cũng hàm ý khía cạnh tốt là đóng góp cho xã hội nhưng mục tiêu có thể phức tạp có sự tham gia của nhiều bên liên quan. Còn khi đóng góp thiện nguyện trên tinh thần “tương thân tương ái”, đó chính xác là hành động tự nguyện và không liên quan đến số tiền đóng góp hay mục đích cá nhân khi thực hiện sự đóng góp.

Vì vậy, chúng ta dễ dàng thấy nhiều người thiện nguyện sẽ đóng góp âm thầm, ít ghi danh mình hay ẩn danh. Họ thường đóng góp qua kênh bè bạn, than hữu có uy tín trong làm việc xã hội, cộng đồng là thế.

Quan sát xã hội, tôi thấy chúng ta đang áp dụng một tư duy từ thiện vào gần như tất cả các hoạt động xã hội, cộng đồng và cả cụm từ đang “hot” hiện nay là tác động xã hội.

Tư duy này mong muốn các hoạt động trực tiếp, thấy kết quả ngay, ai cũng có thể làm được và phải 100% ngân sách hỗ trợ các vấn đề cộng đồng. Tư duy từ thiện được thúc đẩy nhiều bởi các trụ cột nhà nước và doanh nghiệp và đặc biệt cá nhân người nổi tiếng, do xuất phát điểm đầu ra của các trụ cột này muốn thấy được hiệu quả “ngay lập tức”, hay báo cáo kết quả thành tích nhanh chóng hay việc đặt các KPIs trong hoạt động cộng đồng.

Tuy nhiên, khi chúng ta làm việc với con người, với các vấn đề xã hội phức tạp trong bối cảnh toàn cầu hóa, dịch bệnh Covid 19, thiên tai bão lũ và các biến đổi không ngừng của xã hội theo dòng chảy của sự phát triển, chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức phức tạp. Đầu ra của chúng ta không thể đơn giản là bao nhiêu gói quà, bao nhiêu người được hỗ trợ, bao nhiêu học bổng, bao nhiêu ngân sách đã tài trợ xong…, đầu ra của chúng ta cũng phức tạp hơn nhiều.

Đơn giản nhất là bao nhiêu hoàn cảnh đã thoát nghèo “bền vững”, bao nhiêu học sinh – sinh viên gia đình khó khăn cải thiện cuộc sống của các em và gia đình để các em tiếp tục việc học, phức tạp hơn là giá trị mang lại cho cuộc sống chung của xã hội là gì, liệu có công bằng hay không…

Tất cả những thứ đầu ra này gọi là “sự bền vững quốc gia”, hay nói theo Liên Hiệp Quốc là đạt được “các mục tiêu phát triển bền vững”…

Nó được đo bằng sự đầu tư nghiêm túc và vận hành bởi những người có chuyên môn đào tạo bài bản, đúng ngành nghề như CTXH, nâng cao năng lực, bảo vệ quyền lợi, quản lý quản trị phi lợi nhuận, phi chính phủ…, tạm gọi chung là nghề phát triển cộng đồng.

Nghị định 110/2024 ban hành ngày 30/8/2024 về CTXH đã khẳng định trong điều 4 là “…hỗ trợ phòng ngừa; can thiệp, trị liệu; hỗ trợ phục hồi, phát triển đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng hạnh phúc của người dân; góp phần bảo đảm thực hiện quyền, nhân phẩm, giá trị của con người, công bằng và bình đẳng xã hội theo quy định của pháp luật.”

CTXH là khái niệm thúc đẩy phát triển cộng đồng, một sự phối hợp nhiều hành động phức tạp mang tính khoa học có sự đánh giá nhu cầu, đầu vào như là khảo sát thị trường của khối doanh nghiệp, các con số thu thập thống kê của nhà nước…

Từ dữ liệu thu thập này, người làm CTXH thiết kế những hoạt động phát triển mang lại đầu ra đã nói ở trên. Và để làm việc đó, phải đầu tư thực chất và “rất nghiêm túc” vào năng lực của con người, những người cam kết về dấn thân và thực hành quy điều đạo đức xã hội. Những người này xứng đáng được nhận lương và các bảo hiểm an sinh xã hội như tất cả mọi thành phần khác của xã hội… vì đóng góp của họ cũng như các khối nhà nước và doanh nghiệp.

Khi chúng ta suy nghĩ được việc này thì nên từ bỏ tư duy từ thiện mà chuyển sang tư duy phát triển bền vững. Với tư duy này, ta sẽ dễ dàng nhận ra xã hội cần vận hành bởi đội ngũ, quy trình và nhiều mối quan hệ phức tạp hơn là trao quà, kiểm đếm số lượng. Khi ấy chúng ta mới có thể nghĩ sâu hơn về một xã hội tốt đẹp, một đất nước bền vững.

Cuối cùng, để có tư duy chúng ta lại cần phải nghĩ đến giáo dục với hy vọng nền tảng này sẽ thay đổi đất nước trong tương lai. Giáo dục mà tôi muốn nói là việc học tập ở gia đình, xã hội và hệ thống hiện nay, vì vậy việc cần thay đổi đầu tiên là hiểu đúng công tác xã hội là gì trong chính môi trường giáo dục và tinh thần nghị định 110/2024 về công tác xã hội.

Ông Phạm Trường Sơn có thâm niên hoạt động trên 25 năm về các vấn đề xã hội tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Ông có bằng thạc sĩ chính sách công và hiện giảng dạy ngành CTXH tại nhiều trường cao đẳng, đại học tại TP. HCM. Ông Sơn đang là giám đốc Tình Thân Foundation, một tổ chức truyền thông về HIV/AIDS, bạo lực gia đình và hỗ trợ tài chính vi mô cho người nghèo thành thị tại TP. HCM.

Phạm Trường Sơn